Sau 2 năm, chỉ có 1.800 khách hàng đăng ký bán điện mặt trời áp mái
Đó là nhận định chung của nhiều diễn giả trong Hội thảo “Thúc đẩy điện mặt trời áp mái tại Việt Nam” diễn ra sáng 27/2/2019, tại Hà Nội do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức.
Ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN cho biết, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện, nhất là giai đoạn từ 2021-2025 và sau đó. Đặc biệt dự báo năm 2023, hệ thống sẽ thiếu hụt khoảng 12 tỷ kWh, chiếm 5% so với nhu cầu của cả nước.
Do đó, trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt sau năm 2020 khi cả nước không có nguồn khai thác mới, thì việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời trong đó có điện mặt trời áp mái được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực cho ngành điện.
Trên thực tế, sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, hai năm qua đã có 365 dự án điện mặt trời tập trung với công suất 29.000 MWp được đăng ký đầu tư, trong đó 141 dự án được bổ sung vào quy hoạch. Và đã có 95 dự án với công suất đạt 6.127 MWp đã được EVN ký hợp đồng mua bán điện.
Tuy nhiên, có một thực tế là nhà đầu tư đang tập trung quá nhiều vào các khu vực có cường độ bức xạ lớn, chủ yếu các tỉnh Nam Trung Bộ, trong khi khu vực này có nhu cầu tiêu thụ ít đã gây ra khó khăn cho hệ thống lưới điện truyền tải.
Chỉ tính riêng các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Lâm Đồng đã có 75 dự án với tổng công suất là hơn 7 nghìn MWp và dự kiến số lượng này sẽ tăng nhanh trước 6/2019 nên lưới điện truyền tải không thể truyền tải được hết lên hệ thống. EVN dự kiến chỉ 50-60% công suất này được đưa lên lưới vì để đầu tư lưới truyền tải 100 - 100 KV phải cần từ 3 - 5 năm, trong khi để làm điện mặt trời thì mất khoảng 1 năm.
Do đó, với tiềm năng điện mặt trời rất lớn, EVN nhận thấy có thể áp dụng điện mặt trời áp mái vì có nhiều lợi ích to lớn. Điện mặt trời áp mái có thể nối lưới trực tiếp vào lưới điện hạ thế, giá thành đầu tư ngày càng thấp và cạnh tranh. Quy trình lắp đặt nhanh gọn, đem lại hiệu quả ngay tức thì...
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, EVN đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiên phong triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Tính đến cuối năm 2018, các đơn vị trực thuộc đã lắp đặt được 54 công trình với tổng công suất 3,2 MWp.
Đối với khách hàng (công sở, doanh nghiệp, hộ gia đình…), các Tổng Công ty Điện lực và Công ty điện lực đã ký kết thực hiện đấu nối, lắp đặt công tơ hai chiều, xác nhận chỉ số công tơ và sản lượng điện năng giao nhận với 1.800 khách hàng đăng ký bán điện mặt trời áp mái với tổng công suất 30,12 MWp, sản lượng điện năng phát lên lưới lũy kế là 3,97. triệu kWh.
Đối với điện mặt trời lắp mái hộ gia đình, sau 2 năm kể từ khi Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam thì mới có 1.800 hộ dân tham gia với công suất lắp đặt 30 MW.
“Công suất như vậy là rất khiêm tốn so với tiềm năng. Chúng tôi nghĩ rằng cần phải có thêm chính sách để thúc đẩy việc này. Về phía EVN, Tập đoàn cam kết hỗ trợ tối đa mọi nhu cầu đấu nối của hộ dân, doanh nghiệp; hoàn thành nhanh nhất các yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật; thanh toán nhanh gọn cho điện mặt trời lắp mái...”, ông Trần Đình Nhân nói.
Tạo cơ chế thông thoáng để điện mặt trời áp mái phổ biến hơn
Hội thảo “Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam” là một trong những hoạt động quan trọng của EVN trong lĩnh vực kinh doanh, nhằm phổ biến, triển khai tiếp cận các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng.
Thông qua Hội thảo này, EVN mong muốn có sự tham gia của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc đầu tư phát triển các dự án nguồn điện, trong đó có các dạng năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Chia sẻ về cơ chế hỗ trợ thiết thực để thúc đẩy phát triển thị trường điện mặt trời áp mái, ông Trần Viết Nguyên, Phó ban Kinh doanh của EVN cho biết, kể từ khi có cơ chế hỗ trợ của Nhà nước từ 2017, đến nay EVN đã đơn giản hóa thủ tục, quy trình đầu nối khi khách hàng có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời áp mái.
Bên cạnh đó, EVN cũng đã hướng dẫn và khuyến cáo những tiêu chuẩn kỹ thuật, thông tin về cơ chế, chính sách của Nhà nước để từ đó khách hàng biết, khách hàng lựa chọn những hệ thống lắp đặt điện mặt trời áp mái. Ngoài ra, EVN luôn sát cánh cùng khách hàng, đầu tư miễn phí trong việc lắp đặt công tơ hai chiều, đo kiểm thiết bị, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn trước khi hòa vào lưới điện chung...
“Với tất cả những việc làm trên, EVN đang nỗ lực hỗ trợ khách hàng, tiếp tục làm việc với các nhà sản xuất, các nhà cung cấp, các nhà đầu tư để có được những cơ chế thuận lợi hơn cho người dân như: giảm giá đầu tư, giảm giá thiết bị, cho trả chậm, vay ngân hàng, lắp đặt trước cho khách hàng và trả tiền sau... tất cả những cơ chế này, EVN đang cùng bàn với các bên, hi vọng, từ 2019, sẽ có được những mô hình, những phương pháp làm mới để giới thiệu cho khách hàng để có thêm sự lựa chọn”, ông Trần Viết Nguyên nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vấn đề cơ chế, chính sách, ông Nguyễn Ninh Hải – Trưởng Phòng Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết đang phối hợp với các đơn vị liên quan để sửa đổi, bổ sung Thông tư 16, nhằm khắc phục những tồn tại, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bên tham gia thị trường. Cục cũng mong muốn lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp để xây dựng chương trình phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam một cách hiệu quả tránh lãng phí.