1. Tài nguyên đất

Kết quả điều tra cho thấy, Bắc Kạn có những loại đất chính sau:

- Đất Feralit màu vàng nhạt trên núi trung bình (FH): chiếm 13,38%; phân bố trên tất cả các đỉnh núi cao >700m, trên nền đá mắc ma axit kết tinh chua, đá trầm tích và biến chất. Tầng đất mỏng, đá nổi nhiều, đất ẩm và có tầng thảm mục khá dày.

- Đất Feralit điển hình vùng đồi và núi thấp (Ff-Fk): chiếm 71,62%, phân bố trên vùng đồi núi thấp với nhiều loại đá mẹ như đá biến chất, phiến sét, granít, đá vôi, sa thạch… đất tốt, thành phần cơ giới từ nặng đến trung bình, tầng đất trung bình và mỏng, thích hợp với các loài cây trồng nông – lâm nghiệp.

- Đất dốc tụ và phù sa (P): chiếm 7,49%, phân bố ven sông suối trong các thung lũng hẹp hoặc các bãi đá chân núi… là loại đất hình thành do bồi tụ hàng năm của sông suối hoặc do ảnh hưởng của lắng đọng, dốc tụ. Đất có thành phần cơ giới từ trung bình đến nhẹ; tầng đất dày, tơi xốp, đất còn tốt thích hợp với cây trồng nông, lâm nghiệp.

- Núi đá vôi (K): chiếm 7,43% tổng diện tích tự nhiên, phân bố tập trung ở Ba Bể, Bắc chợ Đồn và Na Rì (khu vực Kim Hỷ)… Khu vực núi đá vôi thường rất ít đất trong các hang hốc, tầng đất mỏng màu đen, đất rất tốt.

- Đất ngập nước: chiếm 0,08%, chủ yếu ở khu vực hồ Ba Bể và các sông suối.

Nói chung, cùng với khí hậu thích hợp cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Đất đai trong Tỉnh còn khá tốt và là cơ sở quan trọng để phát triển nông lâm nghiệp. Đất nông nghiệp 301.722 ha chiếm 62,1% diện tích tự nhiên; nhiều nơi tầng đất dày, đất đồi núi có lượng mùn cao thuận tiện cho sản xuất lương thực, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và phục hồi rừng.

2. Tài nguyên khoáng sản

Theo kết quả nghiên cứu của Cục địa chất, Bắc Kạn có cấu tạo địa chất khá phức tạp. Trên địa bàn Tỉnh có bao nhiêu kiểu địa mạo thì có bấy nhiêu kiểu kiến trúc địa chất.

- Hệ thống núi thấp và trung bình thuộc cánh cung sông Gâm có các loại đá xâm nhập granít, rhyonít, granít hai mica và các loại đá phiến biến chất, thạch anh, quắc zít, đá sừng…

- Cánh cung Ngân Sơn: Có các loại granit, rhyonít, phiến sét, thạch anh, đá vôi…

- Khối núi đá vôi Kim Hỷ có cấu tạo kiểu khối, hiểm trở và có những biến chất khu vực.

- Vùng núi thấp phía nam tỉnh là nơi quy tụ nhiều dãy núi cánh cung, nên có cấu tạo địa chất khá phức tạp, với các loại đá trầm tích có kết cấu hạt mịn, hạt thô và đá mắc na.

- Về khoáng sản: Bắc Cạn có chì, kẽm, sắt, nhôm, thạch anh, đá vôi,,, trong đó chì, kẽm là những loại khoáng sản mang nét đặc trưng của tỉnh.

Chì kẽm phân bổ ở chợ Điền (chợ Đồn), Ngân Sơn, Na Rì; Vàng phân bổ ở Ngân Sơn (Pác Lạng), Chợ Mới (Khau Âu), Bạch Thông (Vũ Muộn); Antimon phân bổ ở Bạch Thông (Yên Lư); Thiếc phân bố ở Chợ Đồn (Lũng Cháy), Ngân Sơn (Nà Đeng); Sắt, mangan phân bổ ở chợ Đồn (chợ Điền), Ba Bể (Bản Nùng), Ngân Sơn (Lũng Viền, Bản Phắng, Nà Nọi, Mõ Sát), Bạch Thông (Sĩ Bình); Đá vôi phân bổ ở chợ Đồn (Bản Cát, Bản Luộc, Phiên Liền), Bạch Thông (Nam Lao); Đá quý phân bổ ở Ba Bể (Bản Đuống, Bản Vàng).

Vàng là khoáng sản có giá trị kinh tế của tỉnh với hai mỏ vàng gốc Pác Lạng ở Ngân Sơn và Khâu Âu ở chợ Mới. Tuy nhiên mức độ điều tra khảo sát địa chất còn rất thấp. Muốn đưa các mỏ này vào khai thác công nghiệp phải có đầu tư thăm dò xác định trữ lượng tin cậy. Tỉnh Bắc Kạn cần thiết phải tổ chức các liên doanh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm khai thác nguồn tài nguyên có giá trị này.

3. Tài nguyên rừng

Đất lâm nghiệp có rừng chiếm diện tích 301.722 ha bằng 62,1% diện tích tự nhiên của Tỉnh tập trung ở 3 huyện: Chợ Đồn (67,65%), Bạch Thông (59,30%), Na Rì (47,94%). Diện tích rừng tự nhiên của Bắc Kạn vào loại lớn nhất trong các tỉnh vùng Đông Bắc (95,3% diện tích đất rừng). Tài nguyên rừng của Bắc Kạn khá đa dạng, phong phú. Ngoài khả năng cung cấp gỗ, tre, nứa còn nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm, có giá trị và được coi là một trung tâm bảo tồn nguồn gen thực vật của vùng Đông Bắc.

Về động vật: Hiện nay động vật tập trung ở khu vực núi đá Kim Hỷ thuộc huyện Na Rì, Cao Sơn thuộc huyện Bạch Thông, Bản Thi huyện Chợ Đồn và Hồ Ba Bể. Khu hệ động vật của tỉnh Bắc Kạn không những có giá trị cao mà còn có giá trị tự bảo tồn nguồn gen cao với nhiều loại đặc hữu và quý hiếm.

Về thực vật: Qua điều tra cho thấy có 826 loài thực vật, trong đó có 300 loài gỗ, 300 loài cây thuốc, 52 loài đã đưa vào sách đỏ Việt Nam.

Nhìn chung, Bắc Kạn là tỉnh miền núi, có địa hình chia cắt phức tạp, đất có độ dốc lớn, lại là vùng đầu nguồn của nhiều hệ sông suối… nên Bắc Kạn có thế mạnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để sớm hình thành các vùng nguyên liệu, hàng hóa.

4. Tài nguyên nước:

Có thể nói: Bắc Kạn là vùng đầu nguồn của nhiều hệ thống sông suối lớn, mà dãy Hoa Ngân (thuộc cánh cung Ngân Sơn) là dãy núi cao (>1.500m) như một mái nhà phân chia nước về các tỉnh. Về mặt địa hình, Bắc Kạn cao hơn hẳn các tỉnh xung quanh, đây là nguyên nhân chính gây khó khăn về nước cho sản xuất và sinh hoạt, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn trong dự trữ nước. Đặc biệt đáng lưu ý là nguồn nước phân bố không đều theo mùa và theo vùng lãnh thổ. Nhiều nơi ven sông suối thường úng lụt vào mùa mưa. Mùa khô mực nước cạn kiệt gây khó khăn cho sản xuất. Vùng núi cao thiếu nước sản xuất và sinh hoạt.

Bắc Kạn có lợi thế về phát triển thủy lợi và thủy điện nhỏ, nhưng có trở ngại lớn là nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt còn rất hạn chế… Cần có kế hoạch cụ thể về xây dựng và bảo vệ rừng đầu nguồn để giảm bớt trở ngại trong phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh.

5. Nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến

- Dự tính đến năm 2010, diện tích gieo trồng lúa lai ở Bắc Kạn đạt 4.000 ha, năng suất tăng 2 tấn/ha. Về giống ngô, ngoài việc đảm bảo phổ cập giống ngô tốt vào trồng đại trà, trong đó ít nhất 50% diện tích ngô lai với năng suất 5 tấn/ha, tăng 2 tấn/ha.

Cùng với các biện pháp thâm canh khác (đủ phân bón, đảm bảo tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh…) sẽ tăng sản lượng lương thực đạt 126.500 tấn, đảm bảo bình quân lương thực 350 kg/người.

Cây công nghiệp: Theo quy hoạch vùng Đông Bắc, Bắc Kạn có thể mở rộng vùng trồng thuốc lá ở Ngân Sơn theo hướng liên doanh từ 150 ha lên 300 ha, thậm chí có thể đưa lên 1.000 ha khi thị trường yêu cầu: Na Rì, Ba Bể, Ngân Sơn có sản lượng hàng năm là 400-600 tấn. Từ nay đến năm 2010, Bắc Kạn sẽ thay đổi các loại giống cây, tăng nhanh diện tích đỗ tương lên 1.000 ha, lạc lên 1.000 ha và ổn định diện tích 600 ha mía; Phấn đấu đến năm 2010 đạt sản lượng 3.000 tấn đỗ tương, 2.000 tấn lạc và 24.000-30.000 tấn mía cây.

- Cây chè: Bắc Kạn có lợi thế và phát triển chè ở các xã thuộc huyện Bạch Thông, thị xã Bắc Kạn, đông nam huyện Ba Bể, một số xã ở huyện Chợ Đồn, Na Rì (chè tuyết). Tuy nhiên, do công nghệ chế biến chưa đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng nên khó tiêu thụ, không có lãi nên hạn chế đầu tư. Hướng phát triển trong 5 năm tới là cải tạo, tăng năng suất chè hiện có và trồng mới 400-500 ha/năm, chủ yếu là chè giống mới có chất lượng cao để xuất khẩu đạt giá trị 16-18 triệu/ha/năm, đưa năng suất chè lên 7 tấn/ha và diện tích là 2.000 ha vào năm 2010.

- Cây ăn quả: Bắc Kạn có nhiều loại cây ăn quả như cam, quýt, nhãn, vải, mơ mận, đào, lê, chuối, na, cần hình thành vùng tập trung ở các xã ven các trục đường giao thông và quanh các thị xã, tập trung vào các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Ngân Sơn, mỗi năm trồng 400-500 ha; đến năm 2010 có 10.000 ha. Cần lựa chọn các loại giống có năng suất cao và chất lượng tốt và điều quan trọng là phải sớm tính toán thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm đó. Cần tìm các đối tác liên doanh chế biến để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Phát triển cây ăn quả trong vườn gia đình, bảo vệ đất, bảo vệ môi trường và tạo sản phẩm hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến và công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Huyện Ngân Sơn phát triển 1.000 ha trồng lê, hồng, mận, quýt. Huyện Ba Bể phát triển 1.000 ha trồng mơ, mận, dứa. Huyện Bạch Thông và các xã vùng thấp trồng cam, quýt, đu đủ, na và nhân giống vải thiều.

- Cây dược liệu: Cũng là thế mạnh của tỉnh cần được khai thác như: Trồng hồi, quế, sa nhân ở các huyện Bạch Thông, Na Rì, Chợ Đồn.

6. Tài nguyên du lịch

Theo thống kê sơ bộ, Bắc Kạn có khoảng 200 di tích lịch sử văn hóa, sự phân bố các di tích này lại rất tập trung và gần với danh thắng, tạo thuận lợi để qui hoạch vùng và tuyến du lịch. Ví dụ như quần thể di tích lịch sử của khu ATK (gồm 72 điểm di tích có giá trị) trong đó 8 di tích đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa hiện đang đề nghị Nhà nước xếp hạng 44 di tích và địa phương công nhận 77 di tích.

Trong số các di tích lịch sử văn hoá của Bắc Kạn có rất nhiều di tích có giá trị cao đối với phục vụ phát triển du lịch. Tiêu biểu nhất là Hồ Ba Bể - Di tích lịch sử văn hoá được Bộ VHTT công nhận 30/09/1996, vừa có giá trị lịch sử văn hoá đồng thời là một danh lam thắng cảnh hiếm có của địa phương và cả nước nói chung. Hội nghị về các hồ nước ngọt trên thế giới tại Mỹ năm 1995 đã đánh giá Hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt đẹp nhất trên thế giới cần được bảo vệ.

Ngoài ra, Bắc Kạn còn có hệ thống đền chùa, miếu mạo như: Đền Thắm, Chùa Thạch Long (Bạch Thông), Đền Thác Giềng, Đền Thượng.. (TX Bắc Kạn) và nhiều di tích có giá trị văn hoá lịch sử, cùng những danh lam thắng cảnh độc đáo, tạo nên một quần thể di tích, thắng cảnh hấp dẫn như Động Puông, Ao Tiên, Thác Đầu Đẳng (Ba Bể) Động Nàng Tiên, Thác Nà Đăng (Na Rì), Khu ATK Chợ Đồn, Thác Roọm (Bạch Thông).