Chính sách pháp luật
Toàn cảnh Phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tham dự Phiên họp có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn, Tạ Đình Thi và các Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban; đại diện các Ủy ban của Quốc hội và lãnh đạo một số Bộ ngành.

Đề cập về sự cần thiết của việc ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, sau 15 năm triển khai thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12, Luật đã bộc lộ một số bất cập cần phải rà soát sửa đổi, bổ sung để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn.

Mục đích ban hành của Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đối về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trước những thách thức từ các rào cản kỹ thuật của Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản và các khu vực khác trên thế giới thông qua các công cụ hỗ trợ tài chính, cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư các dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu thông qua cơ chế quỹ; thúc đẩy phát triển, mở rộng thị trường cho các ngành dịch vụ tư vấn năng lượng; góp phần chủ động, tích cực thực hiện các cam kết khi tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).

Dự án Luật bám sát theo 04 chính sách sửa đổi, bổ sung đã được Chính phủ đồng ý và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bao gồm: Chính sách 1: Về nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chính sách 2: Về quản lý, phát triển đối với dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chính sách 3: Quy định về chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chính sách 4: Chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện 19 Điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả kế thừa 30 Điều được giữ nguyên trong tổng số 12 Chương và 48 Điều của Luật năm 2011.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại Phiên họp.

Các nội dung sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tập trung vào việc xây dựng các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp về kỹ thuật và tài chính; cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp phân quyền và đẩy mạnh chuyển đổi thị trường hiệu suất năng lượng. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung sẽ thực hiện cắt giảm 02 thủ tục hành chính (tỉ lệ cắt giảm 50%), bao gồm: Cắt giảm thủ tục về cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng: chuyển từ cấp giấy chứng nhận sang hình thức tự công bố, dán nhãn năng lượng; Cắt giảm thủ tục cấp chứng chỉ kiểm toán năng lượng. Việc cải cách thủ tục hành chính đã đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của cấp có thẩm quyền trong đó giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính.

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Qua nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị nghiêm túc, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá từng nội dung trong 04 nhóm chính sách với các quy định của dự thảo Luật để bảo đảm đồng bộ; các nội dung sửa đổi đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý Nhà nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Về chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật): Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, Việt Nam hiện nay đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, việc phát triển bền vững đất nước gắn chặt với an ninh năng lượng quốc gia, vì vậy, bảo đảm nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững, giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và không ngừng cải thiện đời sống nhân dân có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng. Do đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung nội dung 03 chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong dự thảo Luật như khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật.

Về chiến lược, quy hoạch, chương trình sử dụng năng lượng (khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật): Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với việc để thực hiện hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì cần phải huy động các nguồn lực tài chính ngoài từ nguồn ngân sách nhà nước còn có nguồn vốn xã hội hóa. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc bổ sung khoản 3 về Nguồn lực cho sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào điều quy định về chiến lược, quy hoạch, chương trình sử dụng năng lượng là chưa hợp lý; xác định rõ nguồn lực ở đây là nguồn lực tài chính. Do đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị xem xét, cân nhắc và chỉnh lý cho phù hợp.

Về kiểm toán năng lượng đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (khoản 13 Điều 1 dự thảo Luật): Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Cơ quan chủ trì làm rõ thêm lý do của sự cần thiết quy định nhiều biện pháp quản lý đối với cơ sở kinh doanh kiểm toán năng lượng như trong dự thảo Luật, việc đáp ứng yêu cầu về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ pháp luật.

Về biện pháp quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với phương tiện, thiết bị (khoản 15 Điều 1 dự thảo Luật): Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các điều khoản nêu trên để chỉnh lý cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất giữa các điều khoản trong dự thảo Luật và với Luật hiện hành.

Về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (khoản 17 Điều 1 dự thảo Luật): Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu rà soát các quy định trong luật, các luật có liên quan, đề xuất hỗ trợ tín dụng tạo điều kiên để doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới dễ dàng hơn; đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Cần bổ sung nguồn vốn đầu tư ban đầu cho Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Trong khuôn khổ Phiên họp, các đại biểu đã đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã khẩn trương xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đồng thời cho ý kiến vào những nhóm nội dung, chính sách được Chính phủ trình.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, các chính sách về sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả trong dự án Luật đã tập trung vào lĩnh vực chính: Quản lý, công nghệ và thay đổi thói quen tiêu dùng. Tuy nhiên, việc cập nhật các chỉ tiêu thống kê cần có quy định cụ thể hơn, cần hướng đến sử dụng năng lượng xanh trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế…

Đề cập về việc thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải cho rằng, Quỹ được thiết kế theo hướng xã hội hóa, tự chủ tài chính, không dùng ngân sách và không làm tăng chi phí cho doanh nghiệp​. Điều này dẫn đến mâu thuẫn về nguồn vốn. Nếu không sử dụng ngân sách và không thu thêm từ doanh nghiệp, Quỹ rất khó có vốn hoạt động bền vững. Nguy cơ Quỹ chỉ tồn tại hình thức hoặc trông chờ viện trợ, không đủ lực hỗ trợ các mục tiêu đề ra.

Thực tiễn cho thấy, bài học từ một số Quỹ môi trường, khoa học công nghệ cho thấy, khó thu hút vốn xã hội hóa nếu thiếu vốn mồi ban đầu. Thực tế, nhiều dự án đổi mới công nghệ tiết kiệm năng lượng đã không thể triển khai do không tiếp cận đủ vốn ưu đãi, vì Luật năm 2010 chưa có cơ chế quỹ hỗ trợ. Nếu quỹ mới thành lập mà không được cấp vốn hoặc xác định nguồn thu ổn định, các ưu đãi tài chính trong Luật sẽ khó đi vào cuộc sống, doanh nghiệp tiếp tục thiếu hỗ trợ vốn để chuyển đổi công nghệ xanh.

Để Quỹ hoạt động thực chất, Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải cho rằng, cần bổ sung nguồn vốn đầu tư ban đầu cho Quỹ và kiến nghị cho phép Nhà nước cấp vốn điều lệ khởi điểm hoặc trích một phần ngân sách, kết hợp huy động từ nguồn thu bán tín chỉ carbon hoặc các chương trình quốc tế để Quỹ có nguồn vốn ổn định. Bên cạnh đó, cần quy định chặt chẽ cơ chế vận hành Quỹ minh bạch, tránh trùng lặp nhiệm vụ với Quỹ Bảo vệ môi trường hay quỹ khác. Trong trường hợp khó bố trí vốn cho Quỹ mới, xem xét tích hợp nhiệm vụ hỗ trợ tài chính cho tiết kiệm năng lượng vào các quỹ hiện có hoặc chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm tận dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có thay vì lập quỹ mới nhưng thiếu nguồn lực.

Ngoài ra, tại Phiên họp, các đại biểu cũng đã tham gia góp ý vào các nội dung liên quan đến: Dán nhãn năng lượng và các tiêu chuẩn hàng hóa liên quan; hỗ trợ nhóm yếu thế vùng sâu vùng xa; biện pháp quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với phương tiện, thiết bị; biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất, cung cấp năng lượng; cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm...

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và khuyến công, Bộ Công Thương phát biểu tại Phiên họp.

Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và khuyến công, Bộ Công Thương đã giải trình làm rõ các nội dung đại biểu nêu về dán nhãn năng lượng, chứng chỉ quản lý năng lượng, xây dựng định mức tiêu hao năng lượng...

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã tiếp thu và làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu về cơ chế tài chính để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, Thứ trưởng khẳng định, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ rà soát, tiếp thu và tiếp tục chỉnh lý để dự án luật đạt hiệu quả chất lượng tốt nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận Phiên họp.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Phiên họp; đề nghị Bộ Công Thương cần bổ sung thêm văn bản hướng dẫn để Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mang tính khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu tối đa các ý kiến của các đại biểu, Bộ ngành liên quan tại Phiên họp về các điều luật, nội dung trong dự thảo Luật để cơ quan thẩm tra xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tại Phiên họp tới.