Đồ chơi và trò chơi truyền thống bao gồm: búp bê/ các nhân vật, đồ chơi hoạt động / đồ chơi lắp ghép xây dựng, các trò chơi trong nhà, đồ chơi dành cho trẻ sơ sinh, đồ chơi trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo, đồ chơi mô hình các phương tiện vận tải (ô tô, máy bay, xe máy…), đồ chơi mềm / thú bông, trò chơi ngoài trời và các đồ chơi, trò chơi truyền thống khác. Các đồ chơi và trò chơi truyền thống là những đồ vật để phục vụ nhu cầu chơi chung / điển hình của trẻ em; Trò chơi video: gồm các dụng cụ và các phần mềm trò chơi video, trò chơi điện tử / hoặc trên máy tính như Speak & Spell, Leapfrog LeapPad, Kinderbot, and MeMoMo.

            Mặc dù năm 2008 nhóm đồ chơi và trò chơi truyền thống của Canada không tăng trưởng mấy song một loạt các đồ chơi điện tử (chạy bằng pin) mới được đưa ra thị trường và thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Năm 2008, một loạt các trò chơi điều khiển điện tử, các phần mềm trò chơi điện tử đã đạt kỷ lục bán ra, mang lại doanh thu cũng như củng cố vị trí vững chắc cho các phần mềm trò chơi này. Để phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước, hàng năm Canada nhập khẩu khá nhiều loại đồ chơi và trò chơi từ Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Mêhicô, Thái Lan, Đức, Áo, Italy, Hồng Kông…

            Phân đoạn thị trường

            Thị trường đồ chơi và trò chơi ở Canada được phân đoạn theo lứa tuổi và giới. Các nhà sản xuất hàng đầu cho rằng sự phổ biến của trò chơi điện tử sẽ càng thu hút trẻ em. Một thách thức khác là sự thu nhỏ các giới hạn lứa tuổi. Dân số trong độ tuổi từ 0 - 14 dự kiến sẽ giảm 5,57 triệu người trong năm 2008 xuống còn 5,51 triệu người trong năm 2013, mặc dù số dân từ 0 - 6 tuổi dự kiến sẽ tăng và giúp đẩy cao doanh số các đồ chơi cho trẻ sơ sinh và trẻ mẫu giáo. Các sản phẩm đắt tiền có thể sẽ bù vào phần thâm hụt trong tổng doanh số.

            Do số lượng người già là phụ huynh của các bà mẹ trẻ tăng, nhóm khách hàng này sẽ chiếm thị phần lớn hơn trong thị trường đồ chơi và trò chơi. Nhóm dân số này sẽ giữ vai trò quan trọng cho các nhà sản xuất đồ chơi, nhà phân phối khi nhóm tiêu dùng này có thể mua những sản phẩm có giá trị lớn như bộ đồ chơi ngoài trời, xe máy và đồ chơi điện tử.

            Xu hướng tiêu thụ

            Nhu cầu tiêu thụ khá mạnh của trò chơi video dự kiến sẽ tiếp tục vào năm 2009 khi Ngân hàng trung ương Canada dự đoán với các dự án khả quan sẽ tạo cho nền kinh tế trong nước tăng 2,4% trong năm 2009.

            Một xu hướng chính trong năm 2007 và tiếp tục diễn ra trong năm 2008 là xu hướng sử dụng đồ chơi "xanh". Xu hướng này là sự phản ứng lại kết quả của hoạt động thu hồi các sản phẩm độc hại mang nhãn hiệu Trung Quốc, cũng như sự ý thức của người tiêu dùng Canada. Các bậc phụ huynh tại Canada ngày càng quan tâm đến tình hình trái đất nóng lên và tầm quan trọng của việc bảo tồn năng lượng nên họ rất ý thức khi mua những loại đồ chơi mà ảnh hưởng đến môi trường. Họ có thể lựa chọn những sản phẩm tái chế từ gỗ, tre, sợi hữu cơ, thuốc nhuộm tự nhiên và những loại vật liệu không độc hại. Thêm vào đó nhựa tổng hợp đang là xu hướng chủ đạo trong sản xuất và sẽ cho người tiêu dùng thêm nhiều lựa chọn hơn về đồ chơi "xanh".

            Trên thị trường Canada, một vài nhà bán lẻ đồ chơi như Toys T Us đã bán các loại đồ chơi thân thiện với môi trường nằm trong chương trình "Good Green Fun" của công ty, hy vọng các nhà bán lẻ và các cửa hàng lân cận cũng sẽ hưởng ứng theo chương trình này. Trên thực tế xu hướng "xanh" đang đưa ra cơ hội cho các nhà bán lẻ độc lập có nhiều sản phẩm lựa chọn đặc biệt hơn.

            Hệ thống phân phối

            Hệ thống phân phối bán buôn

            Đồ chơi và trò chơi ở Canada được phân phối bán buôn từ các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và các nhà bán buôn. Nhiều nhà phân phối vừa thực hiện chức năng bán buôn vừa trực tiếp bán lẻ tới người tiêu dùng cuối cùng.

            Hệ thống phân phối bán lẻ

            Từ khi thâm nhập thị trường Canada năm 1994, Wal-Mart tiếp tục chiếm ảnh hưởng lớn trên thị trường đồ chơi và trò chơi trong nước. Các cửa hàng cũ như Eaton và nhiều cửa hàng bán lẻ khác đã trở thành nơi tiêu thụ những sản phẩm giảm giá của Wal-Mart. Đến năm 2007, Wal-Mart Canada đã trở thành nhà phân phối đồ chơi lớn nhất nước, với doanh số bán lẻ các đồ chơi truyền thống khoảng 31%. Vị trí thống lĩnh của Wal-Mart Canada đã giúp các nhà bán lẻ tổng hợp tăng tỷ lệ doanh số từ 44,5% năm 1998 lên 53,3% năm 2008. Một kiểu bán lẻ phi truyền thống khác, ví dụ như London Drugs và Canadian Tire cũng đang mở rộng các sản phẩm, đặc biệt là trong giai đoạn Giáng sinh để thu hút các đối tượng khách hàng dừng là mua.

            Nhập khẩu

            Để phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước, hàng năm Canada nhập khẩu khá nhiều loại đồ chơi và trò chơi từ Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Mexico, Thái Lan, Đức, Áo, Italy, Hồng Kông… Trong đó kim ngạch nhập khẩu các loại đồ chơi xếp hình đố chữ, đồ chơi bằng điện năm 2008 đạt 1,2 tỷ USD; các thiết bị và vật dụng dành để rèn luyện trí óc, cơ thể hoặc các trò chơi thể thao ngoài trời là 1,155 tỷ USD; các sản phẩm bàn chơi, các máy chơi, các bàn đánh ki tự động là 1 tỷ USD; sàn quy tròn có mô hình ngựa, xe gỗ cho trẻ con chơi, các phòng bắn súng, các khu vui chơi trong các hội chợ như nhà hát… là 30 triệu USD.

            Với sự gia tăng số lượng trẻ sinh hàng năm, các chỉ số kinh tế vĩ mô khả quan, số lượng người già khỏa mạnh là phụ huynh của các bà mẹ trẻ tăng, và sự phổ biến các đồ chơi điện tử giá cao đều có thể khiến doanh số các đồ chơi và game truyền thống tăng doanh số. Bên cạnh đó, Chính phủ Canada ngày càng kiểm soát ngặt nghèo đối với các đồ chơi Trung Quốc, những lo ngại cạnh tranh có thể sẽ giảm bớt trong năm 2009, đây sẽ là những điều kiện thuận lợi cho các nước đang phát triển xuất khẩu nhóm sản phẩm này sang Canada.

            Đồ chơi xuất xứ Việt Nam là một trong những mặt hàng có triển vọng kinh doanh tốt tại thị trường Canada. Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này từ Việt Nam sang Canada luôn có xu hướng tăng do người tiêu dùng Canada đã nhận thấy nhiều mặt hàng đồ chơi giá rẻ của Trung Quốc có chất lượng rất thấp. Vì vậy, một số nhà phân phối đã chuyển sang tìm sản phẩm thay thế có chất lượng tốt hơn ở các thị trường khác. Đây là cơ hội cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, đồ chơi của Việt Nam vẫn bị bạn hàng đánh giá là có giá thành cao trong khi mẫu mã không phong phú, chủ yếu vẫn sản xuất theo mẫu do phía Canada cung cấp. Tỷ trọng xuất khẩu đồ chơi của Việt Nam sang Canada mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu đồ chơi của nước này.