Theo nhà thiết kế Sĩ Hoàng, xây dựng đội ngũ thiết kế vải còn là khái niệm khá xa lạ trong ngành Thời trang Việt Nam hiện nay, trong khi các nước trên thế giới đã có hẳn đội ngũ thiết kế vải chuyên nghiệp. Chính vì thiếu đội ngũ này nên chất liệu, hoa văn, kiểu dáng vải nghèo nàn, chỉ xoay quanh gấm, lụa, thổ cẩm, nhung, phi bong và một số kiểu mẫu đơn điệu… Đó là còn chưa kể tình trạng bắt chước nhau về kiểu mẫu của các nhà thiết kế, nói gì đến chuyện tạo ra một phong cách riêng cho những bộ sưu tập của mình.

 Gia nhập WTO, ngành Thời trang Việt Nam đang từng bước tiếp cận với  ngành thời trang thế giới, đây là một nỗ lực rất lớn của các nhà thiết kế trẻ. Công nghiệp thời trang nước ngoài luôn có sự phối hợp giữa thiết kế và sản xuất hàng loạt, giữa đội ngũ với thiết kế với doanh nghiệp. Còn ở Việt Nam vẫn chưa làm được như vậy. Lâu nay, thời trang của ta vẫn chỉ là thứ “showing”, chỉ để cho người tiêu dùng thưởng thức sự phối màu hay ý tưởng kỳ lạ nào đó, chứ chưa phải để phục vụ cho sản xuất và thương mại. 

 Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã thành lập Viện Mẫu thời trang Fadin, với  vai trò làm nòng cốt  tổ chức các chương trình thiết kế thời trang, thi thời trang trẻ, hội chợ thời trang, hội thảo, tham quan quốc tế, để phát hiện ra những nhà thiết kế phù hợp với doanh nghiệp để gắn kết họ với doanh nghiệp, nhằm phối hợp nguồn lực với ý tưởng thiết kế.

 Tại những cuộc thi thiết kế thời trang tổ chức mấy năm trở lại đây, bên cạnh những nhà thiết kế tự do, đã xuất hiện ngũ thiết kế thời trang chuyên nghiệp của từng doanh nghiệp, thông qua đó, các nhà thiết kế tạo dựng thương hiệu cho doanh nghiệp để doanh nghiệp bán các bộ sưu tập hoặc đưa vào ứng dụng sản xuất hàng loạt. Cách làm này đã có hiệu quả rất tốt.

 Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam thì trong 10 năm qua, “Vietnam Collection Grandprix 2008” đã bền bỉ tổ chức một sân chơi đầy bổ ích và lý thú cho những bạn trẻ yêu thích thời trang, nhờ vậy, các doanh nghiệp dệt, may đã tuyển chọn được những nhà thiết kế có khả năng sáng tạo làm hạt nhân cho các phòng thiết kế sản phẩm thời trang ứng dụng tại các doanh nghiệp, họ đã không ngừng tìm tòi và sáng tạo các bộ sưu tập thời trang phục vụ người tiêu dùng trong nước và hướng tới việc phát triển một ngành công nghiệp thời trang, giúp cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu “Made in Viet Nam” tăng thêm thị phần cũng như giá trị gia tăng cao.

 Được phát động từ năm 1999, Vietnam Collection Grand Prix đã trở thành một “thương hiệu” thời trang tại Việt Nam. 10 năm qua, Vietnam Collection Grandprix đã phát hiện 70 nhà thiết kế, trong đó nhiều nhà thiết kế đã trưởng thành, định hình được phong cách, có nhãn hiệu riêng như Trương Anh Vũ (Giải nhất chất liệu 1999, nay là Phó phòng Kinh doanh nội địa, Công ty  Cổ phần May Phương Đông); Trọng Nguyên (giải thiết kế trong năm 2001, hiện Phụ trách phòng thiết kế Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến); Nguyễn Quang Huy (giải thưởng lớn 2004, đang là Phụ trách phòng thiết kế Công ty Cổ phần May 10),…Từ đội ngũ thiết kế này, thời trang Việt Nam đang dần tiến bước, khẳng định mình. May Phương Đông là đơn vị tiên phong trong việc đưa ra thị trường những sản phẩm có thiết kế. Nhiều năm qua, người tiêu dùng nội địa đã biết đến thương hiệu Fhouse bởi sự sáng tạo biểu hiện xuyên suốt trên các chất liệu vải. May Việt Tiến là doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu rất cao, bởi đội ngũ thiết kế của Công ty rất năng động sáng tạo. Việt Tiến đã xây dựng cho mình một chiến lược dài hơi làm nền tảng cho quá trình xúc tiến thương mại; Công ty đã xây dựng được ba thương hiệu thời trang cao cấp là Sanciaro, Manhattan, Veesendy đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước, đặc biệt là giới trẻ và doanh nhân đón nhận nồng nhiệt. Thương hiệu May 10 (Garco 10) đã được người tiêu dùng trong nước biết đến từ lâu. Ngay từ năm 1992, May 10 đã sớm đưa ra chiến lược định vị, xây dựng và phát triển thương hiệu của mình, đã giang tay đón nhận các nhà thiết kế trẻ tài năng với mức đãi ngộ thỏa đáng về tiền lương, thưởng và điều kiện làm việc tốt nhất, vì vậy, các thương hiệu thời trang nổi tiếng đã lần lượt xuất hiện trên thương trường như: mm-teen, Garco 10, Cleopatra. Dệt Việt Thắng đã cho ra mắt dòng sản phẩm áo khoác cao cấp mang phong cách thể thao nhưng sang trọng và đầy quyến rũ, Công ty 20 với bộ áo khoác xe máy đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Còn May Hồ Gươm, May Chiến Thắng rồi May Tiền Tiến, May Hai… với seri thời trang trẻ em đã làm hài lòng người tiêu dùng trong nước đến mức họ đã tẩy chay hàng Trung Quốc dù bán rẻ hơn rất nhiều so với hàng Việt Nam chất lượng cao. Sơmi Việt Tiến, Hòa Bình, An Phước xuất khẩu đi  hầu hết các nước trên thế giới, quần âu May Nhà Bè và May Hưng Long, Jắcket của May Hưng Yên và Đức Giang nhiều năm đã đi vào tiềm thức người tiêu dùng trong nước, nhất là trong mấy mùa đông lạnh giá vừa qua.

 Thiết nghĩ, để ngành Thời trang Việt Nam phát triển hội nhập với khu vực và thế giới thì điều cốt lõi đầu tiên, là phải có sự định hướng về giáo dục, về thẩm mỹ thời trang. Trách nhiệm đó phải thuộc về xã hội, các trường đào tạo như Đại học Mỹ thuật Công nghiệp ở Hà Nội, Tp.HCM và các khoa thời trang trong các trường của Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Những giáo viên và đội ngũ đào tạo tại các nơi này đã có sự trao đổi với các doanh nghiệp ngành May để chương trình đào tạo gắn kết với hoạt động sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp. Cùng với đó, việc thông tin, truyền thông đã làm thay đổi nhận thức về thời trang, về mẫu mốt của người tiêu dùng. Trước kia, kinh tế chưa phát triển, chỉ cần ăn mặc lịch sự, gọn gàng. Còn bây giờ, ăn mặc phải đi liền với mốt, với hợp thời trang. Và hơn ai hết, doanh nghiệp lại càng phải nhận thức rõ điều này. Bởi lẽ, những cuộc thi thời trang, Viện Mẫu thời trang chỉ tạo ra những mẫu mốt đơn lẻ, số lượng nhỏ chứ chưa phải phục vụ cho nhu cầu sản xuất hàng loạt và th??ng mại.