TÓM TẮT:
Trải qua nhiều năm nỗ lực tìm kiếm thị trường, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, sản phẩm của Vinamilk đã được xuất khẩu đến 43 nước trên thế giới, với hàng loạt sản phẩm đa dạng, như: sữa bột, bột dinh dưỡng, sữa đặc, sữa nước, sữa đậu nành, yogurt, nước trái cây, kem… Bài viết sẽ làm rõ về thực trạng tham gia hoạt động kinh doanh quốc tế của Vinamilk.
Từ khóa: Vinamilk, kinh doanh sữa, thị phần, kinh doanh quốc tế.
I. Giới thiệu về công ty Vinamilk
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là một công ty sản xuất, kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa, cũng như thiết bị máy móc liên quan tại Việt Nam. Công ty là doanh nghiệp hàng đầu của ngành công nghiệp chế biến sữa, hiện chiếm lĩnh 54,5% thị phần sữa nước, 40,6% thị phần sữa bột, 33,9% thị phần sữa chua uống, 84,5% thị phần sữa chua ăn và 79,7% thị phần sữa đặc trên toàn quốc.
Vinamilk luôn mong muốn trở thành biểu tượng niềm tin hàng đầu Việt Nam về sản phẩm dinh dưỡng và sức khỏe phục vụ cuộc sống con người và hơn thế nữa là vươn ra thế giới, lọt top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới, với mục tiêu trong giai đoạn 2012 - 2017 đạt mức doanh số 3 tỷ USD. Trước ý định tham gia vào thị trường quốc tế, Vinamilk luôn phải cân nhắc giữa nhiều yếu tố sau:

II. Con đường kinh doanh quốc tế của Vinamilk
Có thể thấy, cửa ngõ tham gia kinh doanh quốc tế đầu tiên của Vinamilk chính là thị trường Trung Đông. Năm 1998, Vinamilk bắt đầu xuất khẩu những sản phẩm sữa bột đầu tiên vào khu vực Trung Đông, với thị trường chủ yếu là Iraq theo chương trình đổi dầu lấy lương thực của Liên Hợp Quốc. Đây là dấu mốc đánh dấu hoạt động đầu tiên trên thị trường thế giới của công ty. Từ đó đến nay, trải qua nhiều năm nỗ lực tìm kiếm thị trường, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hiện sản phẩm của Vinamilk đã được xuất khẩu đến 43 nước trên thế giới với hàng loạt sản phẩm đa dạng, như: sữa bột, bột dinh dưỡng, sữa đặc, sữa nước, sữa đậu nành, yogurt, nước trái cây, kem… Các sản phẩm của Vinamilk hiện có mặt tại hàng loạt các quốc gia, như: Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Canada, Mỹ, Australia... Ngoài ra, Công ty đang tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường sang châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ.
Trong khoảng thời gian gần 20 năm gia nhập thị trường quốc tế đó, đã có những dấu mốc quan trọng quyết định tới những thành công của Vinamilk như hiện nay.
- Năm 2010, sau khi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép đầu tư ra nước ngoài, Vinamilk đã mua 19,3% cổ phần của Công ty Miraka Limited tại New Zealand. Đây có thể nói là dự án đầu tư nhà máy đầu tiên của Vinamilk ở thị trường thế giới.
- Tháng 5/2013, HĐQT Vinamilk tiến hành lựa chọn đại diện thương mại của Vinamilk tại thị trường Hoa Kỳ. Ngày 18/6/2013, HĐQT Vinamilk đã phê chuẩn tăng vốn đầu tư vào Công ty Miraka, đồng thời phê chuẩn đầu tư vào Công ty Sữa Driftwood sau khi Vinamilk được FDA (Cục Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ) cấp số đăng kí được xuất hàng vào Mỹ. Đến tháng 5/2016, VNM đã tăng vốn đầu tư, mua trọn 100% cổ phần của Công ty Driftwood.
- Ngày 25/5/2016, Vinamilk đã khánh thành Nhà máy sữa Angkor tại Phnompenh, Vương quốc Campuchia sau 10 năm thâm nhập và tìm hiểu thị trường này. Đến tháng 3/2017, VNM đã sở hữu 100% nhà máy sữa này. Liên tục trong cuối tháng 5/2016, Vinamilk đã tổ chức nhiều sự kiện tại Myanmar, Campuchia, Thái Lan... đánh dấu sự mở rộng đầu tư, mở rộng thị phần của Vinamilk tại nước ngoài, đặc biệt trong khu vực Asean.
- Ngày 12/5/2017 tại Bắc Kinh, Vinamilk đã đạt được bản ghi nhớ hợp tác cung cấp sản phẩm sữa của Vinamilk vào thị trường Trung Quốc - 1 thị trường rất lớn và tiềm năng với dân số cao nhất thế giới, tổng giá trị thị trường sữa lên đến khoảng 30 tỉ USD/năm.
Có thể thấy, thị trường tiêu thụ rộng lớn và sức hấp dẫn từ thương hiệu quốc tế là mục tiêu hướng đến của Vinamilk. Điều này được minh chứng rõ ràng qua:
1. Ý tưởng từ những ngày đầu
Ngay từ những ngày đầu tham gia kinh doanh quốc tế với thị trường Iraq năm 1998, Vinamilk đã xác lập chiến lược mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của mình ra nước ngoài, trước mắt là thị trường Trung Đông - một thị trường tiềm năng, đông dân và chưa có sự bão hòa về nhu cầu sữa. Nhờ đó, cho đến nay thị phần xuất khẩu của Vinamilk đã phát triển từ Irag sang toàn khu vực Trung Đông, khi doanh thu khu vực này chiếm tỷ lệ lớn trong doanh thu xuất khẩu nói riêng, cũng như doanh thu chung của Vinamilk. Giai đoạn 2010-2015, doanh số của Vinamilk ở thị trường Trung Đông tăng trưởng khoảng 38%. Trong những năm gần đây, cũng liên tục gia tăng xâm nhập thị trường này, khi tích cực tham gia các Hội chợ giới thiệu sản phẩm, các Trung tâm thương mại thế giới được tổ chức ở các quốc gia khu vực Trung Đông. Mới đây, vào đầu năm ngoái, Vinamilk đã ký hợp đồng xuất khẩu các sản phẩm sữa bột cho trẻ em trị giá 12,5 triệu USD sang thị trường Trung Đông ngay trong ngày đầu tiên Hội chợ Gulfood 2016 diễn ra tại Trung tâm Thương mại thế giới Dubai. Chính những hoạt động này sẽ tạo tiền đề vững chắc cho mục tiêu tăng trưởng 10% mỗi năm của Vinamilk tại thị trường này.
2. Ý tưởng lan rộng và mục tiêu thương hiệu toàn cầu
* Thị trường Campuchia và Đông Nam Á
Tại thời điểm Vinamilk xây dựng Nhà máy sữa Angkor tại Campuchia - Nhà máy sữa đầu tiên và duy nhất ở Campuchia, Vinamilk đã có hơn 10 năm tìm hiểu và thâm nhập thị trường Campuchia, với mục tiêu biến nước này trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Công ty. Campuchia là thị trường vô cùng tiềm năng khi được coi là một "con hổ kinh tế" mới ở châu Á, tăng trưởng kinh tế những năm gần đây liên tục đạt trên 7%/năm, đời sống người dân ngày càng được cải thiện đã nảy sinh nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng con người, trong đó có nhu cầu rất cao về sử dụng sữa. Tuy vậy, trái ngược với nhu cầu tiêu thụ đang tăng cao, ngành công nghiệp chế biến sữa nước này lại chưa phát triển. Ở thời điểm năm 2016, mức tiêu thụ sữa trên đầu người ở Campuchia là 5 kg chỉ bằng 1/3 so với tại Việt Nam và do chưa có nhà máy sản xuất nên 100% lượng sữa tiêu thụ nội địa là nhập khẩu. Chính vì nắm bắt được tiềm năng đó, cộng thêm được sự ủng hộ của hai Chính phủ Việt Nam và Campuchia, Vinamilk đã cùng với công ty BPC của Campuchia liên doanh thành lập Công ty TNHH Sữa Angkor (BPC nắm giữ 49%, Vinamilk nắm giữ 51% cổ phần). Đến đầu năm 2017, Vinamilk đã tiếp tục rót thêm 11 triệu USD để nắm giữ toàn bộ nhà máy này. Những bước đi đó đã cho thấy sức hút to lớn của thị trường Campuchia đối với Vinamilk, đồng thời, Angkor được kỳ vọng là hình mẫu để Vinamilk mở rộng sang các thị trường khác trong khu vực như Myanmar.
* Thị trường Mỹ và châu Âu
Trước đó, năm 2013, Vinamilk cũng đã đầu tư nắm giữ 70% cổ phần Nhà máy Driftwood Dairy Holding Corporation (California, Hoa Kỳ) - một trong những nhà sản xuất sữa lâu đời và dẫn đầu thị trường ở Bắc California. Đến năm 2016, Vinamilk đã thâu tóm toàn bộ cổ phần nhà máy này. Năm 2015, tổng doanh thu của Driftwood đạt 119 triệu USD, tương đương hơn 2.600 tỷ đồng, đóng góp khoảng 6,5% doanh thu hợp nhất của VNM. Bên cạnh đó, Vinamilk cũng đã mở một công ty con tại Ba Lan với hy vọng sẽ là cầu nối để công ty tiến tới thị trường châu Âu.
Như vậy, dù đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường sữa Việt Nam, nhưng Vinamilk chưa thỏa mãn mà đang có chiến lược đưa thương hiệu vươn xa ra khỏi tầm quốc gia, với tầm nhìn trở thành một biểu tượng thế giới trong ngành Thực phẩm. Mục tiêu của Công ty là đạt lợi nhuận 3 tỷ đô la tương đương với 66 nghìn tỷ Việt Nam đồng trong khoảng từ năm 2012 đến 2017 và trở thành một trong 50 tập đoàn các sản phẩm về sữa lớn nhất thế giới. Việc tham gia kinh doanh quốc tế sẽ giúp Vinamilk nhanh chóng thực hiện mục tiêu của mình.
III. Giải pháp tận dụng cơ hội giúp Vinamilk đạt được mục tiêu đặt ra
1. Sử dụng nguồn nguyên - vật liệu các nước
Trong quá trình sản xuất, Vinamilk cần phải nhập khẩu các nguyên liệu thô và vật liệu từ ngoài Việt Nam bởi vì nguồn cung ở trong nước là có hạn. Bằng việc nhập khẩu tài nguyên, Vinamilk có thể tận dụng được lợi thế tuyệt đối ở Việt Nam. Theo Tạp chí Bloomberg, 60- 70% nguyên liệu của Vinamilk được nhập khẩu từ New Zealand. Trong năm 2015, chi phí nguyên liệu thô của Vinamilk chiếm đến 89% chi phí sản xuất (tương đương với 282 nghìn tỷ VND) so với 182 nghìn tỷ VND trong năm 2014. Từ năm 2012 đến nay, doanh nghiệp có gần 30 chuyến nhập bò với chi phí hàng tỷ đồng để đưa hơn 8.000 con bò sữa Australia, New Zealand, Mỹ về Việt Nam.
Ngoài ra, việc đặt các nhà máy sản xuất ở nước ngoài giúp Vinamilk tận dụng được nguồn sẵn có từ các nông trại chất lượng. Năm 2010, sau khi được cấp phép đầu tư ra nước ngoài, Vinamilk đã mua cổ phần của Công ty Miraka Limited tại New Zealand - nơi có vùng nguyên liệu chất lượng cao nổi danh toàn cầu. Nhờ Công ty Miraka ở New Zealand, Vinamilk đã có được nguồn sữa tươi từ nông trại ở Taupo và sản xuất sữa chất lượng cao có thể bán trên thị trường toàn cầu.
Có thể thấy rõ ràng Vinamilk có xu hướng ngày càng nhập khẩu nhiều hơn từ thị trường quốc tế do nhu cầu nội địa ngày càng tăng cao và Công ty đã trải qua việc thiếu nguyên liệu thô. Nhờ quá trình này, Vinamilk có thể giảm thiểu chi phí sản xuất đến mức tối thiểu, thấp hơn so với mặt bằng chung ở Việt Nam mà vẫn đảm bảo được chất lượng tốt.
2. Nâng cao trình độ công nghệ kĩ thuật
Là một nước đang phát triển, Việt Nam cần phải phụ thuộc khá nhiều vào công nghệ nước ngoài trong việc mở rộng và phát triển nền công nghiệp công nghệ toàn cầu, đã giúp công nghiệp sản xuất của các công ty Việt Nam hiệu quả hơn. Vinamilk cũng tích cực áp dụng những công nghệ mới nhất trong quá trình sản xuất của nó. Theo giám đốc GEA, “nhà máy sản xuất sữa của Vinamilk được cho là có dây chuyền công nghệ hiện đại và quy mô lớn nhất trên thế giới”. Hiện nay, tất cả máy móc của nhà máy đều được cung cấp bởi tổ chức GEA/NIRO và các công ty hàng đầu khác trong khối G7 như EU Đức, Mỹ, Nhật Bản. Giám đốc của Vinamilk, bà Mai Kiều Liên chỉ ra rằng ở cải tiến công nghệ không chỉ giúp Công ty đảm bảo sản lượng đầu ra của sản phẩm, mà còn cung cấp những sản phẩm có chất lượng tuyệt vời được sản xuất bởi công nghệ tiên tiến nhất.
IV. Kết luận
Trải qua hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, cùng gần 20 năm tham gia kinh doanh quốc tế, cho đến nay, Vinamilk đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành Sữa tại Việt Nam và đang vươn mình mạnh mẽ ra quốc tế. Nhờ những bước đi táo bạo nhưng đầy tính toán, từ hoạt động mở rộng giao thương buôn bán, xuất nhập khẩu tới đẩy mạnh đầu tư vào một loạt nhà máy, công ty con tại các nước, Vinamilk đã tái khẳng định được thương hiệu của mình trên trường quốc tế và đang dần thực hiện hóa được mục tiêu Top 50 công ty sữa hàng đầu ■
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. PGS. TS. Tạ Lợi và PGS. TS Nguyễn Thị Hường (2016), Giáo trình Kinh doanh quốc tế, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân.
2. PGS. TS. Nguyễn Thị Ngọc Huyền, PGS. TS. Đoàn Thị Thu Hà và TS. Đỗ Thị Hải Hà (2012), Giáo trình Quản lý học, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân.
3. Tổ chức nghiên cứu thị trường Việt Nam (Euromonitor), Báo cáo ngành Sữa năm 2013.
4. Bộ Công Thương (2010), Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp Sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2025.
5. Báo điện tử CafeBiz: http://cafebiz.vn/
ACTUAL ACTIVITIES OF INTERNATIONAL
BUSINESS ACTIVITIES OF VINAMILK
● MA. HOANG HIEU THAO
Department management - University of Economic and Technical Industries
ABSTRACT:
Over the years, Vinamilk has made a lot of efforts to find markets and participate in trade promotion activities. Vinamilk's products have been exported to 43 countries around the world with a wide range of products such as powdered milk, milk powder, soy milk, yogurt, fruit juice, icecream, etc.The article clarifies the status of international business activities of Vinamilk.
Keywords: Vinamilk, dairy business, market share, international business.