Theo Tập đoàn Điện lực tính toán, giá bán than cho điện vừa tăng, nếu giá khí cũng tăng theo đề xuất của PVN sẽ làm tăng chi phí mua điện thêm 67,2 triệu USD (tương đương1.283 tỷ đồng ) dẫn đến EVN không thể có nguồn để bù đắp.

EVN đề nghị PVN giữ nguyên giá khí bán cho điện. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, lộ trình tăng giá khí cần phù hợp với lộ trình tăng giá điện. Bởi vậy, EVN cho rằng, việc điều chỉnh giá khí sẽ được xem xét đồng thời với việc điều chỉnh giá điện tương tự như giá than vì hiện nay sản lượng điện sử dụng nhiên liệu khí chiếm xấp xỉ 43% tổng sản lượng điện.

Một lý do nữa, theo EVN, nếu giá khí tăng, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà các công ty nước ngoài liên doanh với Tập đoàn Dầu khí cũng thu lợi. EVN đề nghị Thủ tướng yêu cầu PVN giữ nguyên giá khí bán cho điện theo đúng hợp đồng hai bên đã ký.

Trước đó, PVN đề nghị từ ngày 1/4, giá bán khí bể Nam Côn Sơn cho điện sẽ tăng từ 3,85 USD mỗi triệu BTU (đơn vị đo nhiệt lượng) lên 4,6 USD mỗi triệu BTU. Giá bán khí bể Cửu Long cho điện từ 3,55 USD mỗi triệu BTU lên 4,6 USD mỗi triệu BTU. PVN cho rằng, mức giá bán khí cho sản xuất điện được Tập đoàn đề xuất tuân thủ theo cơ chế thị trường, không tăng đột biến ảnh hưởng đến giá điện cũng như các ngành kinh tế khác và phù hợp với lộ trình tăng giá điện.