Bắc Giang và Bắc Ninh
Sáp nhập Bắc Giang và Bắc Ninh là “siêu địa phương” đủ năng lực cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Vừa qua lãnh đạo hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đã có buổi thảo luận việc sáp nhập địa giới hành chính, tổ chức bộ máy chính quyền Đảng, đoàn thể và các đơn vị sự nghiệp, hướng tới thành lập tinht Bắc Ninh mới.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho biết: "Việc thành lập tỉnh Bắc Ninh mới trực thuộc trung ương dựa trên việc sáp nhập địa giới hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh hiện nay sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững. Chúng tôi đang điều chỉnh quy hoạch tỉnh, đặc biệt là xây dựng sân bay và kết nối đường với Nội Bài, để tạo ra cơ hội lớn cho tỉnh mới."

Sau sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh mới sẽ có diện tích tự nhiên 4.718,6 km², đạt tỉ lệ 94,3% so với tiêu chuẩn. Quy mô dân số trên 3,6 triệu người, đạt gần 259% so với tiêu chuẩn, và có 99 đơn vị hành chính cấp xã. Dự kiến tên gọi tỉnh sẽ vẫn là Bắc Ninh, nhưng trung tâm chính trị - hành chính sẽ được đặt tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

Việc hợp nhất hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh không chỉ mở rộng không gian địa lý mà còn giúp hình thành một cấu trúc hành chính đủ lớn để giải quyết những bài toán phát triển vượt ra khỏi khuôn khổ một địa phương đơn lẻ. Khi địa giới được gỡ bỏ, khả năng tích hợp quy hoạch, kết nối hạ tầng và phân bổ nguồn lực sẽ được nâng lên ở tầm vùng - một điều kiện cần để hình thành các cực tăng trưởng mới cạnh Hà Nội.

Tái cấu trúc bộ máy - Từ gộp cơ học đến điều hành thống nhất, hiệu quả

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong đề án là việc tổ chức lại toàn bộ hệ thống chính trị - hành chính cấp tỉnh: từ các sở, ngành, tổ chức Đảng, đoàn thể đến báo chí, trường chính trị, đơn vị sự nghiệp công. 13 sở ngành trùng chức năng sẽ được sắp xếp lại hợp lý. Những cơ quan đặc thù như Sở Dân tộc và Tôn giáo - phản ánh đặc điểm dân cư đa dạng của vùng - sẽ được kiện toàn theo hướng chuyên sâu hơn.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu cũng chia sẻ: "Hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh có nhiều nét tương đồng về phong tục, tập quán và văn hóa, điều này tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển chung. Việc sáp nhập lần này mở ra cơ hội lớn, tạo dựng dư địa phát triển tiềm năng cho tỉnh Bắc Ninh mới."

Thách thức lớn nhất không nằm ở kỹ thuật tổ chức, mà ở sự đồng thuận và sẵn sàng thích nghi trong nội bộ cán bộ, công chức. Việc lựa chọn nhân sự chủ chốt, cơ chế phối hợp và bảo đảm tâm lý ổn định cho đội ngũ là yếu tố quyết định để bộ máy sau sáp nhập không chỉ vận hành thông suốt, mà còn phát huy tốt vai trò mới trong điều hành địa phương quy mô lớn.

Hạ tầng - quy hoạch: Hợp lực để phát triển

Ngoài việc tái cấu trúc bộ máy hành chính, các cơ sở hạ tầng cũng sẽ được ưu tiên phát triển, với các cơ quan như Trung tâm phục vụ hành chính công, Trung tâm phát triển quỹ đất, và các đơn vị sự nghiệp về y tế và giáo dục sẽ được tổ chức lại để phù hợp thực tế mới. Những quyết định này sẽ được thống nhất, liên thông và đồng bộ để đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh mới.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, ông Nguyễn Anh Tuấn, cho rằng: "Việc sáp nhập không chỉ là sự thay đổi về mặt hành chính mà còn là sự tái thiết hạ tầng, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh Bắc Ninh sẽ phải thực hiện đồng bộ các dự án kết nối hạ tầng, đặc biệt là sân bay và đường cao tốc với khu vực Hà Nội."

Khi địa phương không còn bị chia cắt hành chính, việc huy động nguồn lực, đặc biệt là đầu tư tư nhân và FDI, sẽ thuận lợi hơn. Các nhà đầu tư lớn thường quan tâm đến các khu vực có quy mô thị trường đủ lớn, hệ thống quản lý thống nhất, hạ tầng đồng bộ - những tiêu chí mà tỉnh mới hình thành từ sáp nhập có thể đáp ứng.

Sáp nhập Bắc Giang và Bắc Ninh là tiền đề, mở đường cho việc xây dựng các “siêu địa phương” đủ năng lực cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Sự thành công của đề án không thể đo lường ngay bằng số lượng sở, ban, ngành giảm bao nhiêu, mà phải bằng việc bộ máy có vận hành hiệu quả hơn không; người dân có được phục vụ tốt hơn không; và nguồn lực xã hội có được khai thông tốt hơn không.

Khi đó, địa giới không còn là ranh giới phát triển. Và hành chính không chỉ là tổ chức bộ máy - mà là công cụ phục vụ tầm nhìn chiến lược quốc gia.