Madagascar có các nguồn tài nguyên thiên nhiên như graphite, cờ-rôm, than, bauxite, đá quý... Đơn vị tiền tệ là đồng Malagasy ariary (MGA) với tỷ giá 1USD = 2.062,5MGA (2013)

Madagascar là thành viên của các tổ chức quốc tế lớn trong đó có Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA), Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC) và Ủy ban Ấn Độ Dương (COI).

Từ giữa năm 90, Madagascar thực hiện cơ chế thị trường, theo đuổi chính sách tư nhân hóa và tự do hóa, khuyến khích nguồn vốn và đầu tư nước ngoài. Chiến lược này đã giúp Madagascar duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đều và ổn định. Madagascar có quan hệ hợp tác kinh tế chủ yếu với các nước phương Tây và châu Á.

Kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp bao gồm cả thủy sản và lâm nghiệp (chiếm 80% dân số và đóng góp hơn ¼ GDP). Nông sản chính gồm có: cà phê, vani (đứng đầu thế giới), đinh hương, hồ tiêu, gạo, bông, cao su, mía... và chiếm tới 90% kim ngạch xuất khẩu.

Công nghiệp khai khoáng chưa phát triển, chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến thịt, thủy sản, dệt may, sản xuất bia, đường, xi măng, lắp ráp ô tô...

Một số chỉ số kinh tế:

· GDP: 10,12 tỷ USD (2012)

· GDP bình quân đầu người: 447,8 USD

· Tăng trưởng GDP: 1,9%

· Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 27,9%, công nghiệp 16,2%, dịch vụ 55,8%

· Kim ngạch xuất khẩu: 640,7 triệu USD (2012)

· Các mặt hàng xuất khẩu chính: cà phê, vanilla, đường, bông, crôm, sản phẩm dầu lửa…

· Các đối tác xuất khẩu chính: Pháp, Trung Quốc, Mỹ, Singapore, Canada, Ấn Độ, Đức, Indonesia, Nam Phi (2012)

· Kim ngạch nhập khẩu: 2,755 tỷ USD

· Các mặt hàng nhập khẩu chính: xăng dầu, lương thực thực phẩm, thiết bị…

· Các đối tác nhập khẩu chính: Trung Quốc, Pháp, Nam Phi, Bahrain, Ấn Độ, Mauritius và Kuwait.

Gần đây, Madagascar đã có những tiến bộ về tạo thuận lợi trong lĩnh vực hải quan và thương mại. Theo Báo cáo Doing Business năm 2012 của World Bank, quốc đảo này đã tiến thêm 7 bậc khi chuyển từ vị trí 144 lên 137 trên tổng số 183 nước được xếp hạng. Tiêu chí thành lập doanh nghiệp đạt được điểm cao nhất đưa Madagascar từ vị trí 70 trong báo cáo trước đó lên vị trí 20, tức là tăng thêm 50 bậc. Số lượng các doanh nghiệp mới thành lập đã tăng 48,2%, từ 13.977 năm 2010 lên 20.710 doanh nghiệp năm 2011. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh vẫn còn một số trở ngại như thiếu điện, vấn đề thực hiện hợp đồng, đóng cửa doanh nghiệp, đăng ký quyền sở hữu và xin giấy phép xây dựng. Một thách thức khác của Madagascar hiện nay là giảm chi phí thương mại thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng (đường sá, cảng, sân bay) cũng như tạo một khung pháp lý thuận lợi để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Madagascar đang nâng cấp và mở rộng cảng Tamatave và chuẩn bị xây dựng 1 khu chế xuất trên cảng nước sâu Ehoala để thu hút những doanh nghiệp mới.

Madagascar đã tiến hành tự do hóa chính sách thương mại kể từ phiên rà soát các chính sách thương mại lần đầu tiên của WTO năm 2001. Trừ những sản phẩm dầu lửa, tất cả các tỷ suất thuế hải quan đều tính theo giá trị hàng hóa với mức trung bình là 13%. Madagascar cũng đã có nhiều tiến bộ trong việc đơn giản hóa và tin học hóa thủ tục hải quan. Việc kiểm định hàng trước khi gửi đi không còn mang tính bắt buộc kể từ tháng 4/2007 nhưng buộc phải sử dụng hệ thống xử lý số liệu hải quan GasyNet với chi phí bằng 0,5% giá trị CIF của hàng hóa.

Là thành viên của Thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA) gồm 19 quốc gia trong đó 13 nước đã thành lập một khu vực thương mại tự do (FTA) năm 2000, Madagascar áp dụng một biểu thế hải quan chung đối với các nước ngoại khối: % đối với nguyên liệu và trang thiết bị, 10% đối với hàng hóa trung gian và 25% đối với hàng thành phẩm.

Madagascar cũng là một trong 79 nước khu vực ACP ký Hiệp định Cotonou với EU (có hiệu lực từ 1/3/2010), theo đó xuất khẩu hàng phi nông sản và phần lớn hàng nông nghiệp chế biến của Madagascar sang EU được hưởng thuế suất 0%.

Quốc đảo này cũng nằm trong số 37 nước châu Phi được hưởng Luật về tăng trưởng và cơ hội phát triển kinh tế tại châu Phi (AGOA) theo đó trên 98% hàng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ được miễn thuế quan.

Madagascar đã tự do hóa giá của phần lớn hàng hóa và dịch vụ như các sản phẩm dầu lửa từ năm 2004 trừ một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn phải kiểm soát về hành chính đối với giá thuốc hoặc theo dõi giá gạo-thức ăn cơ bản của người dân nước này.

Madagascar chia hàng hóa nhập khẩu thành 02 loại: hàng thương mại và hàng phi thương mại. Các thủ tục hải quan về nhập khẩu hàng thương mại phải được những người/công ty giao nhận vận tải có ủy quyền thực hiện.

Madagascar không có những rào cản thương mại phi thuế đáng kể. Chính phủ đã xây dựng những khu chế xuất để phục hồi xuất khẩu, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may. Các trang thiết bị nhập khẩu để sử dụng tại những khu chế xuất được miễn thuế hải quan.

Do khủng hoảng chính trị, nhiều cuộc cải cách nhằm phát triển lĩnh vực tư nhân đã bị chậm lại và Nhà nước vẫn phải kiểm soát hoặc giữ cổ phần tại nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, chế biến nông sản và vận tải hàng không. Mặt khác, trong khuôn khổ các cam kết của Chính phủ vào tháng 8/2011, để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của người dân, Nhà nước đã sử dụng những biện pháp nhập khẩu trực tiếp một số sản phẩm như gạo, đường, dầu ăn và bột mì, điều này không khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong những lĩnh vực liên quan.

Đôi nét về quan hệ hợp tác Việt Nam - Madagascar

Việt Nam và Madagascar thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18/12/1972. Hiện nay, Đại sứ quán ta tại Mozambique kiêm nhiệm Madagascar và Đại sứ quán Madagascar tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam.

Hai bên đã trao đổi một số đoàn sang thăm lẫn nhau: Về phía Madagascar có đoàn của Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Phát triển kinh tế tư nhân (8/2004), đoàn của Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (10/2008). Về phía Việt Nam thăm Madagascar có các đoàn của Bộ trưởng Văn hoá Thông tin Phạm Quang Nghị (3/2003), của Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (11/2003).

Trong lĩnh vực giáo dục và nông nghiệp, vào những năm 1980, có 45 chuyên gia giáo dục Việt Nam sang làm việc tại Madagascar; năm 1999, Việt Nam đã cử 80 chuyên gia, kỹ thuật viên nông nghiệp và thuỷ sản sang làm việc tại Madagascar theo mô hình hợp tác ba bên với sự tài trợ của FAO. Hiện nay, không còn chuyên gia, kỹ thuật viên Việt Nam đi theo hình thức hợp tác này, chỉ còn 3 chuyên gia nông nghiệp đang làm việc tại Madagascar trong khuôn khổ hợp tác song phương.

Hai bên đã ký Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế, Thương mại, Văn hoá, Khoa học và Công nghệ (11/2003).

Trong lĩnh vực công nghiệp, hiện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đang xin gia hạn giấy phép đầu tư để tiếp tục triển khai hoạt động khai thác tại Majunga, Madagascar.

Về quan hệ thương mại, kim ngạch thương mại hai chiều trong năm nay đã tăng mạnh, từ 6,7 triệu USD năm 2012 lên 28,2 triệu USD 9 tháng đầu năm 2013, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 27 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 1,27 triệu USD.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Madagascar gồm gạo (22,78 triệu USD), xi măng (1,7 triệu USD), phân NPK (1,3 triệu USD), máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (0,6 triệu USD), vải sợi, hàng dệt may, sắt thép, xi măng, clanker, linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy, thức ăn chăn nuôi ... và các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm hạt điều, quế, hải sản, sản phẩm dệt may, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày.