Một số điện lực đang tập trung tìm biện pháp xây dựng phương án chuẩn bị cổ phần hoá, thậm chí có đơn vị chỉ chú trọng cho công tác kinh doanh, hoàn thành kế hoạch doanh thu nên chưa quan tâm đúng mức, thậm chí coi nhẹ công tác giám sát, kiểm tra thực hiện các quy trình, quy phạm về an toàn và công tác trang bị bảo hộ cho người lao động; công tác đào tạo, bồi huấn, kiểm tra sát hạch định kỳ còn đại khái, qua loa và không thường xuyên; chế độ đối với cán bộ, an toàn viên chưa thoả đáng…

Biện pháp thực hiện

Khắc phục những thiếu sót năm 2004, ngay từ đầu năm 2005, Ban Kỹ thuật An toàn EVN được củng cố, hoàn thiện và phân công trách nhiệm hợp lý hơn để tham mưu, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, tổ chức công đoàn của Tổng công ty, chỉ đạo các đơn vị kiện toàn lại hệ thống tổ chức an toàn, bảo hộ lao động và đẩy mạnh các biện pháp thực hiện nghiêm túc công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (AT, VSLĐ, PCCN).

Các biện pháp của EVN là, tuyên truyền giáo dục ý thức trách nhiệm của CBCNV thông qua các công văn, tài liệu, tờ rơi, các lớp bồi huấn kiến thức về công tác AT, VSLĐ, PCCN, đặc biệt là kiện toàn lại đội ngũ cán bộ phụ trách kỹ thuật và mạng lưới an toàn viên ở cơ sở. Chú trọng tăng cường kiểm tra, giám sát lực lượng thi công, có chế độ thưởng thoả đáng cho cán bộ, công nhân làm tốt, không để xảy ra mất an toàn cho người và trang, thiết bị (có đơn vị đề ra mức thưởng đến 500 ngàn đồng/người). Đồng thời, kiên quyết xử lý những vụ vi phạm quy trình, quy phạm về kỹ thuật an toàn và kỷ luật lao động (cá nhân vi phạm bị phạt chậm nâng lương, cắt thưởng, có đơn vị áp dụng biện phạm mạnh: Buộc thôi việc, chấm dứt hợp đồng…). Bên cạnh đó, các công ty, đơn vị trong Ngành, nhất là những đơn vị kinh doanh điện năng đã mạnh dạn áp dụng hình thức khoán tiền lương trong công tác đảm bảo an toàn, quy định rõ trách nhiệm của kỹ sư an toàn, quản đốc, trưởng chi nhánh và thực hiện ký hợp đồng cam kết với người lao động nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn xảy ra.

Xác định ngành Điện là một ngành mũi nhọn trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, vì vậy phải hạn chế xảy ra những sự cố trên hệ thống lưới điện, đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Tổng công ty Điện lực Việt Nam đã hết sức coi trọng việc đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị, máy móc ở các nhà máy điện, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện, giúp cho CBCNV trong Ngành thích nghi với dây chuyền thiết bị hiện đại và từng bước xây dựng tác phong công nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Các cơ quan chuyên môn và tổ chức công đoàn các cấp tích cực hưởng ứng tuần lễ AT, VSLĐ, PCCN do Bộ Công nghiệp phát động, thường xuyên tiến hành kiểm tra việc chấp hành kỷ luật lao động, kiểm tra chéo giữa các đơn vị để phát hiện những thiếu sót, bất cập trong quá trình thực hiện; có kế hoạch và duy trì lịch khảo sát đánh giá tác động của môi trường, ngành nghề, phân loại sức khoẻ đối với CBCNV, qua đó có các giải pháp thiết thực đảm bảo cho người lao động đủ việc làm, yên tâm lao động sản xuất, tăng cường trí lực để cống hiến và xây dựng ngành Điện…

Kết quả đạt được

Nhờ những giải pháp được thực hiện trong năm 2005, số vụ tai nạn lao động tuy có tăng lên 23 vụ, số người bị tai nạn lao động là 27 (trong đó có 12 trường hợp tai nạn nhẹ, 11 người nặng và 4 trường hợp tử vong), nhưng số người chết đã giảm được 3 so với năm 2004. Các vụ cháy nổ tại các nhà máy và hệ thống lưới điện đã được ngăn chặn và hạn chế tới mức thấp nhất. Đặc biệt, nhờ những cố gắng, nỗ lực của tập thể CBCNV toàn Ngành trong công tác AT, VSLĐ, PCCN nên Tổng công ty Điện lực Việt Nam đã thu được những thành quả hết sức quan trọng. Nổi bật là, đã tập trung khắc phục khó khăn do thiên tai, hạn hán kéo dài để cung cấp tối đa nguồn điện năng cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn cả nước, đạt sản lượng 44,9 tỷ kWh, trong đó điện cho công nghiệp - xây dựng chiếm 45,91%, quản lý tiêu dùng - dân cư chiếm 43,81% (tốc độ tăng trưởng điện đạt 15%); hoàn thành đưa điện về 100% số huyện, 95,9% xã và 89,7% số hộ dân nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia (tỷ lệ dân có điện cao hơn nhiều nước trong khu vực có điều kiện kinh tế bằng hoặc hơn Việt Nam); đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để xây dựng nhiều nhà máy điện và hàng chục công trình đường dây và trạm từ 110 kV đến 500 kV. Đặc biệt năm 2005, đã hoàn thành xây dựng Trung tâm Điện lực Phú Mỹ (tổng công suất 3.800 MW) và tổ chức Lễ khởi công, ngăn sông đúng theo kế hoạch công trình Thuỷ điện Sơn La, phấn đấu đưa tổ máy số 1 vận hành vào năm 2010, sớm hơn 2 năm so với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra;…

Những thành tích đáng tự hào của CBCNV ngành Điện đã thể hiện ý thức trách nhiệm của các cấp lãnh đạo từ Tổng công ty tới các đơn vị cơ sở trong việc coi trọng yếu tố con người vì mục tiêu “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Tuy nhiên, trong những năm tới, khi thực hiện chiến lược xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì công tác AT, VSLĐ, PCCN của các đơn vị trong Ngành phải được quan tâm nhiều hơn nữa, đã tốt rồi sẽ còn tốt hơn để thiết thực góp phần xây dựng EVN trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, xứng đáng là ngành mũi nhọn trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.