Từ văn hóa truyền thống và nét đặc trưng địa phương
Lễ hội là cơ hội để Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế về nền văn hóa truyền thống lâu đời, những loại hình nghệ thuật độc đáo trong sinh hoạt người Việt từ xa xưa. Chính vì vậy, trong các lễ hội, nét văn hóa truyền thống Việt luôn được nhiều người quan tâm.
Tại Festival Huế năm 2004, Ban tổ chức đã đưa vào những nghi lễ truyền thống độc đáo của dân tộc như: Lễ khai mạc với chương trình diễn xướng tổng hợp, đa sắc màu, có quy mô lớn, sôi động và hấp dẫn, phô diễn tinh hoa nghệ thuật truyền thống Việt Nam, nghệ thuật truyền thống Huế, kết hợp với nghệ thuật đương đại tại Quảng trường Ngọ Môn; liên hoan rối nước tại Hồ Tịnh Tâm; các lễ tôn vinh nhã nhạc, ngày hội Sông Hương, ngày hội diễn sử ca Việt Nam, lễ hội tế Đàn Nam Giao hay các lễ hội dân gian kết nối thành phố Huế với các vùng phụ cận như Thiên An, Thuận An, Lăng Cô, Cầu Ngói Thanh Toàn... cũng được tổ chức. Đặc biệt, song hành với lễ hội là các hoạt động trưng bày, triển lãm, hội thảo, giao lưu văn hóa, tham quan du lịch khám phá Cố Đô Huế... Vì vậy, Festival Huế đã thu hút được hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước.
Festival Hoa Đà Lạt 2005 là lễ hội văn hóa, du lịch đầu tiên của Việt Nam có quy mô quốc gia và mang màu sắc quốc tế. Hoa là niềm tự hào của người dân Đà Lạt nên tất cả hoạt động diễn ra tại Festival đều nhằm tôn vinh các loài hoa và người trồng hoa. Khắp TP. Đà Lạt rực rỡ sắc hoa, hội chợ hoa trưng bày hơn 2.500 tác phẩm phong lan, địa lan, xương rồng và trên 27 ngàn chậu hoa các loại; đêm hội hoa hồng; công viên Yersin triển lãm ảnh hoa, tranh hoa và cây nêu, tượng gỗ. Hội chợ thương mại du lịch - công nghệ cao “Đà Lạt 2005”, giới thiệu các mặt hàng đặc sản, thủ công mỹ nghệ và hàng lưu niệm về Festival hoa… Ngài Tsutomu Takebe - Tổng thư ký Đảng Dân chủ tự do, Nghị sĩ Hạ viện Nhật Bản khi tới thăm Festival Hoa Đà Lạt 2005 nhận định: “Hoa là vật phẩm du lịch, cũng là biểu tượng của tình yêu... nên chúng ta cần gắn du lịch với hoa, lấy hoa làm động lực để thu hút du khách”.
Tương tự, Festival Biển Bà Rịa-Vũng Tàu 2006, tận dụng thế mạnh của biển, mọi hoạt động trong Festival đều tổ chức trên các bãi biển tạo cho du khách cảm giác thân thiện, đắm mình giữa thiên nhiên.
Đến những chương trình biểu diễn nghệ thuật hiện đại
Festival Huế 2004 thu hút 15 đoàn nghệ thuật nước ngoài như Pháp, Nga, Argentina và một số nước Châu á. Điều này làm phong phú hơn cho Festival, giúp khách du lịch trong và ngoài nước hiểu thêm được nhiều nền văn hóa khác nhau.
Tại Festival Biển Bà Rịa-Vũng Tàu 2006, các chương trình mang “hơi thở” hiện đại như: Tái hiện nghi thức bắn súng thần công tại Khu di tích Bạch Dinh; chiêm ngưỡng bộ sưu tập hơn 40 tác phẩm điêu khắc đá của các nghệ nhân nổi tiếng thế giới; những bức tượng cát cao 7-8 m do sinh viên các trường nghệ thuật, mỹ thuật TP.HCM, Đồng Nai thể hiện; triển lãm cổ vật thu thập từ 10 con tàu đắm ở lãnh hải Việt Nam; triển lãm 200 bức ảnh nghệ thuật chủ đề “Biển và cuộc sống”...
Tùy vào nền văn hóa lịch sử hình thành của từng vùng, từng miền đất mà Ban tổ chức xây dựng các chương trình lễ hội đặc sắc, phù hợp. Hiện nay, vấn đề bảo tồn và khai thác truyền thống văn hóa đang trở thành một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Vì vậy, việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại để mỗi lễ hội trở thành một bảo tàng văn hoá phi vật thể sáng giá, đậm đà bản sắc dân tộc trong nếp sống văn minh của đời sống là điều đáng hoan nghênh.