Thực trạng những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX, mặt hàng sơn mài thủ công mỹ nghệ đứng trước tình trạng thị trường Đông Âu bị mất, cố gắng “len lỏi” vào thị trường Tây Âu và khu vực ASEAN thì bị “chê ỏng chê eo” vì chất lượng kém như “cong vênh”, “rạn mặt”, bị trả về hàng loạt. Xuất khẩu hàng sơn mài mỹ nghệ và các mặt hàng mỹ nghệ khác như gốm sứ mây tre cả năm chưa được 10 triệu USD. Trong khi đó, ở thời điểm năm 2000, các mặt hàng này đã có bước nhảy ngoạn mục 400 triệu USD, năm 2005, dự kiến là 600 triệu USD và 2010 khoảng 1 tỷ USD. Là một cán bộ khoa học, nhìn thấy hàng mỹ nghệ của mình non kém, anh Thanh rất suy nghĩ. Câu hỏi đặt ra là tại đâu? tại người làm hay tại vật liệu? Nay Trung tâm phải hỗ trợ như thế nào về KHCN nhằm nâng cao mặt hàng mỹ nghệ được coi là thứ “độc đáo” của dân tộc Việt Nam?
Câu hỏi đó cứ đeo đẳng anh Thanh ở nhiều Hội nghị khách hàng, cả những lần tham dự Hội nghị khoa học ở trong nước và quốc tế về mặt hàng sơn mài.
Thế rồi, một vị giáo sư người Nhật đã trao đổi với anh về vấn đề nhựa cây sơn. Vị giáo sư này cho biết: “nhựa cây sơn Nhật Bản không thể bằng nhựa cây sơn vùng núi phía Bắc Việt Nam”. Anh Thanh cất công sức sưu tầm tài liệu khoa học nói về cây sơn ta. Đúng là duy nhất ở Phú Thọ và Tuyên Quang có trồng giống sơn nhiệt đới, tên khoa học là Rhussuccedaca cấu tử chính là laccol. Nhựa sơn ta có ưu điểm nổi trội hơn nhựa sơn ôn đới của Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Miến Điện, Căm Pu Chia ở mấy đặc điểm: “Màng sơn bóng đẹp, cứng rắn, chịu mài mòn nhưng vẫn co giãn tốt, ngay cả khi đã đóng rắn hoàn toàn, không tan trong tất cả các loại dung môi, khô nóng chảy”. Bởi vậy mà tượng phật, đồ thờ cúng, câu đối, hoành phi có phủ sơn ta, đã qua hàng trăm năm mà gỗ bên trong và sơn bên ngoài vẫn chưa bị phá hỏng. Sơn ta được coi là thứ sơn “độc nhất”.
Thế nhưng tại sao hàng sơn mài và đồ gỗ mỹ nghệ của ta lúc đó bị sút kém về chất lượng? Anh Thanh tìm tới các làng nghề truyền thống hỏi các nghệ nhân thì gặp một nghiên cứu sinh Nhật Bản đang lấy tư liệu nghiên cứu về “Sơn ta”. Thế là vấn đề đã rõ, đã hình thành ý tưởng cho đề tài nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng tranh sơn mài và đồ gỗ mỹ nghệ Việt Nam trên cơ sở “Hoàn thiện công nghệ sản xuất sơn then và vóc truyền thống”.
Công trình quy định giải quyết 2 vấn đề cơ bản:
- Thứ nhất, công nghệ sản xuất sơn then (sơn chín).
- Thứ hai, công nghệ sản xuất “vóc” (làm hàng sơn mài).
Một bức tranh sơn mài có 2 chất liệu chính “vóc” là phần cứng, tạo nên “xương cốt” – Còn “sơn then” là phần bọc ngoài tạo ra “da thịt”. Hai công đoạn này được đánh giá là quan trọng nhất, tạo nên chất lượng sơn mài truyền thống
Thế nhưng từ trước tới nay, chưa có một tác giả nào đặt vấn đề nghiên cứu cơ bản về công thức hóa học, cơ chế đóng rắn lý tưởng của sơn ta, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào việc cơ giới hóa sản xuất trong một số khâu để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Bằng sự phân tích khoa học và qua nhiều lần thí nghiệm, anh Thanh và các cộng sự đã đi tới “bí quyết” tạo màng sơn đẹp (lý tưởng) - đó là 3% nước chứa trong màng sơn sau khi đóng rắn. Lượng nước này ảnh hưởng tới tốc độ phản ứng ghép đôi và tỷ lệ hình thành liên kết C-C với C-O khi ghép đôi các quinol. Do đó, kiểm soát được lượng nước có trong quá trình hình thành màng sơn là một trong những yếu tố quan trọng để tạo ra màng sơn có tính chất tốt (đẹp bóng và bền).
Công trình đã đưa ra công nghệ chế biến sơn then theo 7 công đoạn: chọn sơn, pha chế sơn sống, lọc tạo màu đen, pha chế Colophan, thành phẩm kho bảo quản. Mỗi công đoạn đều đưa ra những quy trình chặt chẽ trong pha chế và thao tác kỹ thuật, mang tính “bí quyết” nhà nghề giữa kinh nghiệm truyền thống với phân tích các yếu tố cơ - lý – hóa rất khoa học. Một thành công nữa trong công nghệ sản xuất sơn then là anh Thanh đã thiết kế và chế tạo thành công máy quay trục ngang dùng để đảo sơn thay cho sức người: năng suất gấp vài chục lần so với đảo sơn bằng tay, đồng thời bảo đảm sự ổn định về chất lượng chín.
Về vấn đề sản xuất vóc (phần cứng) dựa trên chất liệu: Gỗ, gốm, giấy cát tông, vải, giấy bồi, tre, nứa... Để đảm bảo các vật liệu gỗ, tre làm cốt không bị cong vênh, anh Thanh và các tác giả đã thiết kế và xử lý thành công mẫu Lò sấy nhỏ đảm bảo độ khô đạt tiêu chuẩn. Sản xuất vóc truyền thống phải qua 9 công đoạn: cốt vóc, sơn thô, sơn quang sản phẩm vóc hoàn chỉnh. Từ đó mới cung cấp cho các cơ sở sản xuất, các nghệ nhân làm công việc thiết kế và phủ sơn, đánh bóng, mài, sửa lỗi, lại phủ sơn, đánh bóng, mài... lặp đi lặp lại một cách tỷ mẩn, chính xác, rồi sau đó mới có được bức tranh sơn mài truyền thống.
ở công nghệ sản xuất vóc, đóng góp quan trọng là thiết kế thành công lò sấy gỗ và đưa ra các quy cách sấy với từng loại chất liệu khác nhau. Bởi vậy mà vóc được làm ra đều có tiêu chuẩn đạt độ khô cho phép, góp phần tạo nên chất lượng sản phẩm, hàng xuất sang xứ lạnh, hanh khô không bị cong vênh.
Thành công đó, có sự trợ giúp của Trung tâm Polyme Trường Đại học Bách khoa, Khoa Mỹ nghệ truyền thống – Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Viện Hóa – Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia.
Thành công của đề tài là đã áp dụng vào sản xuất ở nhiều cơ sở làm đồ mỹ nghệ. Sản phẩm làm ra đều đạt chất lượng cao, được Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Nhà nước “công nhận TCVN số 1612-75”.
Dựa trên kết quả sản xuất sơn then và vóc, năm 1995 đề tài được tham gia Triển lãm khoa học kỹ thuật “World Tech 95” tại Thái Lan và Triển lãm Thành tựu KHKT toàn quốc của Việt Nam do Bộ KHCNMT tổ chức. Đặc biệt là mấy năm nay, các danh lam thắng cảnh, các di tích văn hóa được trùng tu nâng cấp rất nhiều, sản phẩm của đề tài này đã được áp dụng vào công cuộc trùng tu, chấn hưng văn hóa dân tộc, ví dụ như đã áp dụng ở Chùa Hương, Chùa Thầy, di tích cố đô Huế v.v... Với tranh sơn mài truyền thống, khắc phục được tình trạng mặt tranh sơn mài bị rạn, không cong vênh v.v..., đem lại kết quả độ bóng đẹp kèm theo chiều sâu như tranh nổi, khi gặp cường độ ánh sáng thay đổi thì làm cho độ đậm nhạt của bức tranh cũng đổi màu theo, thể hiện sự sống động và hồn của bức tranh.
Anh Thanh đã phát triển thành công nghiên cứu dưới hình thức chuyển giao công nghệ cho nhiều cơ sở như: Công ty Xuân Lâm, tổ hợp Tiến Thành, Xí nghiệp Thành Đô v.v... chuyên làm đồ mỹ nghệ. Thông qua công trình này, Trung tâm hỗ trợ KHCN DNVVN đã đào tạo được một đội ngũ thợ lành nghề làm hàng sơn mài truyền thống có chất lượng cao, tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ vừa mang tính hàng hóa, vừa mang tính văn hóa rất độc đáo của dân tộc. Trong bước nhảy ngoạn mục 400 triệu USD/năm vào năm 2000, có phần đóng góp của công trình này.
Chia tay tôi, anh Thanh tâm sự chân thành và cũng như một lời kiến nghị với các cơ quan chức năng: “Với kết quả của đề tài, khi biết được công thức kết cấu hóa học của cây sơn ta, chúng ta có thể sử dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Vậy chúng tôi có lời đề nghị được nghiên cứu ứng dụng sơn vào các lĩnh vực hóa học, hàng hải, hàng tiêu dùng... Mong được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp lãnh đạo để KHCN phục vụ đắc lực cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.