Nhằm tăng cường liên kết khu vực trong bối cảnh toàn cầu hoá và khu vực hoá, ASEAN đã đưa ra các hình thức hợp tác mới phù hợp với sự phát triển của tình hình thế giới và Hiệp hội sau chiến tranh lạnh như: Các kế hoạch xây dựng khu vực mậu dịch tự do ASEAN - AFTA trong vòng 10 năm đối với các nước thành viên cũ (1993 - 2003), và các thời hạn đối với các nước thành viên mới là 2006 và 2008; Diễn đàn khu vực ASEAN - ARF (1994), chương trình hợp tác công nghiệp ASEAN - AICO (4/1996); và khu vực đầu tư ASEAN - AIA (10/1998), Chương trình hành động Hà nội (12/1998)...

Việt Nam tham gia Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ASEAN từ năm 1992 và là một trong những nước thành viên sáng lập của ARF từ năm 1994 trước khi tham gia ASEAN. Trở thành thành viên chính thức của ASEAN, sự hội nhập của Việt Nam với khu vực và thế giới càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, góp phần vào bảo đảm an ninh và phát triển chung ở Đông Nam á. Việt Nam đã tham gia tích cực vào các khuôn khổ, diễn đàn và các hoạt động hợp tác khác nhau của ASEAN về kinh tế, chính trị an ninh cũng như hợp tác chuyên ngành: hợp tác á - Âu (ASEM - 1996); hợp tác ASEAN với 3 nước Đông Bắc á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN + 3 - 1997); tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN VI tại Hà nội năm 1998, các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN (AMM) lần thứ 34 và Hội nghị ARF 7 năm 1999, cũng như một loạt các Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về môi trường, ma tuý, tội phạm xuyên quốc gia các năm sau này... đưa ra các sáng kiến như Chương trình Hành động Hà nội, về phát triển các vùng nghèo dọc theo hành lang Đông, Tây...

Quan hệ buôn bán và đầu tư giữa Việt Nam và các nước ASEAN ngày càng được tăng cường, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của Việt nam. Trước khi Việt Nam gia nhập ASEAN, trong giai đoạn 6 năm (1988 - 1994), tổng số dự án của các nước ASEAN vào Việt Nam là 160 dự án, với số vốn đăng ký là 2,7 tỷ USD. Sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN, những con số trên đã tăng vọt. Kết quả là trong giai đoạn 1995 - 2000, các nước ASEAN đã có 296 dự án đầu tư vào Việt nam, với tổng số là 7,365 tỷ USD, chiếm 16% về số dự án và gần 30% tổng số vốn mà các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đầu tư vào Việt Nam. Trong các nước ASEAN, Xingapo là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, tiếp theo là các nước Malaixia, Thái lan, Philipin và Inđônêxia. Chỉ riêng Xingapo tính đến tháng 12 năm 2001 đã có 244 dự án với tổng số vốn là 6,88 tỷ USD, trong tổng số 3.043 dự án đầu tư nước ngoài ở Việt nam và vốn đầu tư là 37,6 tỷ USD.

Các dự án đầu tư của ASEAN vào Việt Nam cũng đã có sự thay đổi cơ cấu rõ rệt, từ các lĩnh vực thương mại, khách sạn, dịch vụ chuyển mạnh sang lĩnh vực công nghiệp và sản xuất. Trong tổng số 115 dự án và 1,2 tỷ USD vốn đầu tư của Malaixia ở Việt Nam thì lĩnh vực công nghiệp chiếm khoảng 44% số dự án và 70% số vốn. Tiếp theo Malaixia là Thái Lan với 112 dự án và 1,16 tỷ USD vốn đầu tư. Một số khu công nghiệp và chế xuất mà các nước ASEAN tham gia ở Việt Nam đã hoạt động có hiệu quả như: khu công nghiệp Việt Nam - Xingapo (Bình Dương), Khu công nghiệp Việt Nam - Thái Lan (Amata), Khu chế xuất Việt Nam - Malaixia (Đà Nẵng), khu công nghiệp Việt Nam - Malaixia (Nội Bài)... Có thể nói, đầu tư từ các nước ASEAN đã và đang là một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế Việt nam, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá và hiện đại hoá, và đưa Việt Nam tiến kịp các nước trong khu vực. 

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước ASEAN cũng không ngừng gia tăng trong những năm qua. Riêng năm 2000, kim ngạch buôn bán giữa Việt Nam và ASEAN đã đạt 7,1 tỷ USD, chiếm 24% tổng kim ngạch buôn bán của Việt Nam. Xingapo, Thái Lan, Philipin, Malaixia và Inđônêxia là các bạn hàng lớn trong ASEAN của Việt Nam. Năm 2002, Inđônêxia đã ký hợp đồng nhập 500.000 tấn gạo của Việt Nam trong tổng số 1 triệu tấn gạo mà nước này dự định nhập khẩu từ nước ngoài. Việt Nam và Thái Lan đã thoả thuận hợp tác về xuất khẩu gạo nhằm nâng giá gạo trên thị trường quốc tế đang còn quá thấp. Quan hệ thương mại giữa hai nước không ngừng được cải thiện cả về kim ngạch hai chiều lẫn cơ cấu mặt hàng với việc Việt Nam đã xuất trở lại Thái Lan các hàng công nghệ, linh kiện điện tử và hàng tiêu dùng. Cùng với quan hệ thương mại, các quan hệ chính trị và những mối quan hệ khác được tăng cường hơn, đã góp phần thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước ASEAN.

Sau khi trở thành thành viên ASEAN, Việt Nam đã chính thức tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) từ ngày 1/1/1996. Với việc tham gia AFTA, cả Việt nam và các nước ASEAN đều có điều kiện hơn nữa để thúc đẩy quan hệ thương mại theo những qui định về giảm thuế quan có hiệu lực chung (CEPT). Do Việt Nam tham gia AFTA chậm hơn các nước thành viên ASEAN khác, nên thời hạn hoàn thành việc giảm thuế quan của Việt Nam theo qui định chung của ASEAN sẽ là 1/1/2006.

Thực hiện lộ trình hội nhập AFTA, tháng 6 năm 2003, Bộ Tài chính Việt Nam đã công bố danh mục các mặt hàng của Việt Nam đưa vào diện cắt giảm thuế quan theo tinh thần của CEPT/AFTA giai đoạn 2003 - 2006. Theo đó, danh mục CEPT giai đoạn 2003 - 2006 của Việt Nam sẽ bao gồm lộ trình cắt giảm thuế cụ thể cho từng năm từ 2003 đến 2006 với khoảng 10.450 mặt hàng theo cam kết. Cũng theo qui định chung của ASEAN, tất cả các mặt hàng trên đều phải có mức thuế nhập khẩu thấp hơn hoặc bằng 20%, trong đó 73,6% số mặt hàng đưa vào diện cắt giảm sẽ có mức thuế suất từ 0 - 5% vào năm 2003, và đến năm 2006, tổng số 10.450 mặt hàng này đều có mức thuế suất từ 0 - 5%.

Theo ông Phạm Công Minh, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế (Bộ Tài chính), danh mục hàng hoá và thuế suất CEPT giai đoạn 2003 - 2006 được xây dựng theo danh mục biểu thuế quan hài hoà ASEAN (AHTN) chi tiết tới 10.698 dòng thuế, nên trong danh mục cắt giảm ngay (IL) trước đây chỉ có 5.549 dòng thuế, thì nay chi tiết thành 8.769 dòng thuế. Tương tự, danh mục loại trừ tạm thời (TEL) từ 755 thành 1.416; danh mục nông sản nhạy cảm (SL) từ 52 thành 89 dòng thuế và danh mục loại trừ hoàn toàn (GEL) từ 158 thành 415 dòng thuế. Danh mục CEPT/AFTA 2003 - 2006 sẽ có hiệu lực từ 1/7/2003 và sẽ không thực hiện hồi tố. Như vậy, bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do nhiều doanh nghiệp chưa chuẩn bị sẵn sàng cho việc hội nhập AFTA.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực, hợp tác ASEAN và hợp tác của Việt Nam với các nước ASEAN về lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng được chú ý và đẩy mạnh hơn với việc triển khai các chương trình hợp tác tài chính - tiền tệ mang tính vĩ mô như cơ chế giám sát ASEAN, phối hợp chính sách tài chính - tiền tệ, cơ chế hoán đổi tiền tệ ASEAN (sau đã được mở rộng để 3 nước Đông Bắc á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia)...

Là một trong những nước thành viên mới và kém phát triển hơn trong ASEAN, sự hợp tác trong khuôn khổ ASEAN đã và đang đóng góp vào việc đẩy nhanh quá trình Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới. Một ASEAN mở rộng bao gồm 10 nước Đông Nam á, với những trình độ phát triển kinh tế chênh lệch nhau, đang phải đối phó với những thách thức mới, đó là việc tăng cường hơn nữa liên kết kinh tế ASEAN và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên vốn đã rất hiện hữu thì sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính Đông á (1997 - 1998) lại càng sâu sắc hơn. Tháng 11 năm 2000, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua sáng kiến về tăng cường liên kết ASEAN (IAI) tập trung vào 4 lĩnh vực là: Phát triển hạ tầng cơ sở, phát triển nguồn nhân lực, công nghệ thông tin và liên lạc, và liên kết kinh tế. Hiện nay, IAI đã có 64 dự án giúp các thành viên mới chủ yếu là Cămpuchia, Lào, Mianma và Việt Nam đuổi kịp 6 nước thành viên cũ.

Tuy nhiên, tám năm qua (1995 - 2003) cũng là những năm tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, đặc biệt là cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính Đông á năm 1997 - 1998, sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế từ sau 11/9/2001, các cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Aphganixtan (10/2001) và Irắc (3/2003) với lý do chống khủng bố, và gần đây nhất là sự lan tràn của căn bệnh chết người - viêm nhiễm đường hô hấp cấp (SARS) trên thế giới và ở khu vực. Bên cạnh đó, việc CHND Trung Hoa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tháng 12 năm 2001 cũng đặt ra những thách thức to lớn đối với các nước ASEAN trong việc cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài, trong khi tình hình thế giới, khu vực và nội bộ một số quốc gia thành viên vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Những biến động trên đã có ảnh hưởng nặng nề tới các nền kinh tế khu vực, đặc biệt ở các lĩnh vực như thu hút đầu tư nước ngoài, du lịch, hàng không và dịch vụ ..., và như  vậy cũng đã ảnh hưởng đến hiệu quả hợp tác Việt Nam - ASEAN trong bối cảnh các nước thành viên cũ và phát triển hơn trong Hiệp hội cũng đang gặp phải những khó khăn gay gắt về kinh tế.

Tuy nhiên, ASEAN đã chứng tỏ được sức sống của mình, vượt lên những khó khăn và thách thức đó. Các nước thành viên đã lấy lại được nhịp độ tăng trưởng sau cuộc khủng hoảng, cùng nhau đối phó kịp thời và có hiệu quả đối với dịch bệnh SARS, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN về đối phó với SARS đã được tổ chức tại Băng Cốc (Thái Lan) vào tháng 4 năm 2003; đẩy mạnh quảng bá du lịch ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch các nước ASEAN được tổ chức ngay tại Bali là nơi đã xảy ra vụ nổ bom khủng bố đẫm máu vào tháng 10 năm 2002; Thúc đẩy hợp tác nội khối trong khi vẫn tiếp tục tăng cường quan hệ đối ngoại với các nước ngoài khu vực; và đang hướng tới việc thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), cũng như cộng đồng an ninh ASEAN (ASC). Không phải ngẫu nhiên mà Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN năm nay (AMM 36), nhóm họp tại Nông Pênh (Cămpuchia) từ ngày 16 - 17/6/2003, đã lấy chủ đề là “Hướng tới một Cộng đồng kinh tế ASEAN - liên kết và hướng ngoại”. Với các vấn đề thảo luận đi sâu vào việc tăng cường và làm sâu sắc hơn liên kết khu vực và hợp tác ASEAN; đẩy mạnh việc mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài; thu hẹp khoảng cách, và giúp các nước thành viên mới phát triển... đã mở ra những hướng hợp tác mới cho quan hệ Việt Nam - ASEAN trong những năm tới. Bên cạnh những thuận lợi, các khó khăn và thách thức đối với Việt Nam trong quá trình tiếp tục hội nhập với khu vực cũng không phải ít. Nhưng kết quả hợp tác Việt Nam - ASEAN những năm qua, chắc chắn sẽ là những bước khởi đầu tốt đẹp cho quan hệ hợp tác Việt Nam - ASEAN trong tương lai.