Các chỉ số kinh tế:
- GDP: 379,1 tỷ USD
- GDP bình quân đầu người: 7800 USD
- Tăng trưởng GDP: 2,5%
- Tỷ lệ lạm phát: 5,7%
- Tỷ lệ thất nghiệp: 25,1%
Tăng trưởng GDP của Nam Phi đã chậm xuống còn 3,1% trong năm 2008 do khủng hoảng tài chính toàn cầu, và giảm gần 2% trong năm 2009 nhưng đã hồi phục trong 2 năm tiếp theo với tốc độ tăng là 2,9% năm 2010 và 3,1% năm 2011, 3,6% trong năm 2012. Tuy nhiên, đến năm 2013, GDP của quốc gia này có sự sụt giảm mạnh, xuống còn 2,5%. Lạm phát đã vượt khỏi mục tiêu kiểm soát từ 3 – 6% của Ngân hàng Dự trữ Nam Phi và đạt đỉnh ở mức 13,6% vào tháng 8/2008. Lãi suất cao đã làm suy giảm sự tự tin trong tiêu dùng và kinh doanh. Năm 2013, tỷ lệ lạm phát tiếp tục duy trì ở mức trên 5%, là mức thấp so với các năm trước đó. Đồng thời, cải cách cơ cấu chung đã làm gia tăng sự đa dạng và độ mở của nền kinh tế, củng cố sự hồi phục của nền kinh tế trước những khủng hoảng bên ngoài.
- Tỷ lệ thất nghiệp còn duy trì ở mức cao, lao động kỹ năng còn khan hiếm ở một vài khu vực do tình trạng nhập cư. Thêm vào đó, HIV/AIDS cũng có sự ảnh hưởng, khi cứ 5 người Nam Phi thì có 1 người bị HIV/AIDS và đây cũng là một nhân tố liên quan đến vấn đề về lượng lao động, năng suất và chi phí y tế của người lao động. Chi phí an ninh và liên lạc viễn thông cao làm gia tăng chi phí kinh doanh tại Nam Phi. Sự thiếu hụt năng lượng sẽ hạn chế những cơ hội cho những ngành công nghiệp sử dụng nhiều điện, việc này chỉ có thể được khắc phục một khi những nhà máy năng lượng được xây dựng thêm sẽ hoạt động trong giai đoạn 2012 – 2013.
- Cơ cấu kinh tế:
Công nghiệp hiện đang chiếm khoảng 28,4% GDP của Nam Phi, với nhiều ngành khác nhau, trong đó khai khoáng đóng vai trò quan trọng. Nam Phi đứng đầu thế giới về khai thác vàng, kim cương, kim loại quý nhóm platin, quặng crom... Công nghiệp chế tạo ngày càng phát triển mạnh, nhất là công nghiệp ô tô, chế tạo máy, dệt may… Nam Phi là nhà sản xuất thép lớn nhất Châu Phi, chiếm trên 60% sản lượng thép của toàn châu lục. Hóa chất, phân bón, chế biến thực phẩm, đồ uống, sửa chữa tàu biển, năng lượng... cũng là điểm mạnh của nền kinh tế Nam Phi.
Nông nghiệp đóng góp khoảng 2,6% vào GDP của Nam Phi và thu hút khoảng 9% lực lượng lao động. Hiện nay, Nam Phi không chỉ tự túc được về hầu hết các nông sản chủ yếu mà còn là một nhà xuất khẩu nông sản. Mặc dù nông nghiệp có xu hướng giảm tỷ trọng trong GDP, nhưng nông sản và nông sản chế biến vẫn là một yếu tố quan trọng trong nền kinh tế. Trong những năm qua, nông sản đóng góp khoảng 4% kim ngạch xuất khẩu của Nam Phi (trên dưới 1 tỷ USD/năm). Sản phẩm nông nghiệp có ngô, lúa mì, mía đường, trái cây, rau, thịt bò, gia cầm, cừu, len, sản phẩm sữa.
Lĩnh vực dịch vụ của Nam Phi khá phát triển, chiếm 69% GDP. Quan trọng nhất phải kể đến du lịch, bình quân đóng góp 5% GDP. Ngoài ra, các dịch vụ như tài chính ngân hàng, viễn thông, vận tải của Nam Phi khá hoàn chỉnh và tiên tiến so với các nước đang phát triển khác. Nam Phi có tiềm năng du lịch lớn. Ngành du lịch phát triển rất mạnh, với tỷ lệ khách du lịch nước ngoài tăng trung bình khoảng 30% một năm.
Về ngoại thương, năm 2013, Nam Phi xuất khẩu khoảng 93,48 tỷ USD gồm các mặt hàng chính như vàng, kim cương, platinum, các khoáng sản khác, máy móc thiết bị ... Thị trường xuất khẩu chính của Nam Phi gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Đức, Ấn Độ…
Năm 2013 Nam Phi nhập khẩu khoảng 102,6 tỷ USD các mặt hàng như máy móc thiết bị, hoá chất, sản phẩm xăng dầu, thiết bị khoa học, hàng tiêu dùng, thực phẩm... Các đối tác xuất khẩu lớn nhất vào Nam Phi là Trung Quốc, Đức, Ả rập Xê út, Mỹ, Nhật, Ấn Độ…