Hàng giầy dép xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU là một trong những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường này. Trong nhiều năm qua, mặt hàng giầy dép xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tăng nhanh cả về số lượng và kim ngạch xuất khẩu, góp phần quan trọng làm tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU nói riêng và thị trường thế giới nói chung. Tuy nhiên, ngày 30 tháng 8 năm 2006, Uỷ ban châu Âu một lần nữa đưa ra đề xuất áp thuế chống bán phá giá đối với giầy da nhập khẩu từ Việt Nam là 10% dành cho các loại giầy da, kể cả giầy trẻ em nhưng trừ giầy thể thao. Các quốc gia thành viên sẽ có một tháng để xem xét đề xuất trên và nếu được thông qua thì mức thuế này sẽ áp dụng kéo dài trong 5 năm tới, đến năm 2011. Hiện tại, EU đang tạm thời áp dụng mức thuế chống bán phá giá đối với giầy da của Việt Nam sản xuất là 16,8% và mức thuế tạm thời này sẽ chấm dứt ngày 6 tháng 10 năm 2006.

Việc áp dụng thuế chống bán phá giá là một rào cản thương mại được áp dụng ngày càng phổ biến trên thị trường quốc tế. Rào cản này được các quốc gia phát triển sử dụng chủ yếu nhằm hạn chế lượng hàng xuất khẩu từ các quốc gia đang phát triển có lợi thế so sánh về chi phí nhân công và nhiều nguồn lực đầu vào khác thấp. Điều này không tránh khỏi đối với Việt Nam, một quốc gia chưa được EU công nhận là có nền kinh tế thị trường. Đứng trước thách thức đó, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh giầy da Việt Nam cần xem đây là một thách thức tất yếu và khách quan khi thực hiện hội nhập với nền kinh tế quốc tế, giữa một quốc gia đang phát triển và chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường với các quốc gia phát triển.

Người phát ngôn về thương mại của EU Peter Power, khi đề cập tới việc áp thuế chống bán phá giá đối với hàng giầy da nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam cho rằng, ‘’Việc áp thuế chống bán phá giá là rất phức tạp và mang tính nhậy cảm cao, nó tác động nhiều tới lợi ích kinh tế của EU và các quốc gia thành viên’’. Trong khi EU luôn khuyến khích các quốc gia trên thế giới thúc đẩy tự do thương mại, bình đẳng trong cạnh tranh, dỡ bỏ các rào cản thương mại và phi thương mại thì chính EU lại đang đưa ra biện pháp áp thuế chống bán phá giá đối với Việt Nam. Còn vấn đề nhậy cảm là, để bảo vệ một nhóm nhỏ các nhà sản xuất không có lợi thế so sánh trong sản xuất giầy da, bao gồm một số nhà sản xuất của Pháp, ý, Tây Ban Nha, với tổng số hơn 40.000 lao động, EU đã phải dùng đến biện pháp áp thuế chống bán phá giá đối với giầy da nhập khẩu từ Việt Nam nhằm bỏ qua việc gần một triệu lao động của Việt Nam trong các nhà máy sản xuất giầy dép có thể bị mất việc làm.

Cùng với đánh giá của Uỷ ban châu Âu, năm 2005, nhu cầu nhập khẩu giầy của thị trường EU là 2,5 tỷ đôi, trong đó giầy da chiếm 35%. Lượng giầy da được nhập khẩu từ Trung Quốc là 1,25 tỷ đôi, chiếm 50% tổng nhu cầu nhập khẩu của thị trường EU. Lượng giầy da nhập khẩu từ Việt Nam là 269 triệu đôi, chỉ chiếm 11% (Bảng 1). Từ năm 2004-2005, số lượng giầy da của Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường EU tăng 450% còn nếu tính từ năm 2001-2005 tăng tới 1.000%. Cũng thời gian từ 2004-2005, lượng giầy da xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU không tăng do sự cạnh tranh mạnh mẽ của giầy da Trung Quốc. Nếu tính từ giai đoạn 2001-2005 lượng xuất khẩu giầy da của Việt Nam vào thị trường EU chỉ tăng 100%. Như vậy, sự gia tăng xuất khẩu giầy dép của Việt Nam không đáng kể so với Trung Quốc và theo nhiều nhà kinh tế đánh giá là không đáng lo ngại đối với các nhà sản xuất giầy của EU. Ngoài ra, năm 2005, số lượng giầy da xuất khẩu của Trung Quốc nằm trong diện bị điều tra bán phá giá là 206 triệu đôi, chiếm 16,5% so với tổng số giầy của Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường EU, còn lượng giầy da của Việt Nam nằm trong diện bị điều tra chống bán phá giá là 119 triệu đôi chiếm đến 45% tổng số giầy nhập khẩu của Việt Nam vào thị trường EU. Điều này cho thấy sự khác biệt rất lớn về số lượng hàng giầy da nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam sang thị trường EU. Giầy da xuất khẩu từ thị trường Việt Nam về số lượng ít hơn của Trung Quốc tới 4,8 lần, nhưng số lượng giầy bị điều tra bán phá giá nhiều hơn gấp hai lần.

Về yếu tố giá cả, từ năm 2001đến 2005, giá của giầy da Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường EU giảm tới 31% còn giá giầy da của Việt Nam chỉ giảm 20%. Mặc dù, mức tính bình quân giá bán giầy da giảm nhưng nếu xem xét từng mặt hàng thì hầu hết giá bán hàng giầy da của Việt Nam đều cao hơn so với Trung Quốc (Bảng 2). Ví dụ, nhóm mã hàng 640219, giá bán của Việt Nam là 8,40 Euro/đôi trong khi của Trung Quốc bán 3,29 Euro/đôi thấp hơn hàng của Việt Nam 2,6 lần, hoặc nhóm hàng 640299, giá bán của Việt Nam là 5,45 Euro cao hơn giá bán của Trung Quốc là 2,82 lần.

Nếu EU chỉ căn cứ vào những chứng cứ như tiền thuê đất không xuất phát từ thị trường, định giá tài sản chưa chính xác, những chi phí tài chính thấp hoặc không xác định được đâu là giầy dép của trẻ em và giầy dép của phụ nữ để áp mức thuế chống bán phá giá cao là việc làm hết sức phi lý, thiếu tính thuyết phục. Những chứng cứ mà Uỷ ban châu Âu đưa ra đã không thuyết phục được các quốc gia thành viên và quá nửa các quốc gia này đã phản đối việc áp thuế chống bán phá giá đối với giầy da nhập khẩu từ Việt Nam. (xem bảng 2)

Việc quá nửa các quốc gia thành viên phản đối đề xuất và chưa thông qua mức thuế chống bán phá giá đối với hàng giầy da xuất khẩu của Việt Nam thể hiện đúng tinh thần tự do thương mại, cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hoá.

Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, để giúp các doanh nghiệp không chỉ trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu hàng giầy dép mà với nhiều mặt hàng khác có tốc độ tăng trưởng nhanh trong kim ngạch xuất khẩu, thì nhất thiết cần có những biện pháp phòng tránh bị kiện chống bán phá giá. Những biện pháp đó là.

Thứ nhất, các doanh nghiệp cần chuẩn bị và hoàn thiện tài liệu, sổ sách liên quan tới công tác kế toán, kiểm toán quá trình sản xuất và kinh doanh nhằm minh bạch hoá và là những bằng chứng thuyết phục chống lại việc áp đặt thuế chống bán phá giá. Đây là những cơ sở quan trọng nhất xác định, có hay không hàng giầy da xuất khẩu của Việt Nam bán phá giá. Thông thường, Uỷ ban châu Âu muốn ra phán quyết áp thuế chống bán phá giá phải dựa trên những điều tra, xác minh tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, toàn bộ những chi phí đầu vào và chi phí đầu ra của doanh nghiệp sẽ được phản ánh trên sổ sách kế toán và do công ty kiểm toán chứng nhận. Nếu như, những chi phí này tương ứng với cùng các quốc gia trong khu vực có cùng trình độ phát triển và rõ ràng, minh bạch thì Uỷ ban châu Âu sẽ khó khăn khi đưa ra một chứng cứ để áp thuế chống bán phá giá. Cho nên, để có thể dễ dàng trả lời các câu hỏi của Uỷ ban châu Âu và cung cấp chứng cứ cho Uỷ ban này thì nhất thiết các doanh nghiệp Việt Nam phải có hệ thống sổ sách kế toán thật minh bạch, đầy đủ và rõ ràng.

Thứ hai, tập trung vào sản xuất những mặt hàng giầy da có giá bán cao. Biện pháp này xuất phát từ những lý do sau đây:

Những mặt hàng giầy da có giá bán thấp thường là những mặt hàng dễ làm, dễ bán nhưng lại gặp phải sự cạnh tranh rất gay gắt của nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường EU như Trung Quốc, ấn Độ, Inđônêxia, Thái Lan…và nhiều quốc gia xuất khẩu khác có cùng trình độ sản xuất và cũng là nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu của các quốc gia này thì việc cạnh tranh mạnh mẽ sẽ xẩy ra là tất yếu.

Nếu cạnh tranh về giá cả thì giầy da của Việt Nam không thể cạnh tranh nổi với giá giầy da của Trung Quốc, kể cả về số lượng. Bên cạnh đó, giá cả của nhiều nhóm hàng giầy da của các quốc gia xuất khẩu tương tự giá của một số nhóm hàng giầy da Việt Nam. Rõ ràng là, nếu các doanh nghiệp Việt Nam chỉ tập trung vào sản xuất những mặc hàng giầy da giá rẻ sẽ gặp phải nhiều bất lợi về cạnh tranh.

Điều bất lợi hơn đó là, hàng giầy da xuất khẩu của Việt Nam dễ dàng gặp phải các vụ kiện chống bán phá giá của EU và hiện nay vụ kiện chống bán phá giá giầy da xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU cũng là hệ quả của việc các doanh nghiệp tập trung vào sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng giầy da giá rẻ. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nên thay đổi lại cơ cấu sản xuất và kinh doanh mặt hàng giầy da, nhắm tới nhóm hàng giầy da có giá bán cao, vừa tránh được rào cản chống bán phá giá, đồng thời tiếp cận với nhóm khách hàng có thu nhập cao, vừa nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh của hàng giầy da Việt Nam trên thị trường EU.

Thứ ba, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện mô hình nhượng quyền kinh doanh. Đây là mô hình rất phổ biến trên thế giới nhưng lại chưa quen thuộc đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh giầy da xuất khẩu của Việt Nam. Mô hình nhượng quyền kinh doanh có hai loại điển hình là nhượng quyền phân phối sản phẩm và nhượng quyền sử dụng công thức kinh doanh. Với hình thức nhượng quyền phân phối sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu giầy da Việt Nam có thể mua giấy phép (licensing) sử dụng thương hiệu của một hàng giầy của ý hay Pháp đã nổi tiếng trên thị trường EU, tự điều hành hoạt động kinh doanh một cách độc lập trong một khoảng thời gian nhất định mà ít bị ràng buộc bởi những quy định từ các doanh nghiệp nhượng quyền. Điều này giúp doanh nghiệp Việt Nam tránh được những vụ kiện bán phá giá, uy tín của doanh nghiệp Việt Nam tăng lên và khả năng cạnh tranh sẽ được nâng lên. Biện pháp này còn là một yếu tố giúp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu giầy da Việt Nam xây dựng và phát triển thương hiệu trong tương lai. Với hình thức nhượng quyền sử dụng công thức kinh doanh thì các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu giầy da của Việt Nam còn được chuyển giao thêm các kỹ thuật kinh doanh và cách thức điều hành quản lý. Đây là hình thức kinh doanh hiệu quả nhất bởi doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải thực hiện những quy định, quy trình nghiêm ngặt trong kinh doanh theo tiêu chí đặt ra của các doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng và quen thuộc với khách hàng EU. Trong hình thức này, mối liên hệ giữa bên cho thuê thương hiệu và bên sử dụng thương hiệu rất chặt chẽ để bảo đảm uy tín và giá trị thương hiệu luôn được giữ vững, không kể ai hay doanh nghiệp nào đang sử dụng thương hiệu đó để kinh doanh. Với hình thức này, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ tiếp thu được kinh nghiệm quản lý, cách thức điều hành sản xuất kinh doanh phù hợp với những nhóm khách hàng có thu nhập cao và yêu cầu khắt khe về sản phẩm, những nhóm khách hàng quen sử dụng hàng giầy da có thương hiệu nổi tiếng. Như vậy, biện pháp này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua rào cản chống bán phá giá và nâng cao được uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường EU.

Thứ tư, thực hiện tốt quan hệ công chúng. Đó là thiết lập những mối quan hệ với các hiệp hội, đại diện nhóm khách hàng, nhóm bảo vệ môi trường, hiệp hội công đoàn trên thị trường EU.… có liên quan tới hàng giầy da xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong thương mại quốc tế, việc sử dụng biện pháp quan hệ công chúng rất phổ biến nhằm tạo ra những làn sóng phản đối từ phía người tiêu dùng EU, hay những sức ép từ các hiệp hội, ngành nghề về những quyết định chưa đúng của chính phủ các quốc gia trong EU. Những yếu tố này dễ dàng thay đổi các quyết định của chính phủ hay của Uỷ ban châu Âu. Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần tạo ra những mối quan hệ tốt, những điều thiện cảm đối với những nhóm công chúng này như tích cực bảo vệ môi trường, thực hiện tốt Luật Lao động, nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động trong các doanh nghiệp. Đây cũng là biện pháp mà các doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác tốt bởi thiếu tính tập hợp, tập trung, liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu giầy da của Việt Nam sang thị trường EU.

Thứ năm, nâng cao vai trò của hiệp hội ngành nghề của Việt Nam trong liên kết và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu giầy da  Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), sự hỗ trợ đối với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu giầy da Việt Nam không còn hoặc giảm mạnh thì vai trò của các hiệp hội ngành nghề, nhất là Hiệp hội Da Giầy Việt Nam phải phát huy mạnh ưu thế của mình, là cầu nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam với thị trường EU, giữa doanh nghiệp Việt Nam với các Hiệp hội của EU, cùng với các doanh nghiệp Việt Nam tìm ra cách thức giải quyết khi vấp phải những rào cản thương mại và phi thương mại.

 

Tài liệu tham khảo

 

1. Báo cáo thị trường giầy dép của EU năm 2004. Cơ quan hỗ trợ thương mại cho các quốc gia đang phát triển của EU. 2005

2. Những câu hỏi và trả lời về Đề xuất chống bán phá giá giầy da từ Trung Quốc và Việt Nam của Uỷ ban châu Âu. 30/8/2006

3. Thống kê xuất nhập khẩu giầy dép của Hải quan EU 2006.

4. Franchise-Bí quyết thành công bằng mô hình nhượng quyền thương mại-Lý Quý Trung, NXB Trẻ, 2005.