Ông Ngô Văn Trụ, Phó Vụ trưởng, Vụ Cơ khí-Luyện kim-Hóa chất, Bộ Công nghiệp.
Trong ngành Cơ khí nói chung và ô tô - xe máy nói riêng, chiến lược phát triển thì có, nhưng quy hoạch cụ thể thì không có và chưa được duyệt (Quy họach về ô tô - xe máy đã xây dựng xong, nhưng chưa được duyệt). Thực tế, quy hoạch Cơ khí rất phức tạp và không thể có được. Chúng ta chỉ có thể có quy hoạch từng ngành cụ thể. Như, Quy hoạch về Cơ khí tầu thủy và Quy hoạch Cơ khí Giao thông Vận tải.
Để phát triển kinh tế - xã hội thì chúng ta rất cần có những quy hoạch tổng thể và chi tiết của từng ngành. Các doanh nghiệp chỉ có thể phát triển vững chắc chỉ khi có quy hoạch cụ thể về sản phẩm, về đầu tư...Hiện nay, nhiều quy họach phát triển cụ thể mà chúng ta cần, nhưng lại không có. Nguyên nhân của việc lập và duyệt quy hoạch chậm như sau:
- Kinh phí lập quy họach do ngân sách cấp có hạn, nên đã hạn chế việc lập quy hoạch.
- Năng lực của những người được giao làm quy hoạch chưa đáp ứng về chuyên môn.
- Thời gian xây dựng và duyệt chiến lược nhiều khi quá lâu nên cũng ảnh hưởng đến việc lập quy hoạch (Quy hoạch bao giờ cũng đi sau chiến lược).
Để đẩy nhanh việc xây dựng quy hoạch phát triển, trước hết chúng ta cần thực hiện những vấn đề sau:
- Đề cao tính chủ động của các tổng công ty trong việc xây dựng quy hoạch cho ngành mình, không trông chờ vào nguồn kinh phí nhà nước và chủ động trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Nâng cao năng lực chuyên môn của những người làm quy hoạch.
- Đẩy nhanh tốc độ phê duyệt quy hoạch của các cơ quan nhà nước có thẩm quền.
Về vấn đề quản lý sau quy hoạch chúng ta cần khắc phục những mặt yếu kém sau:
- Quy hoạch phải được cập nhật thông tin hàng ngày để kịp thời điều chỉnh, nhất là đối với những bản quy hoạch chất lượng không cao, do thiếu thông tin, do năng lực của người xây dựng...Thực tế, có những quy hoạch chúng ta phải điều chỉnh và sửa đổi khá nhiều như Quy hoạch về ngành Thép, nguyên liệu giấy, May mặc...
- Chúng ta cần phải xem xét đến tính khả thi của những quy hoạch đã được phê duyệt. Nhiều đề án quy hoạch rất hay, nhưng không triển khai được trong thực tế, do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề vốn, do dự báo không chính xác, hoặc do tình hình trong nước và thế giới thay đổi…./.
KTS Nguyễn Ngọc Dũng – Giám đốc Công ty Yoco: Kinh tế thế nào, quy hoạch phải thế ấy.
Thực trạng quy hoạch không gian TPHCM đã được nghiên cứu nhiều, và thực tế chúng ta đều thấy sự bất cập của nó, rõ nhất là sự bế tắc của hạ tầng cơ sở xã hội, gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường phát triển bền vững, thu hút đầu tư. Tuy nhiên trong quy hoạch không gian, TP chúng ta chưa rõ ràng về định hướng.
Một điều rõ ràng là kinh tế như thế nào, đô thị phải phát triển như thế ấy. Dù thế nào thì trong vòng 10 năm tới, TP vẫn phải đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường đô thị từ ngân sách… Từ đó, việc chọn lựa, thẩm định kỹ lưỡng và ưu tiên các đề xuất là một điều cực kỳ quan trọng và cấp bách. Muốn vậy, công tác quy hoạch không gian phải được đi trước một bước, phải đổi mới cách làm quy hoạch dựa trên mục tiêu phát triển kinh tế để bố trí hợp lý và ít tốn kém, hạn chế tháo dỡ. Một quy hoạch không chỉ là xây dựng kiến trúc cảnh quan mà phải là kinh tế, xã hội kèm theo các biện pháp thực hiện và nhất quán cho cả trăm năm sau. Do đó, cần phải hợp nhất các viện kinh tế, quy hoạch, kế hoạch, phát triển nông thôn, quy hoạch giao thông, thủy lợi… để cùng tham mưu cho TP.
Ông Vũ Năng Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: "Cần có một cơ chế xuyên suốt và một cơ quan đầu mối của Chính phủ về công tác quản lý qui hoạch và sau qui hoạch".
Việc qui hoạch và quản lý sau qui hoạch hiện nay vẫn còn quá nhiều vấn đề cần bàn mà vấn đề đầu tiên, quan trọng nhất lại nằm ở ... cơ chế. Thời gian qua, nhiều bộ, nhiều ngành đã xây dựng nhiều đề án qui hoạch, song cũng có không ít trong số các dự án này phải liên tục sửa đổi, thậm chí còn không khả thi. Bởi lẽ, theo tôi được biết, chúng ta có quá nhiều cơ quan làm qui hoạch, trong đó có cả những đơn vị không có chức năng, nhiệm vụ làm qui hoạch vẫn tham gia làm như ngành Đường là một ví dụ. Tuy nhiên, không những thế, điều đáng nói hơn là ngay cả ở trong các cơ quan có thể gọi là chính qui nhất của các bộ cũng xảy ra tình trạng mạnh ai nấy làm, không đồng bộ thống nhất. Đơn cử như đề án qui hoạch của ngành Giấy gần đây. Về phần rừng nguyên liệu, ngành Giấy (Bộ Công nghiệp) có qui hoạch riêng, trong khi đó Bộ NN & PTNT cũng có qui hoạch rừng trồng, khiến Ngành này gặp không ít lúng túng, khó khăn khi thực hiện xây dựng các nhà máy theo qui hoạch, vì chẳng biết theo ai. Do vậy, để quản lý qui hoạch cũng như hậu qui hoạch, không còn cách nào khác, theo tôi, Chính phủ cần phải nhanh chóng lập lại trật tự qui hoạch mà việc đầu tiên là thiết lập một chính sách nhất quán giữa các đơn vị làm qui hoạch. Tiếp theo là cho ra đời ngay một cơ quan đầu mối về quản lý trước và sau quy hoạch. Có như vậy, tình trạng quy hoạch lộn xộn như hiện nay mới có thể chấm dứt được.
Ông Nguyễn Thái Long- Trưởng phòng Công nghiệp, Thương mại và Du lịch- Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội: “Việc xây dựng và quản lý khu - cụm công nghiệp gần đây đã thực hiện tốt hơn trước rất nhiều”
Rút kinh nghiệm từ việc triển khai xây dựng 2 khu công nghiệp thí điểm Phú Thị và Vĩnh Tuy, thời gian qua, Thành phố đã chỉ đạo tích cực, quyết liệt việc xây dựng các cụm công nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn. Thành phố giao cho Sở Kế hoạch & Đầu tư chỉ đạo lập dự án xây dựng các khu công nghiệp mới, đề xuất các cơ chế hỗ trợ, trình phê duyệt dự án, cân đối đủ vốn theo tiến độ dự án. Ban Quản lý KCN và khu Chế xuất Hà Nội quản lý nhà nước các khu công nghiệp tập trung và khu - cụm công nghiệp vừa và nhỏ, tập trung chỉ đạo, cấp chứng chỉ quy hoạch và xây dựng. Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất niêm yết công khai trình tự, thủ tục, giải quyết việc giao đất để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng - khâu kéo dài và phức tạp nhất trong việc thực hiện dự án. Sau đó, Sở Quy hoạch- Kiến trúc thực hiện thẩm định, trình duyệt các quy hoạch chi tiết, việc phân chia các lô đất của doanh nghiệp giao cho Ban Quản lý dự án cụm Công nghiệp triển khai thực hiện. Song song với việc thực hiện đầu tư xây dựng cụm công nghiệp, BQL khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tiến hành việc lựa chọn doanh nghiệp đầu tư theo ngành nghề. Đồng thời, thành lập các ban quản lý dự án khu - cụm công nghiệp cấp Quận, Huyện để quản lý, vận hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh; đăng tải các thông tin về tình hình xây dựng cụm công nghiệp để doanh nghiệp đăng ký.
UBND Thành phố thường xuyên tổ chức giao ban để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư. Các ngành Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên - Môi trường & Nhà đất, Ban Quản lý KCN và Khu Chế xuất Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, làm tốt công tác chỉ đạo ngay từ khi lập dự án.
Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Thành uỷ, UBND Thành phố, những bài học kinh nghiệm được đúc rút qua từng dự án, vì thế, việc xây dựng cũng như quản lý cụm công nghiệp gần đây đã thực hiện tốt hơn rất nhiều./.