Người phát ngôn Ủy ban Phòng chống Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNPB) Sutopo Purwo Nugroho xác nhận trận sóng thần xảy ra tối 22/12 đã làm ít nhất 168 người thiệt mạng, 745 người bị thương và 30 người mất tích.
Đáng lo ngại là con số người thiệt mạng có thể còn tăng nhanh bởi hiện tại lực lượng tìm kiếm cứu nạn vẫn chưa thể tiếp cận được toàn bộ các khu vực bị ảnh hưởng.
The Guardian dẫn một số nguồn thông tin cho rằng, số người chết vì sóng thần ở Indonesia có thể lên tới hàng trăm bởi cả hai hòn đảo là Sumatra và Java đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thảm họa này.
Theo kênh tin tức ABC của Australia, cơ quan cứu hộ của Indonesia đã xác nhận con số người thiệt mạng vì sóng thần ở khu vực Lampung của Sumatra hiện đã lên tới 113. Trong khi đó, tại khu vực Pandeglang, trên đảo Java, các cơ quan chức năng sở tại cho biết có 92 người đã thiệt mạng sau thảm họa.
Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là vùng Pandeglang của tỉnh Banten ở Java, bao gồm Công viên quốc gia Ujung Kulon và những bãi biển nổi tiếng phía tây nam thủ đô Jakarta.
Ông Sutopo cũng đã đưa ra cảnh báo về khả năng xảy ra các đợt sóng thần tiếp theo vì núi lửa Krakatoa vẫn đang hoạt động, khuyến cáo mọi người tránh xa bờ biển trong thời điểm hiện tại.
Giới chức Indonesia cho rằng hiện tượng thủy triều dâng bất thường vì trăng tròn với lở đất dưới nước do phun trào từ đỉnh Anak Krakatoa đã gây ra đợt sóng thần trên eo biển Sunda.
Anak Krakatoa là đảo núi lửa nhỏ nổi lên từ đại dương khoản nửa thế kỷ sau vụ phun trào năm 1883 của núi Krakatoa. Cơ quan khí tượng Indonesia cho biết núi lửa này đã “thức giấc” và phun trào trong khoảng thời gian 2 phút 12 giây hôm 22/12, tạo ra đám mây tro bụi cao tới 400m./.