Ông Nguyễn Thiện Tài - Chủ nhiệm HTX Môi trường Thành Công- Hà Nội: “Cần xã hội hoá vấn đề thu gom rác thải sinh hoạt ở các quận nội thành Hà Nội”.
Được thành lập từ cuối năm 2000, HTX Môi trường Thành Công là mô hình thí điểm xã hội hoá thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng. Do cơ chế chính sách còn gặp nhiều khó khăn nên mãi đến tháng 4/2002, HTX mới được UBND Thành phố giao cho nhiệm vụ triển khai xã hội hoá thu gom và vận chuyển rác thải, phế thải xây dựng ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, đến tháng 8/2002 được triển khai ở xã Trung Văn - huyện Từ Liêm, tháng 9/2002 được triển khai ở phường Văn Chương... Đến nay, HTX chúng tôi đã được Thành phố và các Sở, Ban ngành cho triển khai thực hiện thu gom và vận chuyển rác thải ở 4 phường và 1 xã. Trong thời gian tới, HTX chúng tôi đề nghị lãnh đạo Thành phố, lãnh đạo Liên minh HTX, lãnh đạo các sở, ban, ngành trong thành phố mà trực tiếp là Sở GTCC giải quyết tháo gỡ cho HTX về chính sách, giá vận chuyển thu gom rác thải, phế thải xây dựng để HTX chúng tôi đầu tư và mua sắm thêm trang thiết bị mới, phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và giải quyết chế độ cho người lao động. Chúng tôi cũng đề nghị thực hiện xã hội hoá vấn đề thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt ở các quận nội thành Hà Nội để HTX được phát huy và khai thác hết nguồn nhân lực, trang thiết bị máy móc, phương tiện vận chuyển mà chúng tôi đang có.
Ông Nguyễn Quang Thứ - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp Duy Sơn 2(Quảng Nam): “Vai trò của HTX hết sức quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế - xã hội ở địa phương”.
Xã Duy Sơn là một xã miền núi của Tỉnh Quảng Nam. Cuộc sống của bà con nông dân ở đây vốn khó khăn và thiếu thốn. Chăn nuôi, ngành nghề phụ phát triển tự phát, sản xuất nông nghiệp mới giải quyết được khoảng 60% lao động. Chính vì vậy mà chúng tôi rất trăn trở phải làm sao thay đổi được cuộc sống đói nghèo đã bao đời trói chặt lấy người nông dân. Năm 1996, Luật HTX mới ra đời, chúng tôi như được tiếp thêm sinh lực. Giải quyết được bài toán nguồn vốn, chúng tôi đã mở rộng qui mô kinh doanh đa dạng và tổng hợp. Tập trung đầu tư, xây dựng, các công trình thuỷ lợi cơ bản, xây dựng trạm bơm diện, đồng thời cải tạo diện tích canh tác lúa để đảm bảo 100% diện tích gieo cấy 3 vụ/năm. Chúng tôi đã tổ chức trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, cải tạo môi trường sinh thái, thực hiện các chương trình IPM, ICM, BUCAP nhằm tăng năng suất tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo về môi trường. Khôi phục và mở rộng lại các ngành nghề CN- TTCN như: dệt vải, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre, làm giày xuất khẩu và may mặc…, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, đời sống của xã viên từng bước được ổn định và cải thiện.
Qua thực tế những năm xây dựng HTX, chúng tôi nhận thấy vai trò của HTX vẫn rất hết sức quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế- xã hội ở địa phương. Do vậy, đề nghị Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời để đảm bảo cho công tác SX-KD cũng như đảm bảo những quyền lợi chính đáng của HTX và xã viên. Đặc biệt Nhà nước cần quan tâm hơn nữa tới chính sách hỗ trợ nông dân trong việc đào tạo kỹ thuật nông lâm nghiệp và tiếp cận mô hình làm ăn mới, hỗ trợ cho đào tạo bồi dưỡng cán bộ HTX về quản lý và kỹ thuật các ngành nghề CN- TTCN ở nông thôn. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm cho HTX, hoặc có thuế suất hợp lý, ưu tiên lãi suất vay vốn dài hạn đầu tư cho phát triển ngành nghề ở nông thôn mức 3%/năm, với thời gian vay từ 10 – 15/năm nhất là các ngành nghề mới, xuất khẩu. Nên có chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng cho mọi thành phần kinh tế có dự án đầu tư, liên doanh, liên kết về nông nghiệp nông thôn, đồng thời quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng để HTX có điều kiện mở rộng và phát triển các ngành nghề thu hút khách hàng, giải quyết lao động dư thừa ở nông thôn hiện nay.
Ông Nguyễn Ngọc Tính - Chủ nhiệm HTX Bốc xếp, Dịch vụ, Vận chuyển Rạng Đông(Biên Hoà- Đồng Nai): “Cần có những chính sách ưu đãi đối với mô hình kinh tế tập thể”
Ưu điểm của mô hình kinh tế tập thể hoạt động trong lĩnh vực bốc xếp là đã thu hút được một bộ phận lao động phổ thông có trình độ thấp vào tổ chức lao động tập thể. Nói về khía cạnh xã hội, tức là đã giải quyết được việc làm cho một bộ phận người thất nghiệp, góp phần làm ổn định an ninh trật tự và giảm bớt tệ nạn xã hội. Chính vì vậy mà Nhà nước cần tạo điều kiện cho những tổ chức như chúng tôi phát huy hết năng lực, để thực hiện tốt công việc kinh doanh. Hiện nay, chúng tôi đang rất trăn trở với mức thuế VAT cho HTX là 5% và 32%, bởi loại hình hoạt động của HTX là dùng sức lao động, công việc rất nặng nhọc không phải người nào cũng làm được. Doanh thu của HTX dùng để trả tiền công của người lao động là chính và duy trì hoạt động của bộ máy điều hành.
Việc áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 32% đối với dịch vụ bốc xếp là không hợp lý, tạo nên một sân chơi không bình đẳng, thiếu tính thuyết phục và không phù hợp với loại hình kinh doanh bán sức lao động. Chúng tôi thiết tha mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước khảo sát cụ thể, để miễn giảm hoàn toàn thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với HTX. Có thế, mới thu hút được người lao động đến với HTX, đồng thời HTX mới có điều kiện tích luỹ, từng bước cải tiến, mua sắm trang thiết bị và dụng cụ hỗ trợ, giảm bớt áp lực công sức bỏ ra trong công việc vốn dĩ nặng nhọc và vô cùng vất vả.
Ông Nguyễn Văn Thắng- Trưởng Phòng Kinh tế Kế hoạch UBND Quận Cầu Giấy: “Chúng tôi thường xuyên quan tâm, giúp đỡ các HTX, khuyến khích mở rộng phát triển đa ngành nghề để tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động”.
Hiện nay, trên địa bàn Quận Cầu Giấy có tất cả 18 HTX, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như thương mại, dịch vụ nông nghiệp, vận tải, tiểu thủ công nghiệp… Thực hiện Nghị quyết TW 5 (khoá IX) về đổi mới, phát triển, nâng cao vai trò kinh tế tập thể, cộng với được sự chỉ đạo của Thành uỷ Hà Nội, UBND Quận Cầu Giấy, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước, trong những năm qua đã thường xuyên mở các lớp tập huấn về pháp luật Nhà nước, nghiệp vụ chuyên môn cho các cán bộ quản lý HTX, bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi, quản lý, trực tiếp các HTX. Nhằm khuyến khích mô hình HTX phát triển hơn trong tình hình mới, chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện về hành lang pháp lý để các HTX chuyển đổi từ mô hình hoạt động cũ sang mô hình KD mới, hoặc chuyển từ Tổ hợp lên thành HTX. Phòng Kinh tế Kế hoạch, với tư cách là cơ quan giúp việc cho UBND Quận Cầu Giấy, đã thường xuyên tổ chức giao ban với các HTX. Một năm hai lần, UBND Quận thành lập Tổ công tác liên ngành làm việc với HTX về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động SX- KD, từ đó giúp các HTX tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc một cách kịp thời. Hoạt động của các HTX được duy trì, phát triển đã giải quyết được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là cho người dân ở những khu vực đang được đô thị hoá.
Ông Lê Văn Hạnh - Giám đốc Quỹ Tín dụng Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng: “Quỹ tín dụng đã tạo dựng lòng tin cho các tầng lớp xã hội đối với chủ trương xây dựng mô hình kinh tế HTX kiểu mới”
Ra đời từ năm 1995, Quỹ tín dụng Liên Nghĩa thuộc loại hình kinh tế HTX kiểu mới, hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng. Vào những năm 1990, các HTX tín dụng tan rã hàng loạt, không những đã để lại một khoảng trống lớn trong thị trường vốn ở nông thôn, mà còn tạo cơ hội cho nạn vay nặng lãi và các tệ nạn xã hội khác hoành hành. Vì vậy, ngay từ khi mới thành lập, Quỹ tín dụng Liên Nghĩa đã xác định mục tiêu hoạt động là hỗ trợ vốn kịp thời cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp dân doanh, kinh tế tập thể và các HTX để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Trong hơn 8 năm qua, đã có hơn 20.000 lượt thành viên vay vốn với tổng tiền trên 290 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho đến tháng 8/2003 là 41,2 tỷ đồng. Về công tác huy động tại chỗ, Quỹ chúng tôi đã tích cực phát huy nội lực, đề ra những biện pháp thích hợp, huy động có hiệu quả các nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong các tầng lớp dân cư địa phương. Tính đến cuối tháng 8/2003, số vốn của Quỹ đã đạt 30,3 tỷ đồng.
Chúng tôi cho rằng, các tổ chức kinh tế tập thể, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của từng đơn vị cũng như cả hệ thống, phải liên kết theo ngành, nghề. Vì vậy, các HTX, tuỳ theo lĩnh vực hoạt động của mình, cần xây dựng cơ chế liên kết hệ thống một cách chặt chẽ và toàn diện. Được vậy, các Quỹ tín dụng sẽ càng có cơ hội tăng cường hoạt động hỗ trợ của mình.
Bà Lê Thị Tố Hoa - Phó Phòng Kinh tế - Kế hoạch, quận Hai Bà Trưng: “Hiện nay, vấn đề nổi cộm nhất ở quận Hai Bà Trưng là quản lý đất đai và chuyển đổi mô hình kinh doanh có liên quan đến đất đai”.
Đến cuối năm 2003, toàn quận Hai Bà Trưng có 80 HTX, 1.216 xã viên, đạt doanh thu gần 275 tỷ đồng, thu nhập bình quân của xã viên 400 - 500.000 đ/tháng. Nhìn chung, kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX, vẫn giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô nói chung và quận Hai Bà Trưng nói riêng, góp phần tạo nhiều sản phẩm xã hội, giải quyết việc làm cho một bộ phận dân cư. Nhiều HTX sau khi chuyển đổi đã hoạt động có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hoạt động của kinh tế tập thể vẫn còn nhiều yếu kém như: hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, tổ chức quản lý còn yếu kém, trình độ cán bộ thấp, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiết bị - công nghệ lạc hậu, sản phẩm làm ra chất lượng thấp...
Hiện nay, vấn đề nổi cộm nhất ở quận Hai Bà Trưng là quản lý đất đai và chuyển đổi mô hình kinh doanh của các HTX có liên quan đến đất đai. Trước đây, quận Hai Bà Trưng có nhiều tổ hợp tác được Nhà nước giao đất cho sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh, nhưng nay đã không còn hoạt động, thậm chí đã bị chuyển thành đất ở, nhưng Nhà nước vẫn chưa có biện pháp cụ thể hoặc chưa giải quyết dứt điểm để quản lý số tài sản này. Giá bất động sản tăng nhanh làm cho việc giải quyết vấn đề sở hữu đất ngày càng phức tạp, vượt khỏi quyền hạn của chính quyền cấp quận. Nhiều HTX và tổ hợp tác đã ngừng hoạt động, hoặc hoạt động kém xin giải thể, một số đã chuyển thành công ty, nhưng do có nhiều vướng mắc về đất đai nên chưa thể giải quyết dứt điểm. Vì thế, vô hình chung dẫn đến tình trạng sử dụng đất trái mục đích. Nếu Nhà nước không sớm ban hành chính sách giải quyết vướng mắc về đất đai cho các HTX thì việc giải thể của các HTX sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là khi phân chia quyền lợi cho các thành viên. Hiện nay, cũng chưa có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục giải thể đối với các tổ hợp tác. Ngoài ra, vẫn còn một số chính sách ưu đãi của Nhà nước chưa được triển khai áp dụng đầy đủ như: chính sách miễn giảm thuế doanh thu và thuế lợi tức cho đơn vị mới thành lập, các ngân hàng chưa có quy định cụ thể về việc cho HTX vay vốn...
Ông Trần Văn Tuấn - Chủ nhiệm HTX Công nghiệp Hoàng Diệu, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: “Hiện nay, HTX không được đối xử bình đẳng như các thành phần kinh tế khác”.
Trong những năm qua, khu vực kinh tế tập thể HTX không những không phát triển, mà còn giảm đi, nhiều HTX giải thể, chuyển thành các loại công ty tư nhân. Nguyên nhân làm cho HTX không phát triển thì có nhiều, trong đó theo tôi là: HTX hiện nay không được đối xử bình đẳng so với các thành phần kinh tế khác, thậm chí còn kém cả tư nhân. Ngân hàng không tạo điều kiện để HTX vay vốn bình đẳng như các thành phần kinh tế khác.
Tôi làm Chủ nhiệm HTX từ khi mới hơn 20 tuổi và nay đã hơn 70 tuổi, nhưng thấy ngày nay, sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với HTX là ít nhất. Có lẽ ngày nay chỉ còn các cấp Liên minh HTX là còn quan tâm đến HTX, nhưng nhiều việc lại không có thẩm quyền giúp HTX phát triển. Hiện nay, phần lớn các HTX đây không có đất để làm văn phòng làm việc, việc tạo điều kiện để có đất SX-KD cũng không được giải quyết.
Chính sách thuế thực sự chưa khuyến khích HTX phát triển, như thuế suất Thuế GTGT 10% là cao, cán bộ thuế còn gây khó khăn, phiền hà cho HTX.
Rất mong Nhà nước có chính sách cụ thể và hiệu quả để HTX được đối xử bình đẳng như các thành phần kinh tế khác, nhằm vực dậy khu vực kinh tế quan trọng này.
Ông Trần Việt Hải - Phó Chủ nhiệm HTX Hoàng Hải, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: “Cần thành lập một trường đại học đào tạo cán bộ cho HTX”.
Công bằng mà nói, Nhà nước đã quan tâm đến sự phát triển khu vực kinh tế tập thể HTX qua việc sửa đổi bổ sung Luật Hợp tác xã. Luật HTX mới có nhiều tiến bộ so với Luật HTX cũ. Tuy nhiên, qua học tập và nghiên cứu kỹ Luật HTX mới thì thấy còn nhiều quy định chưa hợp lý. Thí dụ: Luật quy định, xã viên chỉ được góp vốn không quá 30% số vốn của HTX là không hợp lý và không khuyến khích HTX phát triển. Trong khi HTX cần vốn để phát triển SXKD thì Luật lại hạn chế nguồn tạo vốn cho HTX.
Chính sách thuế nói chung là hợp lý, nhưng ngành Thuế hiện nay vẫn chưa tạo điều kiện cho HTX, như cách tính và thu Thuế Thu nhập doanh nghiệp vẫn mang tính “cửa quyền” và chỉ có lợi cho ngành Thuế và phần thiệt thuộc về HTX. Mong ngành Thuế cải tiến cách thu và tính Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo tôi, vấn đề vốn của HTX không bức xúc bằng vắn đề đất cho HTX thuê để làm văn phòng và cơ sở SX-KD. Nhiều HTX hiện nay vẫn còn tồn tại hình thức, nhưng lại chiếm giữ số đất lớn đã thuê của Nhà nước và sử dụng sai mục đích mà chính quyền vẫn không có biện pháp thu hồi để cho những HTX làm ăn nghiêm túc thuê lại .
Để bồi đưỡng, nâng cao trình độ của lãnh đạo HTX. Tại sao, Nhà nước không thành lập một Trường Đại học Hợp tác xã để đào tạo cán bộ cho khu vực kinh tế HTX? Nếu có, thì mặc dù đã 53 tuổi, nhưng tôi vẫn xin đi học tại chức!