Hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050
Mục tiêu tổng quát của Đề án là triển khai thực hiện thành công Tuyên bố JETP gắn với thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; phát triển ngành năng lượng hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ, thông minh trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và các mục tiêu phát triển, đảm bảo công bằng trong chuyển đổi năng lượng.
Tiếp nhận và sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực, cung cấp tài chính cho việc thực hiện Tuyên bố JETP, góp phần thực hiện định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, thực hiện Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.
Giai đoạn từ nay đến năm 2030 xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân tham gia quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ.
Xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP (Kế hoạch huy động nguồn lực) và triển khai các dự án thí điểm thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng. Triển khai thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực với hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ của quốc tế nhằm thúc đẩy chuyển đổi nhiệt điện than và sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch; phát triển các loại hình năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydro xanh, amoniac xanh…).
Nâng cấp, xây dựng hạ tầng sản xuất, truyền tải, tích trữ, phân phối, điều hành điện thông minh, tiên tiến, hiện đại, có khả năng tích hợp quy mô lớn các nguồn năng lượng tái tạo; tăng cường điện khí hóa, phát triển nguồn nhân lực; từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới sản xuất được các thiết bị phục vụ phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo; nâng cao năng lực quản trị ngành năng lượng đạt trình độ tiên tiến.
Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ điện năng, thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng CO2; thúc đẩy sản xuất hydro xanh, amoniac xanh... Phấn đấu đến 2030 hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ.
Ưu tiên nâng cấp và đầu tư hệ thống truyền tải điện
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện. Trong đó tiếp tục đẩy mạnh triển khai lộ trình phát triển hệ thống điện thông minh để tăng cường khả năng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện, giảm tổn thất điện năng trên lưới điện.
Thúc đẩy hợp tác liên kết lưới điện với các nước trong khu vực để tăng cường khả năng liên kết hệ thống, trao đổi điện năng, tận dụng thế mạnh tài nguyên của các quốc gia.
Phát triển các nhà máy thủy điện tích năng để điều hòa phụ tải, dự phòng công suất và tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo với quy mô lớn.
Hỗ trợ đầu tư, triển khai công nghệ pin tích năng kết hợp với điện mặt trời và các loại hình khác trong lưu trữ năng lượng hoặc gần các trung tâm phụ tải.
Xây dựng cơ chế khuyến khích phụ tải tham gia giảm tải trong các giờ cao điểm của hệ thống điện, hoặc thay đổi phương thức quản lý để hoạt động vào các giờ giá điện thấp.
Nhóm dự án ưu tiên từ nay đến năm 2025 triển khai thực hiện JETP trong đó có đầu tư lưới điện truyền tải. Nội dung là hỗ trợ EVN (EVNNPT) đầu tư cơ sở hạ tầng (nâng cấp, mở rộng truyền tải 500kV và 220kV, hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA) và hệ thống quản lý năng lượng (EMS). Cùng với đó hỗ trợ EVN (EVNNPT) đầu tư phân phối 110kV và 22kV để tích hợp các nhà máy điện mặt trời, điện gió và hệ thống điện mặt trời mái nhà; Hỗ trợ thi công đường dây và trạm biến áp điện gió ngoài khơi.
Đơn vị thực hiện: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN (EVNNPT) và các doanh nghiệp tư nhân.
Tài chính được sử dụng từ nguồn vốn từ các thành viên Nhóm các đối tác quốc tế, các đối tác phát triển khác, các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Thời gian: Từ tháng 1/2024 - 12/2029.