Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước của Sở Công nghiệp Quảng Ninh có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được những hiệu quả nhất định. Sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế vào sản xuất công nghiệp đã làm cho ngành Công nghiệp Quảng Ninh trở nên đa dạng cả về qui mô sản xuất, trình độ công nghệ, chủng loại và chất lượng sản phẩm. Ngoài các ngành hàng truyền thống, Tỉnh đã có thêm nhiều sản phẩm mới.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỉ trọng nông, lâm, ngư nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Với chính sách thu hút nguồn lực phát triển từ các thành phần kinh tế, cơ cấu nội ngành có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng khu vực kinh tế nhà nước, tăng dần tỉ trọng kinh tế ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời tăng tỉ trọng các lĩnh vực có lợi thế, sản phẩm có giá trị và khả năng cạnh tranh. Cơ cấu sản xuất công nghiệp được chuyển dịch theo hướng gắn sản xuất với thị trường, tăng dần tỉ trọng các ngành thuộc khối công nghiệp chế biến nhất là các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, đóng tầu, chế biến thủy sản...

Hiện nay, các dự án công nghiệp được đầu tư tại Quảng Ninh đang bước đầu phát huy hiệu quả kinh tế, bên cạnh công nghiệp than và khoáng sản, trên địa bàn tỉnh đang hình thành rõ nét các trung tâm công nghiệp, các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề tiểu thủ công nghiệp như Trung tâm nhiệt điện đốt than; Trung tâm công nghiệp tàu thuỷ; Trung tâm công nghiệp sản xuất xi măng; Trung tâm công nghiệp cơ khí siêu trường siêu trọng; Trung tâm công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng chất lượng cao; Các khu công nghiệp Cái Lân, Việt Hưng, Đông Mai, Hải Yên; Các cụm công nghiệp Kim Sen, Hải Hòa, Ninh Dương, Quảng Thành; Các làng nghề gốm sứ Đức Chính, Vĩnh Hồng, làm đóng mới và sửa chữa tàu thuyền Thủy An, làng đan thuyền và ngư cụ Nam Hòa...

Năm 2006, sản xuất công nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến động tăng giá vật tư, nhiên liệu. Các doanh nghiệp phải tiết kiệm chi phí, hạch toán giá thành, giá bán sản phẩm hợp lý để giữ vững sản xuất và ổn định việc làm cho người lao động, giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện 16.869 tỉ đồng, tăng 20,68% so với thực hiện năm 2005. Các ngành có tốc độ tăng trưởng cao là ngành Than, ngành Điện, ngành Cơ khí, sản xuất VLXD; tiếp đến là sản xuất hàng tiêu dùng và chế biến nông, lâm, thủy sản.

Ngoài phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng đang phát triển rất tốt. Tại huyện Đông Triều, nghề gốm sứ dân dụng và gốm sứ mỹ nghệ phát triển rất mạnh. Các nghề khác như thêu ren, chiếu cói, mây tre đan… đang được quan tâm khôi phục tại một số huyện như Đông Triều, Yên Hưng, Cẩm Phả, Ba Chẽ… nhưng chưa phát triển mạnh vì vốn đầu tư cho khôi phục ngành nghề còn hạn hẹp, sản phẩm làm ra chưa nhiều, còn đơn điệu về chủng loại, mẫu mã, chưa khai thác mở rộng được thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, chưa có doanh nghiệp làm đầu mối giúp các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn tổ chức sản xuất kinh doanh.

Hiện tại, Trung tâm Khuyến công Quảng Ninh đã tiến hành thẩm định hồ sơ dự án phát triển nghề mây tre đan tại thôn Hưng Học xã Nam Hòa huyện Yên Hưng để hỗ trợ kinh phí khôi phục và phát triển nghề đan lát của thôn này. Hy vọng trong vài năm tới, nghề đan truyền thống và nghề mây tre đan ở Nam Hòa cùng một số thôn xã thuộc vùng nông thôn huyện Yên Hưng sẽ được phục hồi, phát triển. Cho đến nay, nếu xét theo tính chất sản xuất và điều kiện cụ thể thì Quảng Ninh tạm thời xác định có một số làng nghề và làng nghề truyền thống gồm: Làng nghề và làng nghề truyền thống Gốm sứ Đức Chính (Đông Triều); Làng nghề và làng nghề truyền thống Gốm sứ Vĩnh Hồng (Mạo Khê); Làng nghề truyền thống đóng và sửa chữa tàu thuyền Hà An (Yên Hưng); Làng nghề đan thuyền, mủng, ngư cụ Hưng Học, Nam Hòa, Yên Hưng.

Năm qua, hoạt động của Trung tâm Khuyến công đã có nhiều kết quả, bước đầu tác động tới việc phát triển CN-TTCN ở nông thôn: Đã triển khai 30 dự án phát triển công nghiệp nông thôn với tổng số vốn trên 90 tỉ đồng, được kinh phí khuyến công của Tỉnh, quốc gia hỗ trợ 850 triệu đồng, bình quân 1 đồng vốn khuyến công đã thu hút được 109,4 đồng vốn xã hội. Trung tâm đã tổ chức 2 lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước về công nghiệp, nghiệp vụ công tác khuyến công cho trên 60 cán bộ khuyến công viên cấp huyện và cán bộ viên chức khuyến công. Tổ chức 2 đoàn tham quan học hỏi công tác khuyến công, mô hình làng nghề cho cán bộ Trung tâm khuyến công, cán bộ Sở Công nghiệp, cán bộ phòng kinh tế cấp huyện tại các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương. Hướng dẫn cơ sở và tham gia hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn khu vực phía Bắc lần thứ nhất của Bộ Công nghiệp tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc với 15 nhóm sản phẩm. Tham gia hội thảo kinh nghiệm hoạt động khuyến công các tỉnh khu vực phía Bắc tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Đồng thời, Sở Công nghiệp đã xây dựng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2007 với tổng số 79 dự án đăng ký, dự kiến kinh phí xin hỗ trợ 6,029 tỉ đồng, thu hút 424,379 tỉ đồng vốn đầu tư cho công nghiệp nông thôn, đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2007 với số kinh phí hỗ trợ cho 4 dự án là 350 triệu đồng. Xây dựng và được đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử khuyến công Quảng Ninh, xây dựng văn bản hướng dẫn liên sở để quản lý kinh phí khuyến công và xây dựng cơ chế “một cửa” của Trung tâm Khuyến công; Đang xây dựng đề án “Quy hoạch phát triển Trung tâm Khuyến công Quảng Ninh giai đoạn 2007-2010 và tầm nhìn đến năm 2015” báo cáo Sở Công nghiệp để trình UBND tỉnh phê duyệt; xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2007 và những năm tiếp theo…

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đang tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp để nhanh chóng thay đổi cơ cấu kinh tế của Tỉnh theo hướng công nghiệp hóa. Hiện tại, Quảng Ninh có 4 khu công nghiệp đã được quyết định thành lập là: Cái Lân, Việt Hưng, Đông Mai, Hải Yên và 8 cụm, điểm công nghiệp là: Kim Sen, Hải Hòa, Ninh Dương, Yên Thanh, Quảng Thành, cụm công nghiệp chế biến thủy sản Yên Giang, cụm công nghiệp làng nghề sửa chữa đóng mới tàu thuyền, cụm công nghiệp Chạp Khê. Ngoài ra, Tỉnh còn dự kiến thành lập thêm một số cụm công nghiệp là: Hà Khánh, Lê Lợi, Tân Bình, Quảng An, Hải Tân, Yên Than, Quang Hanh, Bến Đục, Đò Bang, Đại Yên. Riêng thị xã Móng Cái, thành phố Hạ Long trong qui hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2006-2015 có tính đến 2020 ngoài các khu cụm đã có, đã đưa vào qui hoạch một số cụm công nghiệp để phát triển kinh tế của Thị xã.

Năm 2007, Sở Công nghiệp Quảng Ninh đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng cao của ngành công nghiệp đi đôi với giảm chi phí sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả để tăng sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; Cải thiện môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức cá nhân đến đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp tại Quảng Ninh theo qui định của pháp luật; Phát triển đa dạng dịch vụ công nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường, quan tâm đầu tư khắc phục và cải thiện môi trường trong phát triển công nghiệp. Nâng cao vai trò và vị thế của Sở, chăm lo đời sống vật chất tinh thần của CBCNV của Ngành. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn, ưu tiên cho vùng cao, biên giới, hải đảo, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở công nghiệp lớn và vừa. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2007 đạt 20.150 tỉ đồng, tăng 19-20% so với năm 2006, trong đó: Công nghiệp trung ương tăng 18,6%; công nghiệp ngoài quốc doanh tăng 22%; công nghiệp có vốn ĐTNN tăng 21,9%.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác khuyến công của tỉnh, xây dựng một số mô hình điểm công nghiệp nông thôn nòng cốt trên từng địa bàn khu vực, huyện, thị, xã phường thị trấn… xây dựng chương trình bồi huấn truyền nghề, đào tạo lao động làm nghề TTCN trong nhân dân (nhất là thanh thiếu niên) ở nông thôn, thị trấn, thị tứ. Triển khai công tác tuyên truyền hướng dẫn nông dân làm công nghiệp và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên hệ thống truyền thông, thông tin tuyên truyền trên báo đài phát thanh truyền hình và trên trang thông tin điện tử Website khuyến công để hoạt động này đi vào nền nếp, đạt hiệu quả cao, thực sự có ích đối với người lao động các vùng nông thôn.