Trong lúc chờ đợi, nhân lúc đón Xuân sang, tôi nghĩ rằng tốt nhất là mình cũng nói ý kiến của mình, nếu có sai sót mà được người khác chỉ bảo cho thì may mắn biết chừng nào!
Chú thích: Trong bài viết này, tôi xin dùng chữ Trạng Quỳnh để chỉ tác phẩm Trạng Quỳnh, và dùng chữ viết tắt T.Q. để chỉ nhân vật Trạng Quỳnh. Tuy đọc như nhau, nhưng đó là hai khái niệm khác nhau.
1.Xuất xứ của tác phẩm.
Nói T.Q quê ở Thanh Hoá chắc không ai cãi. Nhưng nếu nói Trạng Quỳnh là một tác phẩm văn học dân gian của vùng Thanh Hoá thì có lẽ dễ đồng tình hơn. Thật vậy, ở miền Trung, từ Nghệ An trở vào, không có ai nói lái như trong truyện Trạng Quỳnh. Ngáy đèo = đéo ngày; Thiện đức = đực thiến, Tượng lo = lọ tương... Kiểu nói lái ấy chỉ có từ Thanh Hoá chở ra. Nhưng ở Bắc bộ, lại không có vùng nào nói “mần răng” như Thanh Hoá. Nếu mà chú nói mần răng, Thì chú bú ... cho thằng mần đơn. Rõ ràng, Thanh Hoá đúng là quê hương của Trạng Quỳnh.Hơn nữa, hình như cũng không thấy có tỉnh nào tranh cãi gì về chuyện này.
2. Tính cách nhân vật.
T.Q. là một nhân vật có thật, nhưng được tô vẽ thêm, hư cấu thêm, hay là (tôi thiên về ý này), đó là một sự góp nhặt nhiều nhân vật và đặt một cái tên chung là T.Q. ? Dù sao chăng nữa, xét tính cách nhân vật trong Trạng Quỳnh, ta cũng thấy nổi lên rất rõ những điểm sau đây:
- Một anh chàng lau cá. Thể hiện trong các truyện:
Dê đực chửa, Trả nợ anh lái đò(Đ. mẹ thằng nào bảo thằng nào); Cấy rẽ bà chúa Liễu; Vay tiền bà chúa Liễu; Trả ơn bà chúa Liễu; Thơ trống vần thiến; Thi vẽ rồng...;
- Đánh tráo khái niệm:
Lễ chúa Liễu ba bò; Ông nọ bà kia; Tiên sư thằng bảo thái (Bảo Thái)...;
- Chọc quấy:
Cúng Thành Hoàng (Thôi chú anh linh, xơi hai trứng vậy); Voi nan; Ông Tú Cát; Thiện đức; Nhặt bã trầu (Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm); Đơn trình bò chết (Nếu mà chú hỏi mần răng...); Chúa ngủ ngày (Ngáy đèo); Bà chúa mắc lỡm (Đá bèo chơi);Chọi gà...
- Đả kích mạnh (có khi hơi thô tục, không đúng phong cách chốn quan trường và nơi giao tế ):
Trao ống quyển (đựng cứt, nước đái và châu chấu ) cho các quan chấm thi, Anh lái đò (Lôi động Nam bang, Vũ qua Bắc hải) và cô hàng nước (Nam bang nhất thốn thổ... Bắc triều chư đại phu...)
Sứ Tàu mắc lỡm (Tiếu nà ma cái nị)...
Những chuyện như vậy, thực ra phản ánh sinh hoạt dân dã, của nhiều người, ở nhiều nơi, nhiều lúc, không phải là một người cụ thể nào. Câu chuyện nhiều khi chỉ là bịa ra nói cho vui, cho đã miệng, có tính chất ám chỉ, đả kích bọn thống trị, áp bức, nhưng không có địa chỉ cụ thể, hoặc hoàn cảnh xảy ra không có thực. Văn học nước ngoài, cũng thường có chuyện dân gian như vậy (chuyện cười Gabrovo, những người thích đùa của Na-dim Hic-mét...)
Tóm lại, với một tính cách nhân vật như thế, không thể nói Trạng Quỳnh là tác phẩm viết về Cụ nhà nho và ông quan Nguyễn Quỳnh được. Tôi đã có dịp hỏi G.S Hà Văn Tấn và ông cũng nghĩ như vậy.
3. Về những chuyện tao nhã trong Trạng Quỳnh.
Trong Trạng Quỳnh cũng có chuyện hay mà thanh, như:
Dòm nhà quan Bảng, Đào trường thọ.
Nhưng những chuyện như thế quá ít. Vì đây là chuyện cười mà! Thật vậy, nếu so sánh các chuyện này trong Trạng Quỳnh với các chuyện giai thoại văn học khác của những người có khoa bảng, thì chuyện của những người đó có giá trị cao hơn, cả về tính thâm thuý của văn chương, của triết học lẫn tính tao nhã của người quân tử. Chẳng hạn như chuyện Mạc Đĩnh Chi làm câu đối ngay giữa triều đình của Tàu (...Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô), chuyện ông đọc được tờ điếu công chúa Tàu, khi mà 4 trang giấy chỉ viết có 4 chữ nhất, thành ra “Thanh thiên nhất đoá vân, Hồng lô nhất điểm tuyết, Thượng uyển nhất chi hoa, Giao trì nhất phiến nguyệt...Ô hô, vân tán, tuyết tan, hoa tàn, nguyệt khuyết...”). Hay như chuyện Trạng Hiền, kể rằng ông đã đọc một chư thiếu nét (*) mà sứ Tàu viết ra (chữ Xa thì thiếu một nét ngang ở dưới, mà chữ Đông thì thiếu hai nét phẩy hai bên), thành ra câu “Phi xa bất đông, hồ cừu mông nhung”...Gần hơn nữa, thì như bài thơ “Phản chiêu hồn” của Nguyễn Du, đáp lại bài “Chiêu hồn” của Đỗ Phủ (chiêu hồn Khuất Nguyên trên sông Mịch La) chẳng hạn. Các bậc danh nhân ấy, học rộng, tài, cao, thâm thuý và tao nhã biết chừng nào!
Cũng cần Phải nói thêm rằng, chữ “trạng” trong Trạng Quỳnh không phải là có ý đề cao T.Q. lên học vị Trạng nguyên, mà chỉ là “nói trạng”, nói cho vui, tán gẫu sau giờ lao động nặng nhọc, hoặc gặp lúc vui chơi, hội hè...Những chuyện như thế, lúc nào chả có! Nó có tác dụng giải toả một phần những điều dồn nén, bất cộng, đau khổ, éo le, nực cười, và cũng để chửi lại bọn áp bức, hoặc chửi đổng, trong điều kiện không làm gì khác được.
4. Về vị trí của tác phẩm.
Trong lịch sử văn học, những chuyện láu cá, đánh tráo khái niệm, đả kích... nói trên gọi là truyện dân gian. Nó có một giá trị nhất định trong lịch sử văn học của một dân tộc. Nhưng đó không phải là dòng văn học chính thống, bác học (academic), không phải chuyện của các danh nhân, không phản ánh một tài năng thực. Trong chuyện thi Vẽ rồng, T.Q. được cuộc vì, mới đánh một tiếng trống đã vẽ xong 10 con rồng, trong khi sứ Tàu phải 3 tiếng trống mới vẽ xong một con ngựa. Đọc một câu chuyện như vậy, ta thấy ngượng, vì nếu như vậy thì văn hoá của ta quá thấp, trên cả hai phương diện tài năng và phong cách: đã không làm có thực tài, láu cá, lại còn dương dương tự đắc. Nhà nho chính thống không làm thế. Văn hoá của ta không phải thế. Những chuyện khác như Thơ trống vần thiên, Trả ơn ba bò... cũng có nét tương tự.
Tóm lại, Trạng Quỳnh là một tác phẩm văn học dân gian được nhiều người ưa thích, như nó vốn có mấy lâu nay. Không thể và cũng thấy có ai coi chuyện Trạng Quỳnh là một tác phẩm văn học chính thống. Viết đến đây tôi chợt nghĩ chắc chẳng có ai dại gì xưng danh là hậu duệ mấy đời của cụ Nguyễn Quỳnh đáng kính (dù mới là cử nhân, nhưng đã làm đến Hàn lâm viên tu soạn- chữ đâu có phải không làm quan như Trạng Trình, từ quan như Tam nguyên Yên Đổ...?), lại có ý định chứng minh rằng nhân vật T.Q. có nguồn gốc thực là ông tổ họ Nguyễn. Bởi như vậy, từ chỗ muốn làm vẻ vang cho tổ tiên, lại thành ra ngược lại, có tội với tổ tiên ? Mà cũng chẳng cần gì phải lam như thế ?