Hưởng lợi từ Quy hoạch Điện 8 (điều chỉnh)

Tập đoàn GELEX
Tập đoàn GELEX đang sở hữu, điều hành loạt thương hiệu thiết bị điện, dây cáp điện nổi tiếng tại Việt Nam.

Kết thúc quý 1/2025, Tập đoàn GELEX (mã cổ phiếu GEX - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 7.916 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 646 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 20% và 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng chính đến từ mảng sản xuất kinh doanh thiết bị điện và vật liệu xây dựng.

Trong đó, mảng sản xuất kinh doanh thiết bị điện của tập đoàn này đã ghị nhận doanh thu tăng trưởng 5 quý liên tục, đạt 5.108 tỷ đồng trong quý 1/2025, tương ứng mức tăng trưởng 42% so với cùng kỳ năm 2024, chủ yếu nhờ công ty thành viên - Công ty Cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI) thành công mở rộng thị phần tại khu vực phía Bắc.

Trong tháng 4/2024, CADIVI đã thành lập Công ty TNHH MTV CADIVI Miền Bắc với mục tiêu chinh phục thị trường này. Với bề dày lịch sử thương hiệu, sản phẩm chất lượng cao và chiến lược bán hàng hợp lý, công ty đã đạt được nhiều kết quả tích cực với doanh thu, biên lợi nhuận gộp liên tục tăng sau các quý.

Tập đoàn GELEX
Kết quả kinh doanh (tỷ đồng) mảng thiết bị điện của Tập đoàn GELEX liên tục được cải thiện qua các quý. (Nguồn: Tập đoàn GELEX, Chứng khoán BIDV)

CADIVI hiện là nhà cung cấp hàng đầu trong nước về dây cáp điện hạ thế - trung thế. Theo dữ liệu cập nhật từ Chứng khoán BIDV, CADIVI hiện đang chiếm đến 80% thị phần dây cáp điện tại miền Nam, 30% thị phần miền Trung, và 25% thị phần tại miền Bắc; qua đó, cho thấy dư địa phát triển lớn của thị trường miền Bắc.

Đáng chú ý, ngoài CADIVI, thông qua công ty con là Công ty Cổ phần Điện lực Gelex (mã cổ phiếu GEE), Tập đoàn GELEX đang sở hữu, điều hành loạt thương hiệu thiết bị điện nổi tiếng tại Việt Nam như: CTCP Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI), CTCP Thiết bị Điện (THIBIDI), CTCP Chế tạo Điện cơ Hà Nội (mã cổ phiếu HEM), TCT CP Thiết bị Điện Đông Anh (mã cổ phiếu TBD), CTCP Sản xuất Thiết bị Điện Đông Anh (MEE)… vốn có lịch sử uy tín, lâu đời và có thị phần lớn.

Theo đó, mảng sản xuất kinh doanh thiết bị điện của Tập đoàn GELEX được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn từ Quy hoạch Điện 8 (điều chỉnh) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo Quy hoạch điều chỉnh, tổng mức đầu tư cho lưới điện truyền tải đã tăng 143% so với trước điều chỉnh, từ trung bình 1,49 tỷ USD/năm lên 3,62 tỷ USD/năm, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp cung cấp vật tư thiết bị điện, đặc biệt là trong lĩnh vực máy biến áp và dây cáp điện.

Ngoài ra, theo Nghị định số 72/2025/NĐ/CP, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ được điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 3 tháng/lần khi chi phí đầu vào tăng từ 2% trở lên. Điều này sẽ giúp EVN thu đúng, đủ số vốn đã bỏ ra, từ đó có đủ nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động đầu tư nguồn điện và lưới điện truyền tải.

Theo đó, Chứng khoán BIDV dự báo mảng sản xuất kinh doanh thiết bị điện sẽ đóng góp khoảng 24.600 tỷ đồng doanh thu cho Tập đoàn GELEX trong năm nay, tương ứng mức tăng trưởng 19% so với năm 2024; đồng thời, biên lợi nhuận gộp của mảng này tiếp tục tăng thêm 1%, đạt 15%.

Tái cấu trúc mảng vật liệu xây dựng cho “trái ngọt”

Đối với mảng vật liệu xây dựng, lĩnh vực này đóng góp 1.425 tỷ đồng doanh thu cho Tập đoàn GELEX trong quý 1/2025. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp mảng này đã tăng mạnh 10 điểm phần trăm, đạt 17%, nhờ chi phí đầu vào giảm và nhu cầu phục hồi tốt, nhất là tại thị trường Hà Nội khi nguồn cung chung cư duy trì ở mức cao.

Hãng dịch vụ thị trường bất động sản CBRE dự báo nguồn cung căn hộ tại Hà Nội trong năm 2025 có thể tăng 3,5% so với mức nền cao của năm 2024 khi loạt dự án kết nối giao thông quan trọng được triển khai như Cầu Tứ Liên, Cầu Trần Hưng Đạo, Vành đai 3.5 và 4…

Tập đoàn GELEX
Nguồn cung căn hộ cao tại Hà Nội cũng như tại các đô thị lớn khác được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho mảng vật liệu xây dựng của Tập đoàn GELEX (Nguồn: Tập đoàn GELEX, CBRE, Chứng khoán BIDV)

Xem thêm: "Lãnh đạo Tập đoàn GELEX (GEX) được đề cử vào HĐQT Eximbank (EIB)" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Ngoài ra, Nghị quyết 171/2024/QH15 của Quốc hội đang dần tháo gỡ các khó khăn pháp lý cho các dự án không có đất thổ cư, tăng nguồn cung nhà ở, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Qua đó, mở ra cơ hội tiêu thụ lớn cho Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã cổ phiếu VGC) - đơn vị chủ lực mảng vật liệu xây dựng của Tập đoàn GELEX.

Trước đó, trong 3 quý đầu năm 2024, Tổng Công ty Viglacera đã rà soát và tái cấu trúc mảng vật liệu xây dựng, dừng sản xuất ở một số công ty con dẫn đến chi phí tăng cao bất thường. Nhưng quá trình tái cấu trúc đã giúp doanh nghiệp này tối ưu hoá chi phí, thích ứng với các xu hướng thị trường mới; qua đó, biên lợi nhuận gộp của mảng vật liệu xây dựng phục hồi từ mức thấp 10 - 16% (3 quý đầu năm 2024) lên mức 18 - 19% (quý 4/2024 - quý 1/2025).  

Với các xu hướng trên, Chứng khoán BIDV kỳ vọng doanh thu mảng vật liệu xây dựng của Tập đoàn GELEX trong năm nay sẽ tăng 10% so với năm 2024 và biên lợi nhuận gộp đạt trung bình 15% trong cả năm, so với mức 11% của năm 2024.