Vụ kiện xuất phát từ việc chủ quán Cây Dừa bỗng dưng “ngoại tình” với hãng bia Laser khi cho sản phẩm mới này vào quán tiếp thị trong dịp cuối tháng 3, đầu tháng 4/2004.

Trước đó, ngày 10/9/2003, Nhà máy Bia Việt Nam đã ký với ông chủ quán một hợp đồng tài trợ trị giá 170 triệu đồng, trong đó có 20 triệu đồng dùng lắp đặt logo quảng cáo bia Tiger. Nội dung hợp đồng ghi rõ là quán Cây Dừa phải dành cho Nhà máy được độc quyền bán và tổ chức các hoạt động khuyến mãi, quảng cáo, tiêu thụ cho các thương hiệu: Tiger, Heineken, Bivina. Hợp đồng này có hiệu lực trong vòng một năm (từ ngày 1/12/2003 đến 30/11/2004).

Tại phiên tòa, lý giải cho việc vi phạm hợp đồng của mình, chủ quán Cây Dừa Nguyễn Văn Hoàng cho biết: “Từ trước đến nay quán có bán các loại bia khác nhau mà không có gì xảy ra. Mặt khác, do khách hàng khi đến quán đều muốn uống bia này, bia kia nên phải bán. Nếu Nhà máy Bia bắt tôi bán chỉ một loại bia thì… quán thất thu. Khách hàng bỏ đi quán khác hết, nhất là từ đợt Laser có hình thức khuyến mãi uống thử khá hấp dẫn. Hơn nữa, khi ký hợp đồng, tôi không đọc kỹ các điều khoản mà chỉ ký đại, vì Nhà máy hối thúc quá và thấy có lợi!”.

Sau khi phân tích nhiều thiệt thòi của mình khi làm quán quảng cáo độc quyền cho Tiger, Heineken, Bivina, ông Hoàng đề nghị được hủy hợp đồng. Luật sư của quán Cây Dừa cũng đề nghị hủy hợp đồng và cho rằng hợp đồng giữa hai bên là bất bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ. Tuy nhiên, ý kiến của chủ quán Cây Dừa và quan điểm của luật sư không được hội đồng xét xử chấp nhận.

Bản án nhận định: Hợp đồng tài trợ giữa Nhà máy Bia Việt Nam và quán Cây Dừa có giá trị pháp lý, không vi phạm các quy định của pháp luật, không vi phạm các nguyên tắc của việc ký kết hợp đồng. Việc ông Hoàng biện minh, khi ký không nghiên cứu hợp đồng là không có cơ sở, vì ông Hoàng là một chủ doanh nghiệp, không thể có chuyện không tính toán khi làm ăn. Ông Hoàng đang ký hợp đồng độc quyền quảng cáo cho các thương hiệu của Nhà máy Bia Việt Nam mà lại cho một thương hiệu cạnh tranh khác vào tổ chức tiếp thị là vi phạm hợp đồng.

Vụ kiện đã khép lại với nhiều thắc thỏm, cho dù nhiều người đồng tình bản án là đúng, bởi hiện nay luật pháp Việt Nam chưa có quy định cấm việc giới hạn sản phẩm được bán. Sự thắc thỏm đó là những lời tiếc nuối cho một bộ luật về cạnh tranh nói mãi mà chưa xuất hiện.

Một doanh nghiệp đến xem vụ xét xử thẳng thắn: “Khi có Luật Cạnh tranh, việc ký hợp đồng mua bán ở đây sẽ bị điều chỉnh bởi điều luật nói về thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa và dịch vụ. Đây đích thị là một loại cạnh tranh không lành mạnh!”. Tuy nhiên, một ý kiến khác của những người am hiểu pháp luật cạnh tranh trên thế giới thì cho rằng, nếu có Luật Cạnh tranh thì… Nhà máy Bia cũng chưa chắc thua. Bởi vấn đề kinh doanh không phải cá lớn nuốt cá bé, mà là sức mạnh thương thảo của mỗi bên, tức là ai cần ai khi ký hợp đồng.

ở Mỹ, Bộ Tư pháp hay Tòa án Mỹ khi được khiếu nại về những trường hợp hạn chế lãnh thổ và khách hàng cũng không coi những hạn chế này là một sự phạm luật hiển nhiên mà sẽ quyết định theo điều luật gọi là lẽ phải và xem xét những yếu tố công ty đưa ra hạn chế đó có thống lĩnh thị trường không, hạn chế đó có gây hậu quả bất lợi cho cạnh tranh không. Nếu xét thấy có hạn chế thương mại thật, thì sẽ xử lý.

Mọi bình luận hậu sự chỉ là bình luận. Bởi lẽ, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có Luật Cạnh tranh, nên khó mà suy đoán!./.