Tọa đàm nằm trong khuôn khổ dự án “Quản lý PCB tại Việt Nam” do Cục Kiểm soát ô nhiễm thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp thuộc Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp triển khai.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Trần Thế Loãn, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng Cục Môi trường) cho biết: POP/PCB là những hợp chất hữu cơ khó phân hủy trong môi trường, khả năng di chuyển và phát tán xa, có khả năng tích lũy sinh học cao, tích tụ theo các chuỗi thức ăn như: dầu biến thế, dầu công nghiệp, chất phụ gia… nên ảnh hưởng của chúng tới môi trường và sức khỏe của cộng đồng là rất lớn. Năm 2010, Dự án quản lý PCB tại Việt Nam đã được triển khai’, do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới. Đây là một trong những dự án nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với Công ước Stockholm, trong việc quản lý triệt để các hợp chất hữu cơ dạng POP/PCB. Mục tiêu của dự án là xây dựng năng lực quốc gia nhằm quản lý an toàn hợp chất PCB tại Việt Nam.

  Ông Loãn cũng mong muốn, qua buổi tọa đàm và chuyến đi thực tế tại Quảng Ninh lần này, các đại biểu và các nhà báo cũng có cái nhìn thực tế, thêm thông tin về các quy định pháp lý, thực hành an toàn về PCB. Từ đó, sẽ góp phần mang lại sự hiểu biết cho công chúng, thông qua việc đẩy mạnh truyền thông về sự nguy hại của POP/PCB.

Các chuyên gia của dự án cho biết PCB là chất thải độc tính chẳng kém Dioxin đã được thế giới cấm sử dụng và dần dần hủy bỏ hoàn toàn. Việt Nam thì không sản xuất PCB nhưng nhập khẩu và sử dụng hợp chất này trong dầu cách điện của máy biến áp, tụ điện trong dầu công nghiệp như dầu máy thủy lực, dầu turbin khí và phụ gia cho chất dẻo. Ước tính hiện Việt Nam còn khoảng hàng chục nghìn tấn dầu nghi nhiễm PCB. Chính vì thế Việt Nam đang nỗ lực thực hiện giảm thiểu lượng phát thải PCB vào môi trường; loại bỏ việc sử dụng PCB trong các thiết bị, máy móc vào năm 2020 và tiêu hủy an toàn PCB vào năm 2028.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu và các nhà báo đã trực tiếp đặt câu hỏi với Ban Quản lý dự án về phương án truyền thông, việc kiểm soát ô nhiễm hóa chất POP/PCB tại Việt Nam, kế hoạch hoạt động của Công ước Minamata về thủy ngân trong thời gian tới… Đặc biệt, để có thể nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông, các nhà báo cũng đưa ra các kiến nghị, đề xuất như: tạo điều kiện cho phóng viên tham dự các hội nghị, hội thảo để cập nhật, nắm bắt các thông tin liên quan về POP/PCB; tổ chức cho phóng viên đi thực địa, thu thập thông tin để bài viết có cái nhìn sâu và khách quan hơn; lập danh sách các nhà quản lý, chuyên gia của dự án để phóng viên có thể chủ động liên hệ, trao đổi các thông tin cần thiết về POP/PCB…

Trong khuôn khổ buổi Tọa đàm, các đại biểu và phóng viên báo chí, đã có buổi làm việc về công tác quản lý PCB và đi khảo sát thực tế tại kho lưu trữ tạm thời thiết bị điện có dầu nhiễm PCB tại Công ty Điện lực Quảng Ninh