Cụ thể, vào lúc 14h00 chiều nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 7/2022 tăng mạnh 2,27% lên 104,72 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 6/2022 cũng tăng 2,13% lên 101,93 USD/thùng. Giá dầu thô có dấu hiệu phục hồi trở lại khi tâm lý thị trường trở nên cân bằng hơn trước các thông tin trái chiều về nhu cầu sử dụng dầu thô trong thời gian tới.
Trong những phiên giao dịch gần đây, thị trường đã chịu áp lực tiêu cực từ việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc có dấu hiệu suy giảm tăng trưởng khi nước này theo đuổi chiến lược “Không ca nhiễm Covid-19” (Zero Covid-19). Trung Quốc hiện áp đặt các biện pháp phong toả hoàn toàn hoặc một phần tại nhiều thành phố lớn, gồm Bắc Kinh và Thượng Hải để khống chế làn sóng lây nhiễm Covid-19 hiện tại.
Suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Trung Quốc ít hơn so với các kỳ vọng trước đây. Dữ liệu cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay giảm 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Nhiều nhà đầu tư lo ngại việc một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã và đang xem xét việc tăng mạnh lãi suất sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế của một số nền kinh tế lớn. Việc đồng USD tăng mạnh lên mức cao nhất 20 năm trở lại đây so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới cũng khiến giá các loại hàng hoá được định giá bằng đồng USD như dầu thô trở nên kém hấp dẫn hơn so với các nhà đầu tư nắm giữ loại tiền tệ khác.
Mặt khác, Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã giảm mạnh giá bán dầu cho các khách hàng châu Á trong tháng 6/2022.
Tuy nhiên, giá dầu thô đang được nâng đỡ bởi lo ngại tình trạng căng thẳng nguồn cung sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu như Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga. Các quốc gia thành viên EU đang thảo luận về khả năng ngưng nhập khẩu dầu từ Nga. Hãng tin Reuters cho biết kết quả thảo luận cuối cùng có thể sẽ được công bố trong tuần này.
Bên cạnh đó, việc liên minh OPEC+ chỉ nâng sản lượng khai thác thêm ở mức không đáng kể trong tháng 6/2022 bất chấp áp lực ngày càng tăng từ các nước phương Tây khiến nguồn cung dầu thời gian tới sẽ chưa được cải thiện. Liên minh OPEC+, gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia dẫn đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Trên thực tế, hầu hết các quốc gia thành viên OPEC đều đang gặp khó khăn trong việc gia tăng sản lượng khai thác. Ví dụ, Libya đang đối mặt với các bất ổn chính trị và Nigeria đang gặp các khó khăn về kỹ thuật trong hoạt động khai thác.