Báo cáo của Công ty Rượu Hà Nội cho biết, ngay từ năm 1990, Công ty đã ý thức được việc cần phải di chuyển sản xuất ra khỏi Thành phố và việc này sẽ xảy ra trong thời gian không xa. Từ đó đến nay đã qua 4 nhiệm kỳ giám đốc, Công ty đã lập rất nhiều dự án, phương án, nhưng vì nhiều lý do khách quan nên chưa thực hiện được. Năm 2001, Công ty hoàn thành phương án di dời theo phương thức cuốn chiếu trong thời gian 5 năm, với số vốn đầu tư khoảng 157 tỉ đồng. TCT Rượu-Bia-NGK Việt Nam lúc đó đã đồng ý với phương án này và sau nhiều cân nhắc, Công ty Rượu Hà Nội đã chọn Công ty Kinh doanh và Xây dựng nhà Hà Nội (thuộc TCT Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội) làm đối tác đầu tư với mức hỗ trợ do Công ty này đưa ra là 120 tỉ đồng và Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội đã giới thiệu một lô đất rộng 2,5ha tại huyện Thanh Trì để Rượu Hà Nội xây dựng nhà máy mới. Nhưng phần vì lô đất này chưa có cơ sở hạ tầng, gần khu dân cư, rất khó giải phóng mặt bằng, thời gian thuê ngắn, chỉ 20 năm, lại không có qui hoạch, tiền đền bù tính sơ bộ đã lên đến hơn 20 tỉ đồng, nên Công ty Rượu Hà Nội chưa nhất trí và muốn tìm địa điểm khác phù hợp hơn.
Sự việc còn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chỉnh sửa thì đồng tiền trượt giá, phương án cũ không còn phù hợp nữa. Ngay cả việc đầu tư theo phương pháp cuốn chiếu cũng không còn hợp lý, bởi thời gian đầu tư quá lâu, đầu tư không đồng bộ mà lại manh mún, chắp vá nên Công ty Rượu Hà Nội và TCT Rượu-Bia-NGK Việt Nam quyết định phải lập lại dự án đầu tư theo hướng xây dựng đồng bộ để có một nhà máy hoàn toàn mới với dây chuyền công nghệ hiện đại, phù hợp với xu thế hội nhập. Công ty đã đưa ra 4 phương án với các mức đầu tư khác nhau. Phương án 1: Đầu tư di chuyển toàn bộ các bộ phận sản xuất đưa vào KCN, vốn đầu tư khoảng 365 tỉ đồng; Phương án 2: Đầu tư mới Xí nghiệp sản xuất cồn tại KCN, vốn đầu tư khoảng 187 tỉ đồng; Phương án 3: Di chuyển Xí nghiệp trên cơ sở tận dụng một số thiết bị cũ, vốn đầu tư khoảng 64 tỉ đồng; Phương án 4: Đầu tư cải thiện điều kiện môi trường tại địa điểm hiện tại, vốn đầu tư khoảng 11,5 tỉ đồng. Trong số 4 phương án trên, chỉ có phương án 1 là đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu đặt ra cho Công ty là thực hiện được triệt để Quyết định 64/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề xử lý môi trường và tuân thủ qui hoạch của Thành phố, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ của trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, vốn đầu tư của phương án này tương đối cao, và đây mới là vấn đề cốt lõi khiến cho dự án di dời Công ty Rượu Hà Nội chậm được triển khai.
Sau khi phương án này được trình, do chưa thống nhất về giá giữa các bên liên quan và với thành phố Hà Nội, nên dự án vẫn cứ nằm trên giấy. Trong khi đó, bản thân Công ty muốn được tìm đối tác phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu của dự án đầu tư mới thì lại vấp phải vấn đề giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặc dù Công ty đã tọa lạc ở địa chỉ 94 Lò Đúc từ năm 1898, nhưng giai đoạn này, với những đối tượng nằm trong diện phải di dời, Thành phố tạm thời không cấp giấy phép quyền sử dụng đất. Điều đó có nghĩa là, các đối tác muốn liên doanh, liên kết hay đấu giá đất cũng không ai dám “nhảy” vào, vì không có cơ sở pháp lý đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất.
Mặc dù vướng mắc trong vấn đề quyền sử dụng đất, nhưng thời gian qua, Công ty vẫn tích cực tìm kiếm địa điểm chuẩn bị cho việc di chuyển mặt bằng sản xuất. Mặt khác, tích cực khắc phục ô nhiễm môi trường để đáp ứng yêu cầu về nước thải và khí thải đối với doanh nghiệp sản xuất trong thành phố. Qua khảo sát một số nơi, Rượu Hà Nội đã chọn KCN Tiên Sơn - Bắc Ninh là nơi sẽ xây dựng nhà máy mới, bởi đáp ứng được yêu cầu về cơ sở hạ tầng, đường giao thông và nguồn nước phù hợp cho vệ sinh an toàn thực phẩm. Dự án đầu tư xây dựng nhà máy mới công suất 5 triệu lít cồn/năm, 10 triệu lít rượu/năm tại KCN Tiên Sơn đã được TCT Bia-Rượu-NGK Hà Nội chấp nhận và khuyến khích tiến hành, thể hiện tại Quyết định số 168/CV-KTTK ngày 24/10/2003. Do vậy, trong cuộc họp mới đây với lãnh đạo Bộ Công nghiệp, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Việt, thay mặt TCT Bia-Rượu-NGK Hà Nội, đã đề nghị Bộ Công nghiệp giúp đỡ để Rượu Hà Nội được thực hiện theo phương án 1, đầu tư một nhà máy hoàn toàn mới. Từ ngày 1/7/2004, khi Luật Đất đai có hiệu lực, sẽ đưa đất đai lên sàn giao dịch đấu giá, tạo sự công bằng cho doanh nghiệp, tránh sự thỏa thuận mà quyền lợi lại thuộc về một doanh nghiệp được ưu tiên nào đó. TCT cũng đề nghị cho phép Công ty Rượu Hà Nội giữ lại một phần đất ở địa chỉ 94 Lò Đúc (khoảng 8.000 m2) làm văn phòng đại diện, cửa hàng giới thiệu sản phẩm và giao dịch với khách hàng để giữ vững thương hiệu “Rượu Hà Nội” thay vì một “Rượu Tiên Sơn” hay “Rượu Bắc Ninh”. Còn phía Công ty Rượu Hà Nội thì mong sớm được Thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để có thể kêu gọi đối tác liên doanh, liên kết hay đấu giá đất lấy vốn thực hiện công tác di dời đổi mới công nghệ, thiết bị mà các doanh nghiệp thuộc diện di dời đã làm như Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo, Công ty Cơ khí vận tải Ngô Gia Tự... Trước mắt, đề nghị Bộ Công nghiệp, TCT Bia-Rượu-NGK Hà Nội cho Rượu Hà Nội vay 15 tỉ đồng để Công ty ký hợp đồng thuê đất tại KCN Tiên Sơn - Bắc Ninh và lập dự án khả thi.
Tiến độ di dời Rượu Hà Nội chậm: Vướng mắc từ quyền sử dụng đất
Theo Quyết định 64/QĐ-TTg ngày 6/2/2002 của Thủ tướng Chính phủ thì Công ty Rượu Hà Nội thuộc diện phải “di chuyển hoặc bố trí lại sản xuất tại địa điểm này để khắc phục ô nhiễm” trong giai đoạn 2003-