Cảng Gemalink “thắng lớn”
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2025, Tập đoàn Gemadept (mã cổ phiếu GMD - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.277 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp của tập đoàn cũng tăng 27%, đạt 562 tỷ đồng, giúp biên lợi nhuận gộp đạt 44%, tăng nhẹ so với quý 1/2024.
Đáng chú ý, phần lãi từ công ty liên doanh, liên kết gấp trong quý 1/2025 đã tăng gấp 2,3 lần, đạt 227 tỷ đồng, chủ yếu do lợi nhuận đóng góp từ Cảng Gemalink tăng mạnh.

Tính đến cuối quý 1/2025, khoản đầu tư của Tập đoàn Gemadept vào Công ty Cổ phần Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link - đơn vị trực tiếp vận hành Cảng Gemalink có giá trị gốc là 1.277 tỷ đồng. Đây cũng hiện là khoản đầu tư lớn nhất và sinh lời nhất của Tập đoàn Gemadept.
Cảng Gemalink được phân loại là cảng nước sâu, tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), đủ khả năng tiếp nhận cỡ tàu megaship lớn nhất thế giới hiện nay (250.000 DWT), và có năng lực thông quan là 3 triệu TEU/năm trong giai đoạn 1.
Tuy nhiên, do không còn khoản lãi từ chuyển nhượng khoản đầu tư như quý 1/2024 nên doanh thu tài chính của Tập đoàn Gemadept trong quý 1/2025 đã giảm 92%, còn 29 tỷ đồng. Kết quả, doanh nghiệp cảng biển này thu về 528 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 20% so với quý 1/2024.
Tập đoàn Gemadept hiện chưa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025 và Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 đã được HĐQT tập đoàn gia hạn chậm nhết tới ngày 30/6/2025.
Mở loạt tuyến hàng, cơ hội từ các thị trường mới
Tại Hội nghị trực tuyến gặp gỡ nhà đầu tư vừa diễn ra cuối tháng 4/2025, ông Nguyễn Thanh Bình - Tổng Giám đốc Tập đoàn Gemadept đã dành nhiều thời gian chia sẻ, giải đáp các lo ngại của nhà đầu tư về tác động của chính sách thuế quan mới đến triển vọng kinh doanh.
Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết các hãng tàu, hãng hàng không, công ty logistics trên toàn cầu đang phải thiết lập lại chuỗi cung ứng, tuyến vận chuyển; trong khi các nhà sản xuất phải đa dạng hoá chuỗi cung ứng và dịch vụ, tìm kiếm thị trường thay thế. Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các cảng biển trên toàn cầu, không chỉ riêng Tập đoàn Gemadept.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Gemadept cũng nhấn mạnh Việt Nam vẫn có những lợi thế riêng cùng với các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước, vì vậy các doanh nghiệp vẫn còn nhiều cơ hội để tập trung mở rộng, tìm thị trường mới thay thế như các khu vực EU, nội Á. Qua đó, tạo nguồn hàng cho các doanh nghiệp cảng biển. Đặc biệt, với chi phí kho bãi chỉ bằng 40-50% so với các cảng trong khu vực, Việt Nam có thể là điểm đến của các container rỗng sau đàm phán để chờ tín hiệu phục hồi của thị trường.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, đối với Cảng Gemalink - cảng chủ lực của tập đoàn tại cụm cảng phía Nam, lượng hàng hóa đi Mỹ chiếm khoảng 32% trong năm 2024 và quý I/2025. Kể từ tháng 4/2025, cảng thu hút thêm 04 tuyến dịch vụ mới đi châu Phi, châu Âu, Canada và Brazil nên giảm tỷ trọng hàng đi Mỹ về khoảng 20%. Đối với Cảng Nam Đình Vũ - cảng chủ lực của tập đoàn tại cụm cảng miền Bắc, dự kiến sản lượng hàng đi Mỹ chỉ chiếm 10%.
Thị trường nội Á có sức mua lớn và có khả năng tiêu thụ các mặt hàng mà trước đây vốn xuất vào Mỹ. Việc tăng trưởng giao thương nội Á, kết hợp với tiêu thụ nội địa, được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng mới cho Tập đoàn Gemadept.
“Chúng tôi đang chủ động trao đổi với các hãng tàu, khách hàng xuất nhập khẩu để đẩy nhanh các đơn hàng sớm; phối hợp với cơ quan ban ngành để bảo vệ các doanh nghiệp xuất khẩu; tiếp cận nhóm khách hàng ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ", Tổng Giám đốc Tập đoàn Gemadept nói.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh Tập đoàn Gemadept đang giữ khoảng 5.000 tỷ đồng tiền mặt và dự kiến tích lũy thêm 1.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2025, tạo bộ đệm tài chính vững chắc trước các biến động có thể xảy ra.