TÓM TẮT:
Bài viết chỉ ra thực trạng gian lận trong hoạt động gia công xuất khẩu hàng dệt may tại các doanh nghiệp Việt Nam; cũng như các biện pháp quản lý nhà nước nhằm chống gian lận trong trong hoạt động gia công xuất khẩu. Các biện pháp đó bao gồm triển khai các hoạt động thanh kiểm tra, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thực thi các hoạt động nghiệp vụ và phối hợp giữa các bên nhằm chống gian lận trong hoạt động gia công xuất khẩu gian qua. Dựa vào đó, bài viết đề xuất một số giải pháp tới các chủ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong chống gian lận hoạt động gia công xuất khẩu hàng dệt may thời gian tới.
Từ khóa: gia công xuất khẩu, gian lận thương mại, quản lý nhà nước, hàng dệt may.
1. Tổng quan về quản lý nhà nước trong chống gian lận hoạt động gia công xuất khẩu
Gia công xuất khẩu hàng hóa cho đối tác nước ngoài là một mô hình sản xuất kinh doanh quốc tế phổ biến, mang lại giá trị kinh tế lớn cho Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã khẳng định vị thế là trung tâm gia công hàng đầu, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may - ngành xuất khẩu chủ lực với tốc độ tăng trưởng ổn định và đóng góp quan trọng vào GDP quốc gia. Minh chứng cho điều này, trong năm 2023, kim ngạch gia công xuất khẩu của ngành Dệt may đã đạt gần 26 tỷ USD. Thông qua hoạt động gia công, các doanh nghiệp trong nước không chỉ có cơ hội tiếp cận các mô hình quản lý tiên tiến từ khu vực và thế giới mà còn góp phần giải quyết nhu cầu việc làm cho người lao động.
Nhằm hỗ trợ tối đa cho hoạt động gia công xuất khẩu, những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã tích cực điều chỉnh, ban hành các chính sách và văn bản pháp luật liên quan như Luật Hải quan, Luật Thuế, Luật Quản lý ngoại thương... Những quy định mới với thủ tục hải quan thông thoáng đã mở ra nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này.
Tuy nhiên, đi kèm với đó là những rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là sự gia tăng các hành vi gian lận. Bên cạnh các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật, vẫn còn không ít doanh nghiệp lợi dụng chính sách thuế ưu đãi và môi trường kinh doanh cởi mở để thực hiện hành vi gian lận, gây thất thu ngân sách nhà nước và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Hơn thế nữa, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tự do hóa thương mại cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã làm xuất hiện nhiều phương thức và thủ đoạn gian lận thương mại tinh vi, phức tạp hơn.
Chống gian lận trong hoạt động gia công xuất khẩu là toàn bộ những hoạt động nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan của các chủ thể tham gia hoạt động gia công xuất khẩu nhằm ngăn các chủ thể này trốn tránh các khoản thu trong lĩnh vực hải quan, nhận các khoản trợ cấp mà đáng ra không được nhận hoặc nhận được các lợi thế thương mại nhờ hoạt động gian lận
Quản lý nhà nước về chống gian lận trong hoạt động gia công xuất khẩu được hiểu là toàn bộ những công tác quản lý nhằm làm cho hoạt động gia công xuất khẩu diễn ra đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo các quy luật thương mại, ngăn chặn, đẩy lùi những hoạt động phi pháp, gây hậu quả xấu đến toàn bộ hoạt động thương mại quốc tế, nhằm từng bước xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh quốc tế lĩnh vực gia công xuất khẩu, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Quản lý nhà nước về chống gian lận trong hoạt động gia công xuất khẩu cũng là một phần trong công tác quản lý thương mại quốc tế của nhà nước, bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hoạt động thương mại quốc tế. Nhiệm vụ quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm soát chống gian lận đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là nhiệm vụ chủ yếu, mang tính quyết định. Đối với hoạt động quản lý gia công xuất khẩu, các cơ quan quản lý nhà nước như Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đóng vai trò kiểm tra, giám sát chính nhằm đảm bảo vừa hạn chế gian lận, vừa đảm bảo nguyên tắc phát triển trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước mang tính tổng quát, tính chỉ đạo.
2. Thực trạng gian lận trong hoạt động gia công xuất khẩu ngành Dệt may
2.1. Gian lận về nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị và vật tư tiêu hao
Hoạt động GCXK hàng dệt may tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều hình thức gian lận thương mại, phổ biến nhất là lợi dụng chính sách miễn thuế đối với nguyên phụ liệu, vật tư và thiết bị nhập khẩu để tiêu thụ nội địa trốn thuế. Các ưu đãi gồm: miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư gia công; miễn thuế với phế liệu tiêu thụ nội địa trong giới hạn 3%; và miễn thuế hàng gia công tại khu phi thuế quan sử dụng nguyên liệu nội địa. Các doanh nghiệp đã thực hiện các hành vi gian lận tinh vi như:
Khai báo sai định mức sử dụng nguyên liệu: Khai định mức cao hơn thực tế để chiếm dụng nguyên liệu dư thừa, trốn thuế. Ví dụ, Công ty TNHH V. (TP. HCM) khai vượt 1.147.854 yard vải, thu lợi bất chính hơn 8 tỷ đồng.
Xử lý sai nguyên vật liệu dư thừa, máy móc, phế liệu: Cục Hải quan Bình Dương phát hiện hơn 30 doanh nghiệp vi phạm, truy thu hơn 120,4 tỷ đồng.
Khai chuyển đổi mục đích sử dụng không đúng quy định: Công ty TNHH H. Việt Nam (Hải Phòng) bị phát hiện không khai báo hải quan, tồn kho chênh lệch hơn 105.250 yard vải.
2.2. Gian lận xuất khống trong hoạt động gia công
Doanh nghiệp lợi dụng chính sách miễn kiểm tra, miễn thuế để xuất khống hàng hóa, nhằm giữ lại nguyên phụ liệu nhập khẩu để sản xuất hoặc bán trong nước mà không nộp thuế. Hình thức gian lận phổ biến gồm:
Xuất khống hàng hóa: Thủ tục xuất khẩu đúng trên giấy tờ nhưng thực tế không xuất hoặc xuất ít hơn.
Khai báo nhập khống, tráo đổi nguyên phụ liệu: Thủ tục xuất trả không đầy đủ hoặc tráo đổi hàng hóa nhằm lách luật.
Tình huống điển hình:
Công ty Yakjin Sài Gòn (2023): Lợi dụng phân luồng xanh trong thủ tục hải quan, công ty đã tráo đổi lô hàng 122.412 sản phẩm quần áo (trị giá gần 1,6 triệu USD) bằng vải vụn và quần áo lỗi nhằm tiêu thụ nội địa. Trị giá tính thuế lô hàng gần 4,17 tỷ đồng, số thuế phải nộp 958 triệu đồng. Hải quan phát hiện sai phạm do không có hợp đồng giao sản phẩm gia công phù hợp, vi phạm quy định về quản lý nhà nước trong hoạt động GCXK.
2.3. Gian lận theo loại hình kinh doanh, chính sách mặt hàng và hồ sơ chứng từ
Doanh nghiệp lợi dụng quyền ưu tiên trong thủ tục hải quan như miễn kiểm tra chứng từ, thông quan nhanh, hoàn thuế trước, để trốn thuế và vi phạm quy định. Các thủ đoạn phổ biến gồm:
Khai báo sai tên hàng, chủng loại: Mô tả hàng hóa không đúng thực tế để áp dụng thuế suất thấp hơn hoặc tránh kiểm tra.
Khai sai mục đích sử dụng: Khai báo không đúng điều kiện GCXK nhằm hưởng ưu đãi không đủ điều kiện.
Khai báo sai cấu trúc hàng hóa: Khai hàng đồng bộ thành linh kiện hoặc ngược lại để thay đổi mức thuế suất và tránh kiểm tra kỹ lưỡng.
Tình huống điển hình:
Công ty Cổ phần May G.P (TP.HCM, 2020): Nhập khẩu hàng hóa để GCXK nhưng không trực tiếp sản xuất mà giao cho doanh nghiệp khác gia công. Đồng thời, không lưu trữ đầy đủ hồ sơ, chứng từ theo quy định. Cục Hải quan TP.HCM truy thu và xử phạt gần 50 tỷ đồng.
2.4. Gian lận xuất xứ hàng gia công xuất khẩu
Gian lận xuất xứ hàng GCXK gia tăng do tác động từ chiến tranh thương mại và các biện pháp tự vệ thương mại quốc tế.
Thủ đoạn phổ biến gồm:
Doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất sơ sài, chỉ thực hiện công đoạn gia công đơn giản nhưng khai báo xuất xứ Việt Nam;
Chuyển tải hàng hóa qua Việt Nam để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) Việt Nam;
Sử dụng C/O giả hoặc không hợp lệ để hưởng ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tình huống điển hình:
Năm 2020: Một doanh nghiệp phát hành trái phép 392 C/O cho 33 doanh nghiệp với trị giá hàng hóa trên 600 tỷ đồng, bị kiến nghị khởi tố.
2.5. Gian lận chuyển giá trong hoạt động gia công xuất khẩu
Gian lận chuyển giá xảy ra khi doanh nghiệp (DN) điều chỉnh giá gia công hoặc giá sản phẩm xuất khẩu nhằm chuyển lợi nhuận sang nước có thuế suất thấp hơn. Dù tỷ lệ gian lận giữ ở mức 6% trong năm 2019 và 2020, những hành vi này ngày càng tinh vi do chưa có quy định cụ thể về giá thuê gia công.
Các hình thức gian lận chính:
Khai tăng chi phí đầu vào: DN dệt may khai tăng giá nguyên liệu, hạ giá gia công, dẫn đến thua lỗ liên tục.
Nâng khống giá trị vốn góp: DN nước ngoài góp vốn bằng máy móc, thiết bị cũ nhưng đẩy giá lên cao nhằm trốn thuế.
Bán nguyên vật liệu với giá thấp: Công ty mẹ bán hàng cho công ty con tại Việt Nam với giá thấp, sau đó xuất khẩu với giá cao, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Chi trả lãi vay vốn sản xuất: Công ty mẹ hỗ trợ vốn hoặc cho vay không lãi suất sau khi DN FDI báo lỗ do giá bán thấp hơn giá vốn.
3. Thực trạng quản lý nhà nước về chống gian lận trong hoạt động gia công xuất khẩu hàng dệt may
3.1. Thực trạng xây dựng, ban hành các văn bản pháp quy để chống gian lận trong hoạt động gia công xuất khẩu hàng dệt may
Hoạt động quản lý gia công xuất khẩu hàng dệt may tuân theo quy định chung về xuất nhập khẩu thương mại, đồng thời áp dụng các chính sách ưu đãi thuế và quy định đặc thù trong lĩnh vực thuế và hải quan, nhằm vừa tạo thuận lợi thương mại vừa đảm bảo quản lý hiệu quả.
Một số văn bản pháp lý quan trọng bao gồm: Luật Quản lý ngoại thương 2017, Luật Hải quan 2014, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn như Nghị định số 69/2018/NĐ-CP, Nghị định số 128/2020/NĐ-CP, Thông tư số 60/2019/TT-BTC, Thông tư số 38/2015/TT-BTC…
Tổng thể, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thương mại quốc tế đã phát triển ổn định, phù hợp với từng giai đoạn hội nhập quốc tế, đảm bảo cơ sở pháp lý cho các phương thức quản lý hiện đại và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại toàn cầu.
3.2. Thực trạng kiểm tra, giám sát, kiểm soát, thanh tra và xử lý vi phạm nhằm chống gian lận trong hoạt động gia công xuất khẩu hàng dệt may
Thực trạng kiểm tra, giám sát thông quan: (Xem Bảng)
Bảng. Quy trình thủ tục gia công xuất khẩu hàng dệt may

Quy trình thủ tục GCXK được sắp xếp hợp lý, từ khi DN thông báo hợp đồng, nhập khẩu nguyên phụ liệu, xuất khẩu sản phẩm đến thanh khoản hợp đồng. Quy trình đáp ứng yêu cầu hội nhập bằng cách đơn giản hóa thủ tục và hỗ trợ DN. Trong đó, khâu đăng ký định mức và xuất khẩu sản phẩm là quan trọng nhất, dễ bị lợi dụng để gian lận thuế. DN có thể khai sai định mức nguyên phụ liệu tiêu hao hoặc xuất khẩu khống hàng hóa để tiêu thụ trong nước.
Cơ quan hải quan có thể áp dụng biện pháp kiểm tra như đối chiếu trọng lượng vận đơn và chứng từ thanh toán. Tuy nhiên, việc phát hiện gian lận định mức gặp khó khăn do đặc thù tiêu hao nguyên phụ liệu trong sản xuất. Đối với DN chế xuất, cần đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát như:
Hàng rào cứng ngăn cách khu vực bên ngoài;
Hệ thống camera giám sát 24/24, lưu trữ dữ liệu tối thiểu 12 tháng;
Phần mềm quản lý hàng hóa nhập khẩu để báo cáo quyết toán, tạo cơ sở cho hải quan kiểm tra khi cần thiết.
Thực trạng kiểm tra, giám sát sau thông quan:
a. Chống gian lận về nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị và vật tư tiêu hao:
Cơ quan hải quan tập trung kiểm tra tính chính xác của định mức sử dụng nguyên vật liệu, đối chiếu báo cáo nhập-xuất-tồn, sổ kế toán và sản phẩm mẫu. Ngoài ra, việc giám sát hàng tồn kho, xử lý nguyên liệu dư thừa, phế liệu, máy móc và việc chuyển tiêu thụ nội địa cũng được chú trọng nhằm phát hiện sai phạm, đảm bảo nghĩa vụ thuế.
b. Chống gian lận xuất khống:
Hải quan kiểm tra chặt chẽ lượng nguyên liệu, máy móc thừa so với khai báo và đối chiếu với số liệu hạch toán, nhằm ngăn chặn hành vi xuất khống.
c. Chống gian lận chính sách mặt hàng, hồ sơ chứng từ: Công tác kiểm tra tập trung vào điều kiện miễn thuế theo Nghị định 134/2016/NĐ-CP, đảm bảo doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về cơ sở sản xuất và sở hữu thiết bị. Báo cáo quyết toán được rà soát để phát hiện sai lệch.
d. Chống gian lận xuất xứ đối với hoạt động GCXK:
Việc xử lý gian lận xuất xứ gặp khó khăn do thiếu quy định rõ ràng. Hải quan kiểm tra tỷ lệ giá trị nội địa (LVC) và phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện pháp lý, đảm bảo minh bạch trong hoạt động gia công xuất khẩu.
3.3. Thực trạng hợp tác, phối hợp giữa các bên có liên quan trong nước và quốc tế trong chống gian lận hoạt động gia công xuất khẩu hàng dệt may
Các cơ quan như Tổng cục Hải quan, Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường và Cảnh sát biển đã tăng cường phối hợp với nhau để chống gian lận trong gia công xuất khẩu hàng dệt may. Sự phối hợp này tập trung vào chia sẻ thông tin, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, dựa trên các quy chế và quyết định của Chính phủ. Trên bình diện quốc tế, Tổng cục Hải quan đẩy mạnh hợp tác thông qua ký kết các điều ước, thỏa thuận song phương và đa phương về hỗ trợ hành chính trong đấu tranh chống gian lận thương mại. Các công ước quốc tế như Công ước Nairobi và Johannesburg là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu quả công tác điều tra, chia sẻ thông tin giữa hải quan Việt Nam và các nước.
Việt Nam cũng đã ký nhiều hiệp định hợp tác với các nước như Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc và Australia. Luật Hải quan 2014 quy định cụ thể về hợp tác quốc tế và thu thập thông tin để phòng, chống buôn lậu. Tuy nhiên, hình thức hợp tác chủ yếu vẫn là hỗ trợ hành chính, dẫn đến những hạn chế trong điều tra và xác minh. Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và kỹ thuật là cần thiết để nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống gian lận.
4. Đề xuất giải pháp tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong phòng, chống gian lận gia công xuất khẩu hàng dệt may
Với doanh nghiệp dệt may
Doanh nghiệp gia công xuất khẩu dệt may cần hoàn thiện hệ thống quản lý nội bộ với quy trình chuẩn hóa về quản lý nguyên liệu, vật tư và sản phẩm để đáp ứng yêu cầu pháp luật. Việc cập nhật định kỳ định mức sử dụng nguyên liệu và tỷ lệ hao hụt giúp minh bạch trong báo cáo quyết toán, giảm thiểu rủi ro từ sai sót khi cơ quan hải quan kiểm tra. Ứng dụng công nghệ thông tin đóng vai trò then chốt, với việc đầu tư vào phần mềm quản lý tích hợp lưu trữ, phân tích dữ liệu và kết nối với hệ thống thông tin hải quan, giúp cập nhật, cung cấp thông tin nhanh chóng và chính xác. Doanh nghiệp cần đảm bảo tính trung thực, minh bạch trong khai báo hải quan với đội ngũ chuyên trách am hiểu pháp luật, đồng thời có thể sử dụng dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp để giảm thiểu rủi ro. Bên cạnh đó, đào tạo nhân sự về pháp luật và kỹ năng quản lý hiện đại giúp nâng cao năng lực ứng phó khi kiểm tra. Tăng cường phối hợp với cơ quan hải quan thông qua các chương trình hỗ trợ và hội thảo giúp xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững. Kiểm tra nội bộ định kỳ về tình hình nhập-xuất-tồn nguyên liệu đảm bảo tính chính xác của báo cáo quyết toán. Doanh nghiệp cũng nên đầu tư công nghệ truy xuất nguồn gốc, tối ưu quy trình sản xuất và đảm bảo lập, nộp báo cáo quyết toán hàng năm đúng hạn. Việc tuân thủ chặt chẽ quy định về hợp đồng gia công, cùng tham gia các chương trình giám sát tự nguyện, sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín, giảm thiểu rủi ro pháp lý và tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bền vững.
Với Hiệp hội Dệt may Việt Nam
Hiệp hội Dệt may Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ doanh nghiệp gia công xuất khẩu tuân thủ pháp luật và giảm thiểu gian lận thương mại. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, hiệp hội cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho các doanh nghiệp thông qua hội thảo, tập huấn và phát hành tài liệu hướng dẫn. Việc phổ biến thông tin về quy định mới giúp doanh nghiệp hiểu rõ trách nhiệm, từ đó tránh vi phạm.
Hiệp hội cũng cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, phản ánh kịp thời khó khăn của doanh nghiệp và đề xuất giải pháp điều chỉnh chính sách, đảm bảo phù hợp với thực tiễn ngành Dệt may. Bên cạnh đó, việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử riêng cho ngành Dệt may sẽ định hướng doanh nghiệp thực hiện sản xuất minh bạch, bền vững, nâng cao uy tín và trách nhiệm xã hội. Hiệp hội nên hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý nội bộ hiệu quả thông qua cung cấp công cụ quản lý hiện đại, tổ chức đào tạo về quản lý rủi ro và số hóa quy trình sản xuất. Thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp thành viên thông qua chương trình kết nối, chia sẻ kinh nghiệm sẽ giúp hình thành cộng đồng doanh nghiệp minh bạch, nâng cao vị thế ngành trên thị trường quốc tế. Đồng thời, Hiệp hội cần thiết lập trung tâm hỗ trợ pháp lý hoặc ban chuyên trách về tuân thủ quy định gia công xuất khẩu, cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ giải quyết vấn đề phát sinh. Cuối cùng, sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và tính minh bạch cho toàn ngành.
Với cơ quan quản lý nhà nước
Cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường giám sát và hoàn thiện hệ thống pháp luật về chống gian lận trong gia công xuất khẩu dệt may bằng cách rà soát, sửa đổi các văn bản chồng chéo, lỗi thời và xây dựng khung pháp lý đồng bộ, minh bạch. Cần nâng cao trách nhiệm cơ quan hải quan, thành lập tổ công tác kiểm tra, xử lý các vụ việc phức tạp. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông và hợp tác quốc tế, đặc biệt với Asean, sẽ nâng cao hiệu quả kiểm tra, chống hàng giả. Bên cạnh đó, cần thực hiện kiểm tra định kỳ, giám sát chặt các tuyến trọng điểm và công khai kết quả xử lý để tạo sự minh bạch. Cuối cùng, việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, xã hội và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng sẽ hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống gian lận, góp phần phát triển bền vững ngành Dệt may.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (2017). Báo cáo thực hiện về phòng, chống gian lận thương mại. Hà Nội, tr. 2-3.
Tổng cục Thống kê (2023), Báo cáo Chính phủ về xử lý số liệu thu thập thông tin về hoạt động gia công hàng hóa cho đối tác nước ngoài. Hà Nội, tr. 6.
Tổng cục Hải quan, Trang thông tin điện tử Tổng cục Hải quan. Truy cập tại https://www.customs.gov.vn
Bộ Công Thương Việt Nam (2025), Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương. Truy cập tại https://moit.gov.vn
Bộ Tài chính Việt Nam (2025), Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính. Truy cập tại https:// www.mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn
Tổng cục Hải quan Việt Nam (2019), Báo cáo công tác đấu tranh, phòng chống, hạn chế gian lận thương mại trong hoạt động gia công xuất khẩu. Hà Nội, tr. 1-24.
Mai Thanh Huyền (2023), Giải pháp hạn chế gian lận thương mại trong hoạt động gia công xuất khẩu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Đại học Thương mại.
Enhancing state management in preventing fraud in garment and textile processing for export
Ph.D Vu Thanh Toan
Master Nguyen Minh Tan
Abstract:
This study examines the current state of fraud in garment processing and export activities among Vietnamese enterprises and evaluates state management measures aimed at curbing these fraudulent practices. Key measures include inspections and audits, the development of legal frameworks, operational enforcement activities, and enhanced coordination among relevant agencies to prevent fraud in the garment processing and export sector. Based on this analysis, the study proposes targeted solutions for key stakeholders to strengthen the effectiveness of State management and improve fraud prevention in the coming period.
Keywords: processing for export, trade fraud, state management.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14 năm 2025]