Thực trạng tình hình phát triển của TTCKVN

Năm 2003 là năm có nhiều sự kiện đối với TTCK Việt Nam, đó là: chương trình Chiến lược Phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn vào tháng 8/2003, nhằm tạo điều kiện để phát triển TTCK cả về quy mô và chất lượng hoạt động, nhằm tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển, góp phần phát triển thị trường tài chính Việt Nam; duy trì trật tự, an toàn, mở rộng phạm vi, tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh và chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế. Đồng thời Chính phủ ban hành Nghị định 144/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 thay thế cho Nghị định 48/1998/NĐ-CP ngày 11/7/1998 về chứng khoán và TTCK, tạo cơ sở tiền đề cho việc mở rộng quy mô phát hành và niêm yết giao dịch chứng khoán trên thị trường, tập trung cho việc thành lập Sở giao dịch chứng khoán và các tổ chức phụ trợ, các định chế tài chính trung gian; nâng cao hiệu quả, chất lượng công bố thông tin trên TTCK, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước thông qua các công cụ luật pháp và điều hành vĩ mô của Nhà nước. Quyết định 146/2003/QĐ-TTg ngày 17/7/2003 thay thế cho Quyết định 139/1999/QĐ-TTg ngày 10/6/1999 về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào TTCK Việt Nam, cho phép nâng mức nắm giữ cổ phiếu của bên nước ngoài trong các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường giao dịch tập trung lên 30% vốn cổ phần của công ty. Ngoài ra, cũng cho phép nâng mức tỷ lệ vốn góp của bên nước ngoài lên tối đa 49% vốn điều lệ trong các công ty chứng khoán liên doanh, công ty quản lý quỹ liên doanh.

Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với UBCKNN để đánh giá hoạt động và quản lý thị trường, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, chỉ đạo UBCKNN phối hợp với các bộ, ngành liên quan có các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường (Thông báo số 5870/VPCP-KTTH ngày 26/11/2003 của Văn phòng Chính phủ) bao gồm việc tăng hàng hóa có chất lượng bằng việc đưa các doanh nghiệp lớn cổ phần hóa vào niêm yết ngay trên TTCK, nghiên cứu ban hành chính sách thuế ưu đãi cho các đối tượng tham gia thị trường, nghiên cứu thành lập định chế Quỹ bình ổn thị trường, công ty chứng khoán nhà nước.

 Hoạt động của TTCK mặc dù chưa phát triển như mong muốn, song, bước đầu đã được triển khai khá suôn sẻ, không gây ra những biến động lớn hoặc tác động tiêu cực tới đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Từ cuối năm 2003, đặc biệt những tháng đầu năm 2004, thị trường được khôi phục lại, từ mức 130,9 điểm vào tháng 10/2003, chỉ số VN-Index đã tăng lên 251,99 điểm vào phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5/2004. Hiện nay, thị trường có 167 loại hàng hóa, gồm 141 trái phiếu và 24 cổ phiếu. Tổng giá trị chứng khoán niêm yết tính theo mệnh giá là trên 13.000 tỷ đồng. Năm 2003, tổng giá trị vốn hóa thị trường là 14.122 tỷ đồng, chiếm 2,33% GDP.

Thị trường đã xây dựng được một hệ thống các tổ chức trung gian, bao gồm 13 công ty chứng khoán, 1 công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán với tổng số vốn điều lệ là 573,75 tỷ đồng; các tổ chức lưu ký, ngân hàng lưu ký, ngân hàng chỉ định thanh toán đã hình thành, và 1 Công ty quản lý quỹ đầu tư. Tháng 5/2004, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Các trung gian tài chính này đã phát huy tích cực vai trò môi giới mua bán chứng khoán trên thị trường tập trung; tham gia bảo lãnh phát hành và tư vấn cho các công ty trong việc niêm yết và cung cấp thông tin cho nhà đầu tư; thực hiện tốt việc thanh toán, bù trừ các giao dịch chứng khoán trên thị trường.

Công chúng đã dần làm quen với một phương thức đầu tư mới với khoảng 16.500 tài khoản giao dịch, trong đó có hơn 152  nhà đầu tư có tổ chức và 85 nhà đầu tư nước ngoài. Sự tham gia của các nhà đầu tư đã góp phần quan trọng cho sự phát triển TTCK Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn gần đây, số lượng tài khoản và giao dịch thường xuyên của nhà đầu tư nước ngoài tăng lên đã góp phần kích thích nhà đầu tư quay trở lại với TTCK.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng được ghi nhận, song TTCK vẫn bộc lộ những hạn chế và thách thức.

Quy mô thị trường nhỏ bé, chưa đáp ứng được nhu cầu huy động vốn  trung và dài hạn cho nền kinh tế, chưa tổ chức được thị trường thứ cấp hiệu quả đối với trái phiếu. Khối lượng giao dịch, giá cả chứng khoán và chỉ số VN-Index rơi vào tình trạng sụt giảm kéo dài liên tục từ năm 2002 đến cuối  năm 2003, gây áp lực tâm lý đối với nhà đầu tư tham gia TTCK. Các công ty niêm yết cổ phiếu có quy mô không lớn và chưa phải là những doanh nghiệp hấp dẫn đối với người đầu tư. Chưa gắn được cổ phần hóa DNNN với phát hành chứng khoán ra công chúng để niêm yết trên TTCK. Một số công ty sau khi niêm yết đã bộc lộ những yếu kém trong quản trị kinh doanh, đầu tư không có hiệu quả ảnh hưởng lòng tin của giới đầu tư. Kiến thức và sự hiểu biết của công chúng đầu tư còn hạn chế. Ngoài ra, các chính sách, công cụ điều chỉnh của Nhà nước thiếu đồng bộ, các giải pháp kỹ thuật của UBCKNN chưa phát huy hiệu quả thiết thực.

Các công ty chứng khoán mới chỉ có mặt ở các tỉnh thành phố lớn, chủ yếu là triển khai nghiệp vụ môi giới; các hoạt động nghiệp vụ khác như bảo lãnh phát hành, tư vấn đầu tư còn hạn chế. Do quy mô nhỏ nên các công ty chưa thể sử dụng nghiệp vụ như một công cụ tăng tính thanh khoản cho giao dịch cổ phiếu niêm yết. Công tác công khai hóa thông tin thị trường nói chung và công ty niêm yết nói riêng còn chưa đáp ứng được mong đợi của nhà đầu tư ảnh hưởng đến lòng tin của công chúng. Phạm vi và nội dung tuyên truyền, phổ cập kiến thức về chứng khoán và TTCK còn hạn chế, chưa thực sự phù hợp với các đối tượng đào tạo tuyên truyền rất đa dạng hiện nay.

Nguyên nhân của hạn chế, tồn tại:

Đảng và Chính phủ đã chủ trương phát triển hệ thống thị trường tài chính (trong đó có thị trường vốn, thị trường chứng khoán), tuy nhiên trong điều hành thực tiễn thì hệ thống thị trường bị chia cắt: thị trường tiền tệ do Ngân hàng Nhà nước quản lý, thị trường bảo hiểm do Bộ Tài chính điều hành, TTCK do UBCKNN quản lý, giám sát. Các bộ, ngành, đều xây dựng chiến lược phát triển của ngành mình, song chưa có sự tổng hợp thống nhất chiến lược phát triển thị trường tài chính nói chung. Vì vậy, định hướng và các giải pháp thực hiện thiếu đồng bộ, chưa chú trọng việc phát triển thị trường vốn.

Các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự chủ động huy động vốn qua TTCK, mà trông chờ và ỷ lại vào nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp e ngại kiểm toán và công bố thông tin khi niêm yết trên TTCK. Các doanh nghiệp niêm yết không phải là doanh nghiệp lớn, có khả năng phát triển hấp dẫn người đầu tư. Ngoài ra, ở một số công ty, niêm yết tỷ lệ vốn thuộc sở hữu nhà nước còn khá cao, do vậy, khối lượng cổ phiếu thực sự đưa vào giao dịch rất thấp.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế trong năm 2003 là khả quan, nhưng nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập của dân chúng thấp, chưa có chính sách phù hợp để khai thác nguồn lực tài chính trong dân. Tỷ trọng chứng khoán niêm yết chỉ chiếm 2,33% so với GDP năm 2003. Vì vậy, TTCK chưa thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển.

TTCK là lĩnh vực mới, do đó cả cơ quan quản lý, các chủ thể tham gia thị trường, nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng giai đoạn ban đầu.

 Một số định hướng và giải pháp phát triển thị trường

 Trên cơ sở Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn; với khung pháp lý mới là Nghị định 144/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ về chứng khoán và TTCK; dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các giải pháp chủ yếu thúc đẩy và phát triển TTCK trong thời gian tới là:

Khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Nghị định 144/2003/NĐ-CP; chủ động xây dựng và ban hành các quy trình hướng dẫn mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ. UBCKNN chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai xây dựng Luật Chứng khoán để trình Quốc hội ban hành vào năm 2006; đồng thời, phối hợp với Bộ KH-ĐT dự thảo trình Chính phủ Nghị định về quản lý phát hành và giao dịch chứng khoán không niêm yết vào Quý III/2004; phối hợp với các bộ, ngành liên quan dự thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 22/2000/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Công tác tạo hàng cho thị trường phải được coi là trọng tâm của năm 2004 để tạo một bước phát triển nhanh hơn quy mô thị trường. Nghị định 64/NĐ-CP về cổ phần hóa DNNN cần được sửa đổi theo hướng quy định các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa phải kết hợp với niêm yết trên TTCK; thúc đẩy nhanh việc tham gia niêm yết trên TTCK của một số Ngân hàng thương mại cổ phần; đồng thời sớm thực hiện thí điểm cổ phần hóa để đưa vào niêm yết một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; lựa chọn một vài doanh nghiệp lớn, làm ăn có hiệu quả để trình Thủ tướng cho làm thí điểm kết hợp cổ phần hóa với niêm yết.

Bộ Tài chính nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ ban hành chính sách thuế để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi đối với các đối tượng tham gia thị trường chứng khoán;

UBCKNN chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất cụ thể mô hình tổ chức hoạt động Công ty chứng khoán nhà nước, Quỹ bình ổn giá chứng khoán để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, tạo điều kiện hình thành tổ chức đầu tư nhà nước can thiệp và định hướng đầu tư cho thị trường.

Khẩn trương xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống giao dịch, chuẩn bị bộ máy nhân sự để sớm đưa Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vào hoạt động. Đẩy mạnh tiến độ xây dựng hệ thống giao dịch hiện đại tại TTGDCK TP.HCM.

Mở rộng mạng lưới quy mô, phạm vi hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ của các công ty chứng khoán; thành lập một số công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán phát hành chứng chỉ ra công chúng, niêm yết trên TTCK.

Hoàn thiện từng bước cơ sở vật chất, kỹ thuật của thị trường bằng cách nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống giao dịch và giám sát thị trường của TTGDCK; tự động hóa một bước hệ thống lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán.

Tăng cường quản lý, giám sát thị trường thông qua việc tổ chức và hoàn thiện các hoạt động theo dõi, kiểm tra, thanh tra các hoạt động trên thị trường để kịp thời ban hành chính sách điều chỉnh phù hợp và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Tăng cường hoạt động công bố thông tin của các đối tượng tham gia trên TTCK, đáp ứng nhu cầu đầy đủ thông tin cho công chúng nhà đầu tư để có quyết định đầu tư hợp lý.

Xuất phát từ nhu cầu khách quan về vốn đầu tư trung và dài hạn của nền kinh tế; trên cơ sở Chiến lược phát triển TTCK Việt nam đến năm 2010 đã được phê duyệt, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành trong điều kiện khung pháp lý cho hoạt động thị trường đã được hoàn thiện một bước, TTCK Việt Nam sẽ từng bước phát triển để trở thành kênh huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế cũng như đóng vai trò tích cực trong quá trình công khai thông tin của doanh nghiệp và có nhiều khả năng đạt được các mục tiêu phấn đấu theo định hướng chiến lược đã đặt ra./.