TÓM TẮT:
Trong vòng nửa thế kỉ qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu và đặc biệt là các hoạt động của con người, nước biển đã lấn sâu vào đồng bằng sông Cửu Long nhanh hơn, với tần suất cao hơn.
Bài báo này lược khảo kết quả các nghiên cứu đã có liên quan đến biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long, phỏng đoán các nguy cơ, phân tích tính tổn thương cho hệ sinh thái và hoạt động sản xuất nông nghiệp, dân sinh đặc biệt là phát triển kinh tế của vùng. Đây là cơ sở khoa học cho các nhà hoạch định chiến lược ở tầm vĩ mô có những chính sách hợp lý cần triển khai áp dụng kịp thời để hạn chế các thiệt hại cho cư dân cả nước nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Từ khóa: Biến đổi khí hậu, hệ sinh thái, nông thôn, đồng bằng sông Cửu Long.
1. Thực trạng biến đổi khí hậu tại ĐBSCL và tác động của nó lên hệ sinh thái và tình hình phát triển kinh tế vùng
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng hạ lưu cuối cùng của lưu vực sông Mekong trước khi đổ ra Biển Đông, được xem là vùng đất ngập nước lớn nhất Việt Nam. Thống kê năm 1998, đồng bằng có khoảng 280.000 đất rừng (Nhân, 1997), bao gồm cả rừng ngập mặn ven biển và hệ rừng tràm nội địa. Tính đa dạng sinh học ở vùng ĐBSCL rất cao, phong phú cả về lượng và loài thực và động vật. Hệ sinh thái vùng ĐBSCL được đánh giá là nhạy cảm với các biến động thời tiết và động thái, cũng như chất lượng nguồn nước. Đây cũng là vùng có tới hơn 2,4 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và 700.000 ha nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thống kê, 2006), bảo đảm cung cấp trên 50% sản lượng lúa và 65% sản lượng thủy sản nước ngọt và nước lợ cho cả nước. Trong vòng 10 năm, từ năm 1995 - 2005, vùng đồng bằng đóng góp 27% tổng sản phẩm quốc nội. Đồng bằng sông Cửu Long là nơi cư trú của trên 18 triệu người dân, hầu hết sống tập trung dọc theo hai bên bờ sông rạch và kênh mương. Mức gia tăng dân số ước tính 2,3%, cả tự nhiên lẫn tăng cơ học. Trên 70% dân số sống ở vùng nông thôn và ven đô, sinh kế của họ phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến của thời tiết và nguồn nước tự nhiên.
Hình 1: Bản đồ xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2016

* Biến đổi nền nhiệt độ và xâm nhập mặn tại ĐBSCL:
Theo báo cáo đánh giá lần thứ 4 (FAR) của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thì trong suốt 100 năm trở lại đây (1906-2005), nhiệt độ bề mặt trái đất chỉ tăng có 0.74 độ C, vậy mà chỉ trong 5 thập kỷ gần đây từ (1956 - 2025) nhiệt độ đã tăng lên 0,64 độ C. Mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng với tỷ lệ trung bình 1,8mm/năm trong thời kỳ 1961 - 2003 và tăng nhanh hơn với tỷ lệ 3,1mm/năm trong thời kỳ 1993 - 2003. Tổng cộng, mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng lên 0,31m trong 100 năm gần đây.
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực hiện nay đang bị ảnh hưởng nặng nhất của hạn hán, xâm nhập mặn và còn tiếp tục bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Nếu tốc độ xâm nhập mặn vẫn tiếp diễn như hiện nay, trong 3 năm tới, nền nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ bị kiệt quệ; đất nông nghiệp, lương thực trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn. Riêng trong năm 2017, nếu tính đến trung tuần tháng 3, toàn bộ 13/13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã bị nước mặn xâm nhập, trong đó có nhiều tỉnh bị mặn xâm nhập nặng nề như Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang... Riêng tại tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh chỉ còn 4 xã tại địa bàn huyện Chợ Lách là chưa bị nước mặn xâm nhập.
Mức độ xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào sâu khu vực nội đồng dao động ở mức 40-60 km, với tỉ lệ độ mặn từ 1-3 phần nghìn, có nơi lên đến 5-6 phần nghìn và dự báo sẽ còn tăng cao, kéo dài cho đến tháng 5 hàng năm.
* Tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến các hệ sinh thái tự nhiên
BĐKH tác động đến hệ sinh thái (HST) trước hết là sẽ trực tiếp tác động đến các yếu tố sinh thái làm thay đổi chúng, phá vỡ sự cân bằng vốn là đặc điểm đặc thù của hệ sinh thái. Với điều kiện của ĐBSCL (là đồng bằng châu thổ thấp) các yếu tố sinh thái nhạy cảm nhất, bị ảnh hưởng nhiều nhất là đất, nước và các hệ sinh tái tự nhiên khác như rừng ngập mặn, đầm lầy, rạn san hô…
+ HST biển: Các rạn san hô là hệ rừng nhiệt đới của biển, nơi sinh sống của nhiều loài hải sản quan trọng và nhiều loài sinh vật biển khác, là lá chắn chống xói mòn bờ biển và bảo vệ rừng ngập mặn, sẽ bị suy thoái do nhiệt độ nước biển tăng, đồng thời mưa nhiều làm cho nước ven biển bị ô nhiễm phù sa và có thể cả các hóa chất nông nghiệp từ cửa sông đổ ra.
+ HST rừng ngập mặn: Các vùng đất ngập nước là môi trường sinh sống của nhiều loại cây, nhiều loài chim và động vật. Các cây và động vật này lại rất cần cho sự tồn tại của nhiều loài cá. Nước biển dâng và nhiệt độ thay đổi có ảnh hưởng lớn đến các loài cá và các sinh vật khác sống trong biển. Nhiệt độ tăng, thủy triều thay đổi tác động mạnh vào hệ thống sinh thái rừng ngập mặn ven biển. Không phải tất cả các chủng loại của hệ sinh thái đều thành công trong việc tự điều chỉnh để thích ứng với những biến động của môi trường sống, vì thế thành phần chủng loại của hệ thay đổi.
Một nghiên cứu cho biết, nếu nước biển dâng cao thêm 1m, 5.000 km2 đất ở đồng bằng sông Hồng và khoảng 15.000-20.000 km2 đất ở đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ngập. Nước biển dâng cao cũng sẽ gây ra tình trạng xói lở bờ biển ở nhiều vùng ven bờ. Đường bờ biển được ổn định từ lâu nhờ các cấu trúc địa hình như đá cát hoặc các hệ sinh thái như rừng ngập mặn. Nước biển dâng sẽ làm cho quá trình xói lở tăng lên. Tuy nhiên, rất khó dự đoán cụ thể vì quá trình xói lở còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như nước dâng, dòng chảy...
Ngoài những tác động trên, nước biển dâng làm cho nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa dẫn đến nước ở nhiều sông, hồ và cả nước ngầm cũng bị mặn, hay còn gọi là hóa mặn.
Hiện tượng mặn hóa phát triển nhanh này là do hai yếu tố kết hợp: Nước biển dâng cao hơn và mực nước sông Cửu Long hạ xuống thấp. Vùng đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nhiều mối đe dọa như diện tích đất trồng trọt bị thu hẹp, an toàn lương thực bị đe dọa, hệ sinh thái bị hủy hoại, một số loài động thực vật có thể bị biến mất, tỷ lệ người đói nghèo gia tăng, không kiểm soát được luồng di dân, nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá, một số bệnh dịch có nguy cơ tái xuất hiện. Theo các kịch bản được Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam công bố, nếu mực nước biển dâng cao thêm 65cm, thì hơn 6% diện tích thành phố Hồ Chí Minh bị ngập lụt. Nếu mực nước biển dâng cao thêm 1 m, khoảng 500 km2 của thành phố sẽ nhấn chìm dưới nước biển. Hàng loạt địa phương bị chìm trong nước. Cụ thể, Bến Tre, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long… mất từ 40%-50% diện tích.
* Tác động của BĐKH đến nông nghiệp và phát triển kinh tế vùng
Ngoài tác động trên, tác động lớn nhất của nước biển dâng đến nông nghiệp vùng ven biển là sự mất đất trồng do đất bị ngập nước như đã nói ở trên, một tác động khác có ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp và các hoạt động khác là các vấn đề như bồi lắng, xói mòn và xâm nhập mặn. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khi đưa ra kịch bản biến đổi khí hậu tại ĐBSCL: Nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 70% diện tích đất ở ĐBSCL bị xâm nhập mặn, mất khoảng hai triệu ha đất trồng lúa. Nhiều địa phương sẽ bị chìm trong nước. Do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, từ cuối năm 2015 đến nay, nhiều diện tích cây trồng đã bị ảnh hưởng. Ví dụ: Vụ Đông Xuân 2015 - 2016, có 104.000 ha lúa bị ảnh hưởng nặng đến năng suất (chiếm 11% diện tích gieo trồng 8 tỉnh ven biển đang bị ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn). Dự kiến, trong thời gian tới, diện tích bị ảnh hưởng khoảng 340.000 ha (chiếm 35,5% diện tích 8 tỉnh ven biển).
Hàng năm, mặn thường xuất hiện trên vùng các cửa sông ĐBSCL từ khoảng tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau, với đỉnh điểm là cuối tháng 4 và đầu tháng 5. Ranh giới xâm nhập mặn cao nhất trung bình nhiều năm (ở mức 4 g/l) các sông ở ĐBSCL như trên:
Hình 2: Diện tích lúa các tỉnh vùng ĐBSCL bị thiệt hại do xâm nhập mặn

Do ảnh hưởng của BĐKH, sự thay đổi lượng mưa, nước biển dâng và gia tăng nhiệt độ tại khu vực ĐBSCL sẽ làm tăng khả năng bốc hơi, giảm lượng nước ngầm tầng nông, tăng độ mặn của nước ngầm tầng nông, gây tăng nồng độ và các chỉ tiêu ô nhiễm nguồn nước, điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới người dân khi nguồn nước sử dụng của họ bị đe dọa và hóa mặn.

Ngoài những ảnh hưởng của BĐKH đến nông nghiệp đã được trình bày ở trên, BĐKH có ảnh hưởng quan trọng đến thời vụ, tốc độ sinh trưởng, phát triển của cây trồng là chế độ nhiệt, mưa, ẩm. Những thiên tai khí tượng như bão, lốc tố, mưa lớn gây ngập úng, hạn hán... tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, song lại có thể gây thảm họa đối với không chỉ sinh trưởng, năng suất cây trồng, mà cả sản phẩm sau thu hoạch.
2. Các khuyến cáo và đề xuất nghiên cứu
Hiện tượng biến đổi khí hậu - nước biển dâng đã được nhiều nhà khoa học xác nhận, mặc dầu các phân tích số liệu vẫn liên tục tiếp tục cập nhật, thì không thể phủ nhận vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất trong khu vực Đông Nam Á cả về mặt sinh thái, hệ canh tác và cơ cấu kinh tế - xã hội
BĐKH tuy không gây ra những thay đổi tức thì, song sự nóng lên toàn cầu dẫn đến những biến đổi của khí hậu, thời tiết, làm thay đổi cấu trúc mùa như rút ngắn, thậm chí mất mùa lạnh, kéo dài hay rút ngắn mùa mưa, tăng thêm tính biến động, mức độ phân hóa. BĐKH có thể tác động không giống nhau đến các đối tượng, những giai đoạn khác nhau trong nông nghiệp như thời vụ, quy hoạch vùng, kỹ thuật tưới tiêu, sâu bệnh, năng suất - sản lượng.
Các kịch bản của BĐKH cho thấy, nông nghiệp, nông thôn là khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi tình trạng mất đất ở, bị thu hẹp đất sản xuất dẫn tới nguy cơ mất an ninh lương thực. Trên cơ sở Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, cần tập trung tuyên truyền để nhân dân chủ động ứng phó, bảo đảm cho nông nghiệp phát triển bền vững. Quan trọng hơn là rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bố trí cây trồng hợp lý, nhất là ở những nơi dễ bị tổn thương do BĐKH.
Chính phủ Việt Nam đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia để thích ứng với BĐKH. Bên cạnh trách nhiệm và hành động của các nhà quản lý, các nhà khoa học, và từng người dân cũng cần có ý thức và hành động thiết thực để góp phần giảm nhẹ tác động của BĐKH. Việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với ổn định sản xuất, bảo vệ môi trường, trước hết trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, giao thông, công nghiệp, đô thị; Phải phân lại vùng thủy văn – thủy lực nhằm duy trì sản xuất, đời sống bền vững; Nghiên cứu, sản xuất, nhân rộng các giống cây - con chịu mặn; Đồng thời tăng cường truyền thông và nâng cao năng lực quản lý môi trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Lê Huy Bá (chủ biên), Nguyễn Thi Phú, Nguyễn Đức An (2003), Môi trường khí hậu biến đổi, Mối hiểm họa toàn cầu, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường, (2009), Kịch bản Biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam.
3. Phan Nguyên Hồng (1991), Sinh thái thảm thực vật rừng ngập mặnViệt Nam, Luận án tiến sĩ.
4. Nguyễn Kim Hồng, Nguyễn Thị Bé Ba, (2014) Đồng bằng sông Cửu Long biến đổi khí hậu và an ninh lương thực, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
5. Lê Anh Tuấn (2008), “Ứng phó với biến đổi khí hậu và biển dâng ở đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung. Một số nhiệm vụ cần triển khai”, Tạp chí Tia sáng, 14/7/2008, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên - Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Đại học Cần Thơ.
6. Võ Quý (2008), “Biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học”, Hội thảo Biến đổi khí hậu toàn cầu và Biến đổi khí hậu của Việt Nam, Hội thảo Biến đổi khí hậu toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam, Hà Nội.
THE CURRENT SITUATION AND IMPACTS
OF CLIMATE CHANGE ON THE ECONOMIC GROWTH
OF THE MEKONG DELTA
Master. NGUYEN QUYNH HOA
Faculty of Human Resources Economics and Management
National Economics University
ABSTRACT:
Under the impact of climate change and human activities in over 50 years, the salwater intrusion in the Mekong Delta has seriously worsened. This article summarizes results of studies on impacts of climate change on the Mekong Delta including risk estimations, ecological, agricultural and residential vulnerabilities analysis, particularly economic vulnerabilities towards the growth of the Mekong Delta. This information would support macro policy makers to issue pragmatic policies to minimize impacts of climate changes on the Mekong Delta in particular and on Vietnam in general.
Keywords: Climate change, ecosystem, rural areas, Mekong Delta.
Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây