Tài nguyên khoáng sản
Tổng hợp các công trình nghiên cứu đo vẽ bản đồ địa chất, tìm kiếm và thăm dò khoáng sản cho thấy Quảng Ngãi phong phú các loại khoáng sản kim loại, phi kim loại; nhiều mỏ, điểm nước khoáng nóng. Các nhà địa chất đã phân chia các khoáng sản vùng Quảng Ngãi thành các nhóm như sau:
NHÓM KIM LOẠI
Khoáng sản kim loại ở Quảng Ngãi có quặng sắt, nhôm, đồng, arsen, wolfram, molybden và vàng, nhưng với quy mô nhỏ.
SẮT
Quặng sắt ở Quảng Ngãi có nguồn phong hóa từ các đá biến chất, phân bố ở núi Vân Bân, núi Võng, núi Đồi và núi Khoáng thuộc huyện Mộ Đức. Thân quặng có dạng lớp phủ và lộ trên bề mặt. Bề dày quặng lớn nhất đạt 6m. Trữ lượng khoảng 27,8 triệu tấn. Điều kiện khai thác và giao thông thuận lợi, hàm lượng sắt trung bình, quy mô mỏ nhỏ. Ngoài ra, còn có 2 điểm quặng sắt nhỏ ở Trà Lâm, Tân An.
NHÔM
Quặng nhôm là loại quặng bauxit laterit, Quảng Ngãi có 3 mỏ nhỏ ở An Điềm, núi Thình Thình (huyện Bình Sơn) và núi Thiên Ấn (huyện Sơn Tịnh). Quặng có nguồn gốc phong hóa từ bazan Neogen (bN13), Neogen - Đệ tứ (bN2 - Q1), lộ thiên từng chỏm nhỏ, quy mô nhỏ, chất lượng trung bình. Bề dày thân quặng 1 - 4,66m, trung bình 2m. Quặng thường có dạng cục, mảnh, cấu tạo kết vón, vỏ cầu, que, xỉ than màu xám, xám nâu, xám xanh. Hàm lượng Al2O3 40 - 45%. Trữ lượng cấp P1 toàn vùng khoảng 6.840.000 tấn. Điều kiện khai thác thuận lợi.
ĐỒNG
Ở Quảng Ngãi đã phát hiện 3 điểm quặng suối Nùng, đèo Cóp và núi Xuân Thu thuộc xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà. Quặng đồng ở đây có 2 kiểu hình thái thân quặng:
Đồng liên quan với các đới dập vỡ, kataclazit hóa mạnh mẽ phát triển trong đá phiến thạch anh - mica loạt sông Rhe thuộc vòm xâm nhập hoặc ngay trong các thể granit sáng màu phức hệ Bà Nà. Các đới quặng có bề rộng 1 - 8m, kéo dài 100 - 2.500m. Hàm lượng quặng sulfur từ 2 - 5% cho đến 10%, Cu từ 0,2 - 1,21%.
Đồng liên quan các mạch, hệ mạch thạch anh chứa sulfur trong đới cà nát thuộc đới nội hoặc ngoại tiếp xúc với các thể nhỏ granit sáng màu, có chiều dày từ vài centimét đến vài chục centimét, tạo nên một hoặc nhiều đới quặng rộng 0,2 - 20m. Hàm lượng quặng thấp Cu 0,1 - 0,36%. Tài nguyên dự báo cấp P2 toàn vùng khoảng 111.280 tấn.
ARSEN
Quặng arsen vùng Quảng Ngãi đã phát hiện 3 điểm quặng ở núi Xuân Thu thuộc xã Sơn Kỳ (huyện Sơn Hà), các xã Trà Thủy và Trà Giang (huyện Trà Bồng). Quặng hóa arsen đi với các mạch hệ thạch anh nhỏ, phân bố theo các đới cà nát, đứt gãy kiến tạo phương tây bắc - đông nam hoặc kinh tuyến trong nhiều loại đá khác nhau như trầm tích biến chất (xã Trà Thủy), granitogneis phức hệ Chu Lai (xã Trà Giang) và granit phức hệ Bà Nà (núi Xuân Thu). Hàm lượng quặng arsen từ 0,8 - 2,5% cho đến 19,12%. Tài nguyên dự báo quặng cấp P2 cho toàn vùng khoảng 5.947,02 tấn arsen.
WOLFRAM
Quặng wolfram vùng Quảng Ngãi có ở khu vực núi Xuân Thu, nằm về phía tây bắc huyện lỵ Minh Long khoảng 8km, thuộc địa phận xã Long Sơn. Quặng tồn tại dạng mạch thạch anh - wolfram trong đới ngoại và nội tiếp xúc của magma xâm nhập phức hệ Bà Nà. Đá vây quanh là các trầm tích biến chất hệ tầng Sơn Kỳ. Tài nguyên dự báo tiềm năng cấp P2 khoảng 48.345,35 tấn WO3.
MOLYBDEN
Molybden vùng Quảng Ngãi ít phổ biến, có điểm quặng Ôn Hương thuộc địa phận các xã Ba Động, Ba Thành (huyện Ba Tơ). Quặng hóa thuộc thành hệ molybden - đa kim trong đá granitoid. Thân quặng là các mạch nhỏ thạch anh - sulfur chứa molybden, đồng dày 2 - 5cm, xuyên trong đá granit phức hệ Hải Vân, tạo đới mạch rộng 10m. Đá vây quanh bị greisen hóa, chiều dày đới biến đổi 10 - 20cm. Thành phần khoáng vật gồm thạch anh 95%, molybdennit 1,5 - 2,5%; calcopyrit 0 - 2%; arsenopyrit 0 - 1%. Khoáng vật quặng ở dạng xâm tán rất không đồng đều, thường tập trung ở ven rìa mạch.
VÀNG
Vùng Quảng Ngãi có cả vàng gốc và vàng sa khoáng, ở dạng các điểm quặng nhỏ.
Vàng gốc đã phát hiện 2 điểm quặng thuộc địa phận huyện Trà Bồng:
Điểm vàng gốc Trà Thủy: thuộc kiểu quặng vàng - arsen, thân quặng là những mạch thạch anh chứa quặng vàng dày 0,5 - 1m xuyên cắt các đá trầm tích biến chất hệ tầng Sơn Thành, hàm lượng Au 4,66 g/T, Ag 7,2 g/T, As 2,567%.
Điểm vàng gốc Trà Giang: thân quặng là những mạch thạch anh - arsenopyrit dày 4 - 6m và 1,5m xuyên cắt granit phức hệ Chu Lai, hàm lượng Au 0,1 - 6,23g/T, Ag 2,275 - 19,22%. Ngoài ra, còn gặp vàng đi cùng arsen hoặc đồng trong các hệ mạch thạch anh hoặc đới cà nát chứa quặng ở khu vực núi Xuân Thu, hàm lượng Au 1,24g/T.
Vàng sa khoáng hiện có 2 điểm quặng (Sơn Giang và Hải Giá). Vàng nằm trong bồi tích hiện đại phân bố dọc theo thung lũng sông Trà Khúc, có 3 thân quặng với chiều rộng 40 - 200m, chiều dài 150 - 400m, bề dày tầng sản phẩm chứa vàng từ 1 - 2m, bề dày lớp phủ 1 - 3m. Hàm lượng vàng 142 - 188g/m3. Tài nguyên dự báo cấp P1 khoảng 9,2kg vàng.
NHÓM KIM LOẠI HIẾM
Khoáng sản kim loại hiếm trong tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện điểm quặng liti vùng suối La Vy thuộc địa phận 2 xã Ba Trang và Ba Khâm (huyện Ba Tơ) vào năm 2000. Thân quặng là các mạch pegmatoit chứa quặng liti, bề dày từ 0,6 - 3,0m, chiều dài 100 - 500m; hàm lượng Li: 20 - 9084g/T; Be: 98 - 522g/T; Ta: 34 - 91g/T. Đá vây quanh là đá phiến thạch anh 2 mica của hệ tầng Kan Nack. Quy mô điểm quặng chưa xác định.
NHÓM PHI KIM LOẠI
Khoáng sản phi kim loại của Quảng Ngãi khá phong phú, có nhiều loại có giá trị như đá quý - bán quý, nguyên liệu sứ, nguyên liệu chịu lửa, nguyên liệu kỹ thuật và nguyên liệu phân bón.
ĐÁ QUÝ - BÁN QUÝ
Các khoáng sản đá quý - bán quý vùng Quảng Ngãi ít phổ biến, đã phát hiện có rubi sa khoáng, thân cây silic hóa và cát kết tạc tượng trong hệ tầng Bình Sơn.
Điểm rubi Thanh Trà
Nằm ở địa phận xã Bình Khương (huyện Bình Sơn), phân bố trong tích tụ hỗn hợp aluvi - deluvi - proluvi tuổi Đệ tứ không phân chia (adpQ), cỡ hạt từ 0,15 x 0,2 đến 1,9 x 2,4mm, hàm lượng rubi từ 8 hạt/10dm3 đến 1,036g/m3.
Điểm thân cây silic hóa
Nằm ở địa phận xã Bình Long (huyện Bình Sơn), phân bố trong tích tụ aluvi - deluvi phủ trực tiếp trên trầm tích lục nguyên hệ tầng Bình Sơn. Ở ga Bình Sơn trên diện tích 2,5km2, đã phát hiện có 10 điểm có thân cây silic hóa nằm rải rác. Các thân cây có đường kính trên 0,3m, dài 0,5m, màu đen xám bóng, có các vòng tăng trưởng là thạch anh hóa nổi trên nền silic hóa màu xám đen khá đẹp, dùng làm trang trí, mỹ nghệ có giá trị cao.
Đá tạc
Nằm ở địa phận xã Bình Long (huyện Bình Sơn) là loại cát kết dạng arkos màu xám sáng thuộc phần trên của hệ tầng Bình Sơn. Từ lâu dân địa phương khai thác tạc tượng, bia mộ, đẽo cối, đá mài. Có thể sử dụng làm đệm lót cho các loại lò nung. Tài nguyên dự báo cấp P1 khoảng 2,25 triệu mét khối.
NGUYÊN LIỆU GỐM SỨ
Ở Quảng Ngãi đã phát hiện được sáu mỏ và một điểm quặng kaolin, có nguồn gốc phong hóa và trầm tích, trong đó nguồn gốc trầm tích có quy mô lớn hơn.
Kaolin phong hóa
Kaolin thuộc nguồn gốc phong hóa, trong phạm vi Quảng Ngãi có 1 mỏ là Cà Đáo và 2 điểm quặng là An Điềm, Tịnh Thọ.
Mỏ kaolin Cà Đáo là sản phẩm phong hóa từ các mạch felsit, granit aplit, có 2 thân quặng chính và 9 thân mạch nhỏ. Hàm lượng Al2O3 17,50 - 20,61%; Fe2O3 1,03 - 1,80%. Trữ lượng kaolin cấp C2 khoảng 11.344 tấn. Quy mô mỏ nhỏ.
Điểm quặng kaolin An Điềm và Tịnh Thọ là sản phẩm phong hóa từ các đá granitoid, hàm lượng sắt cao.
Kaolin trầm tích
Ở Quảng Ngãi có 2 mỏ lớn là Đồng Trỗi và Nghĩa Thắng; 2 mỏ nhỏ là Ba Gia (Tịnh Bắc) và Minh Trung (Tịnh Minh), phân bố chủ yếu trong tích tụ vũng vịnh - biển tuổi Pleistocen giữa (mlQIII2). Mỗi mỏ thường có 5 - 7 thân quặng dạng ôvan, dài 100 - 1.500m, rộng 70 - 800m, bề dày thay đổi 1 - 11m. Hàm lượng Al2O3 14,71 - 34,24%; Fe2O3 0,9 - 2,54%. Tổng trữ lượng 4 mỏ cấp C1 + C2 khoảng 16.466.870 tấn.
NGUYÊN LIỆU CHỊU LỬA
Vùng Quảng Ngãi có mỏ silimanit Hưng Nhượng. Đá vây quanh các thân quặng gồm các thành tạo đá biến chất hệ tầng Tiên An, các thành tạo magma xâm nhập phức hệ Bà Nà, phức hệ Trà Bồng. Thân quặng thường có bề dày thay đổi 1,1 - 5m, chiều dài thân quặng từ 120 - 200m. Hàm lượng Al2O3 22,81 - 35,78%; Fe2O3 1,51 - 4,78%; MKN 7,67 - 18,60%. Tổng trữ lượng khoảng 812.500 tấn. Quy mô mỏ nhỏ, có thể dùng sản xuất gạch chịu lửa samốt.
NGUYÊN LIỆU KỸ THUẬT
Khoáng sản nguyên liệu kỹ thuật trong phạm vi tỉnh Quảng Ngãi có graphit, quarzit, felspat, mica.
Graphit
Có mỏ Hưng Nhượng và các điểm quặng graphit tây nam và nam Trà Bồng, núi Hòn Mai Đang. Thân quặng là những lớp thấu kính graphit hoặc đá phiến giàu graphit dày hàng chục centimét đến 15m, kéo dài 200 - 1.500m xen trong đá phiến kết tinh hệ tầng Tiên An.
Mỏ graphit Hưng Nhượng được các nhà địa chất Pháp phát hiện từ trước năm 1915. Người Pháp bắt đầu khai thác từ năm 1916 tại Hố Bùi, sản lượng hàng năm khoảng 2.000 - 3.000 tấn, năm 1918 đạt 15.000 tấn. Đến năm 1919 mỏ ngừng khai thác. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, lực lượng kháng chiến có khai thác làm cực pin. Sau năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm cũng có tiến hành khai thác. Từ năm 1976, Đoàn địa chất 505, sau đó Đoàn địa chất 502 tiến hành thăm dò. Toàn vùng mỏ có 6 chùm thân quặng (6, 9, 20, 30, 40 và 50 ) và 3 chùm thân quặng ngoại vi (suối La, suối Gửi và Vĩnh Tuy). Các chùm thân quặng thường kéo dài 1 - 2km phương đông bắc - tây nam, ít hơn là tây bắc - đông nam, chiều rộng 30 - 70m. Tổng trữ lượng khoảng 4.376.000 tấn và được xếp vào hạng mỏ graphit lớn nhất, nhì của Việt Nam.
Quarzit
Vùng Quảng Ngãi quarzit tồn tại dưới dạng các thấu kính xen trong các thành tạo đá trầm tích biến chất hệ tầng Tiên An, hệ tầng Nước Lay vùng Hưng Nhượng, Ba Tơ. Trong đó điểm quarzit Nam Yên thuộc xã Bình Phước (huyện Bình Sơn) được phát hiện vào tháng 4.1996, lộ thành từng chỏm nhỏ, diện lộ rộng 20m, dài 250m. Đá vây quanh quặng là các thành tạo đá biến chất hệ tầng Tiên An, hàm lượng SiO2 98,3%, Fe2O3 0,4%, có thể sử dụng trong lĩnh vực sản xuất thủy tinh, gạch chịu lửa ferosilic. Đây là điểm quặng có nhiều triển vọng.
Felspat
Vùng Quảng Ngãi felspat đã phát hiện 5 điểm quặng. Điểm làng Tốt thuộc địa phận xã Ba Bích (huyện Ba Tơ) đã được phát hiện năm 1990; dự báo trữ lượng cấp P1 khoảng 1,987 triệu tấn. Điểm Cà Nang thuộc xã Ba Bích (huyện Ba Tơ) đã phát hiện năm 1990. Điểm xã Ba Lế (huyện Ba Tơ) phát hiện năm 1990 có trữ lượng cấp C2 khoảng 1.278 tấn. Điểm núi Võ thuộc xã Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh) phát hiện năm 1994, trữ lượng cấp P1 khoảng 1 triệu tấn và điểm Cà Đáo thuộc xã Sơn Thành (huyện Sơn Hà) phát hiện năm 1984, trữ lượng cấp P1 khoảng 3 triệu tấn. Tổng trữ lượng của 5 điểm khoảng trên 7,265 triệu tấn.
Mica
Trong phạm vi Quảng Ngãi đã phát hiện 3 điểm quặng mica. Điểm nam làng Tốt thuộc địa phận xã Ba Bích (huyện Ba Tơ) phát hiện năm 1990, dự báo trữ lượng cấp C2 khoảng 20.144 tấn. Điểm thuộc xã Ba Lế (huyện Ba Tơ) phát hiện năm 1990, trữ lượng cấp C2 khoảng 47.000 tấn. Điểm Cà Nang thuộc xã Ba Bích (huyện Ba Tơ) phát hiện năm 1990, tài nguyên dự báo khoảng 9.000 tấn.
NGUYÊN LIỆU PHÂN BÓN
Vùng Quảng Ngãi đã phát hiện một mỏ và một điểm quặng than bùn. Mỏ than bùn Bình Phú (huyện Bình Sơn) có quy mô nhỏ, đã được thăm dò tỉ mỉ năm 1992. Tầng chứa quặng là trầm tích biển - đầm lầy, phân bố thành dải hẹp kéo dài 0,8 - 2,3km, rộng 80 - 500m. Trữ lượng cấp B + C1 khoảng 286.675 tấn. Điểm than bùn xã Nghĩa Thuận (huyện Tư Nghĩa) cách thành phố Quảng Ngãi 10km về phía tây, đã được phát hiện năm 1988. Quặng phân bố gần trung tâm vùng xuất lộ các điểm nước khoáng nóng, diện lộ rộng 100m, dài 400m. Tầng chứa quặng là trầm tích Đệ tứ (QIV2), chất lượng quặng thấp, quy mô nhỏ. Trữ lượng cấp C2 + P1 = 69.000 tấn.