Tiểu thủ công nghiệp, làng nghề Việt Nam
Thành tựu và định hướng phát triển
Ngành Tiểu thủ công nghiệp - Làng nghề (TTCN- LN) không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, mà còn giải quyết việc làm cho một bộ phận lớn lao động nông thôn, góp phần xoá đói, giảm nghèo, làm giầu ngay trên quê hương. Để tìm hiểu rõ hơn về những thành tựu cũng như những khó khăn, vướng mắc của ngành TTCN- LN trong những năm gần đây, PV Tiếp thị Công nghiệp đã có cuộc trao đổi với hai chuyên gia trong lĩnh vực này là ông Nguyễn Thăng Long- Phó Cục trưởng và ông Lê Đức Lập - Phó Trưởng phòng TTCN, Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công nghiệp.
PV: Ông có nhận xét gì về vai trò quản lý của Bộ Công Nghiệp trong việc thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp địa phương nói chung và lĩnh vực TTCN- LN nói riêng?
Ông Nguyễn Thăng Long: Tôi cho rằng, trong những năm qua, với chức năng và nhiệm vụ của mình, Bộ Công Nghiệp đã thường xuyên định hướng, chỉ đạo để hỗ trợ và thúc đẩy công nghiệp địa phương nói chung và ngành TTCN- LN nói riêng phát triển ổn định và bền vững. Đồng thời, Bộ Công Nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, với các địa phương trong cả nước để rà soát và có kế hoạch hoàn thiện những văn bản quy phạm pháp luật cần thiết, nhằm tạo ra những cơ sở pháp lý để tổ chức quản lý và thực hiện trong phạm vi trách nhiệm của mình.
Cụ thể, sự ra đời của Cục Công nghiệp địa phương theo Quyết định số 115/2003/QĐ- BCN ngày 4/7/2003 đã cho thấy, tầm quan trọng và vị trí của CNĐP trong nền kinh tế hiện nay. Mặc dù mới đi vào hoạt động, Cục Công nghiệp địa phương cũng đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể liên quan trực tiếp đến chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực TTCN- LN như: Xây dựng quy hoạch phát triển ngành TTCN- LN đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020; phối hợp với các cơ quan đầu mối của các bộ, ngành, các tổ chức trong và ngoài nước xây dựng nhiều chương trình, dự án cụ thể hỗ trợ và thúc đẩy phát triển công nghiệp địa phương nói chung và ngành TTCN- LN nói riêng… Tháng 6/2004, Chính phủ ban hành Nghị định 134/2004NĐ- CP khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, gọi tắt là Nghị định Khuyến công, đây chính là những công cụ pháp lý hết sức quan trọng làm cơ sở định hướng phát triển kinh tế tập thể, trong đó có ngành TTCN- LN.
PV: Thưa ông Lê Đức Lập, xin ông cho biết những thành tựu nổi bật nhất trong lĩnh vực TTCN- LN Việt Nam trong những năm qua?
Ông Lê Đức Lập: Tôi xin đưa ra một vài con số "biết nói". Đó là: Tổng thu nhập hàng năm của các làng nghề tăng trung bình 9%, chiếm gần 9% GDP của cả nước. Về thị trường, gần 60% sản phẩm của làng nghề bán trong nội địa, 40% phục vụ cho xuất khẩu. Các nghề xuất khẩu nhiều là thêu, ren, kim khí và mỹ nghệ. Kim ngạch xuất khẩu khá ổn định: Trong năm 2000 và 2001 đạt hơn 235 triệu USD, năm 2002 đạt hơn 330 triệu USD. Hàng thủ công được xuất khẩu sang hơn 100 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có một số thị trường chính là Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc (trên 22%), Nhật Bản (gần 18%), châu Âu (trên 23%).
Những số liệu trên cho thấy, hình ảnh ngành TTCN- LN ngày càng rõ nét trong bức tranh tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung.
PV: Để đạt được những kết quả này, theo Phó Cục trưởng, đâu là nguyên nhân chính?
Ông Nguyễn Thăng Long: Theo tôi, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất chú trọng tới việc phát triển công nghiệp địa phương, đặc biệt đối với ngành TTCN. Chính phủ cũng đã đề ra những nhiệm vụ phát triển công nghiệp nông thôn, đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách và đầu tư hỗ trợ ngân sách để thúc đẩy và phát triển công nghiệp nông thôn, trong đó có ngành TTCN-LN. Đặc biệt là Nghị định số 134/2004/NĐ- CP về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn chính là cơ sở pháp lý cho các hoạt động hỗ trợ công nghiệp nông thôn một cách có hiệu quả.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ, khuyến khích về cơ chế đó, phải kể đến sự đóng góp đáng kể của những người dân sống trong các làng nghề, đặc biệt là các nghệ nhân đã rất nỗ lực trong việc duy trì nghề và gìn giữ những giá trị truyền thống trong sản phẩm do mình làm ra. Tuy nhiên, chúng ta đều biết, thông thường, tổ chức quản lý của các cơ sở sản xuất TTCN- LN đều mang tính truyền thống “cha truyền con nối” nên không phát huy được hết sức mạnh của tập thể. Không những thế, tính liên kết giữa các hộ gia đình trong sản xuất, thu mua nguyên liệu, đào tạo, vay vốn… vẫn còn rất yếu. Trong thời gian tới, nếu như khắc phục được những nhược điểm này, thì chắc chắn, ngành TTCN- LN của chúng ta sẽ còn khởi sắc hơn nữa.
PV: Thưa ông Lê Đức Lập, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực, nhất là tham gia vào WTO, ngành TTCN- LN cần phải làm gì để theo kịp các ngành kinh tế khác?
Ông Lê Đức Lập: Hội nhập một mặt thúc đẩy mở rộng thị trường, nhưng mặt khác lại đòi hỏi mỗi sản phẩm, ngành nghề, lĩnh vực buộc phải tự đổi mới để phù hợp với cơ chế thị trường. Cụ thể, đối với ngành TTCN- LN, các sản phẩm được làm ra đòi hỏi phải tinh xảo hơn, khắt khe hơn, yêu cầu về mẫu mã và chất lượng phải được cải tiến và hoàn thiện thường xuyên hơn để phù hợp với yêu cầu của thị trường. Về vấn đề này, ngoài nỗ lực trong bản thân các cá nhân, mỗi doanh nghiệp, mỗi làng nghề, còn rất cần sự trợ giúp của các cơ quan khác, nhất là trong lĩnh vực cung cấp thông tin và giao dịch thương mại.
PV: Xin cám ơn hai ông đã tham gia vào cuộc trao đổi này?