Dự án JICA - FIRI là Dự án Hợp tác kỹ thuật giữa Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Viện Công nghiệp thực phẩm (FIRI) được thực hiện trong thời gian 5 năm (năm 2002 - 2007). Sau hơn 2 năm thực hiện, đến nay, Dự án đã đạt được một số kết quả khả quan, giúp tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị, đồng thời hỗ trợ cho các hoạt động chuyển giao công nghệ của Viện CNTP. Để hiểu rõ hơn về kết quả hoạt động của Dự án trong thời gian qua và triển vọng của Dự án trong năm tới, P.V Tạp chí Công nghiệp đã có cuộc trao đổi với TS. Masakatsu Yanagimoto, Cố vấn trưởng Dự án và PGS-TS. Vũ Thị Đào, Giám đốc Dự án, Viện trưởng Viện CNTP.
ông Masakatsu Yanagimoto, Cố vấn trưởng Dự án
PV: Xin ông cho biết đôi nét về Dự án JICA - FIRI ?
ông Masakatsu Yanagimoto: Ngày 13/5/2002, được sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản, FIRI và JICA đã ký kết dự án: Tăng cường năng lực Viện CNTP (do Chính phủ Nhật Bản tài trợ). Mục đích của Dự án là nâng cao năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho Viện CNTP trong chế biến thực phẩm quy mô vừa và nhỏ. Thời gian thực hiện Dự án từ 6/9/2002 đến 5/9/2007.
Về cơ cấu tổ chức: Phía Nhật Bản có 4 chuyên gia làm việc dài hạn gồm: Cố vấn trưởng, điều phối viên, chuyên gia Vi sinh, chuyên gia Phân tích/chế biến thực phẩm và một số chuyên gia làm việc ngắn hạn khi cần. Phía Việt Nam gồm có Giám đốc, Phó giám đốc quản lý Dự án, các đối tác, thư ký, nhân viên hành chính.
Các hoạt động của Dự án gồm:
- Phân tích các đặc điểm của các loại nông sản chế biến thực phẩm của Việt Nam: Khảo sát, điều tra tình hình thực tế; Phân tích các nhân tố có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
- Chuyển giao công nghệ ứng dụng cơ bản về vi sinh và enzym; Chuyển giao công nghệ phát triển các thành phần thực phẩm mới.
- Chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực phân tích các thành phần và chất lượng thực phẩm bao gồm chuyển giao các phương pháp phân tích các thành phần và chất lượng thực phẩm; áp dụng việc phân tích các thành phần và chất lượng thực phẩm vào quá trình chế biến thực phẩm.
- Hướng dẫn hệ thống kiểm tra chất lượng và công nghệ chế biến thực phẩm cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm quy mô vừa và nhỏ, gồm có chuẩn bị các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật; Tổ chức các hội nghị, hội thảo; Thực hiện các chương trình đào tạo...
Ngoài ra, JICA còn trang bị các máy móc, thiết bị hiện đại cho Viện CNTP phục vụ công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của Viện CNTP.
PV: Xin ông đánh giá sự phối hợp của Chính phủ Việt Nam với các Tổ chức quốc tế trong việc thực hiện dự án?
ông Masakatsu Yanagimoto: Nhật Bản là quốc gia tiến hành nhiều dự án (với tổng số vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng) đầu tư vào nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, trong đó có sự tham gia tích cực của JICA.
Trong những năm qua, Viện CNTP đã hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế như UNDP, UNIDO, WB, UNESCO và nhiều tổ chức của các nước phát triển. Để tiến hành dự án, các nhà tài trợ cần nhiều thông tin về các chương trình và dự án hơn nữa. ở một số nước, Chính phủ có những tài liệu nêu rõ những lĩnh vực và dự án mà họ mong muốn để thu hút các nguồn tài trợ, qua đó các nhà tài trợ có thể điều chỉnh chính sách của mình cho thích hợp. Đồng thời cũng nên thông tin cho quần chúng và những người có liên quan biết về kế hoạch và quá trình triển khai dự án.
Để thu hút nhiều hơn nữa các dự án và các nguồn tài trợ của nước ngoài, theo tôi, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục chính sách cải cách và phối hợp hiệu quả hơn nữa với các nhà tài trợ. Việt Nam nên mở cửa hơn nữa và tiếp tục công khai hóa ngân sách thực hiện các chương trình dự án. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tình hình chính trị và môi trường đầu tư ở Việt Nam ngày càng ổn định và phát triển, như vậy đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phối hợp tiến hành các dự án.
Bà Vũ Thị Đào,
Giám đốc Dự án,
Viện trưởng Viện CNTP
PV: Được biết, sau hơn 2 năm thực hiện, Dự án JICA - FIRI đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, xin Bà cho biết những kết quả nổi bật trong thời gian qua?
Bà Vũ Thị Đào: Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác giúp đỡ của JICA trong việc thực hiện Dự án Hợp tác kỹ thuật được ký kết ngày 13/5/2002. Cho đến nay, Dự án đã thực hiện được một nửa thời gian và sẽ kết thúc vào tháng 9/2007. Chúng tôi đang chuẩn bị đánh giá kết quả giữa kỳ Dự án. Một số kết quả đạt được trong thời gian qua là:
- Thông qua đầu tư của Dự án (Kể cả JICA lẫn vốn đối ứng trong nước), cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng được tăng cường: Hai phòng thí nghiệm chung về Phân tích và Vi sinh được thành lập, với các trang thiết bị hiện đại, phục vụ trước mắt các hoạt động của Dự án và phục vụ lâu dài công tác nghiên cứu, hỗ trợ cho các hoạt động chuyển giao công nghệ của Viện. Đây là cơ hội tốt cho Viện có thể thực hiện việc xây dựng phòng thí nghiệm chuẩn, để tham gia vào hệ thống các phòng thí nghiệm chuẩn quốc gia, từ đó Viện có thể thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ Nhà nước giao. Tổng số kinh phí đầu tư cho hai phòng thí nghiệm chung là 800.000 USD.
- Trình độ chuyên môn của cán bộ nghiên cứu từng bước được nâng lên.
- Thông qua chương trình đào tạo của Dự án, cán bộ nghiên cứu của Viện có cơ hội được tiếp cận với những kỹ thuật tiên tiến, thiết bị hiện đại của nước Bạn. Đến nay, đã có 16 đối tác của Viện được đào tạo tại Nhật Bản.
- Đào tạo các đối tác tại chỗ (Chuyên gia dài hạn và ngắn hạn đào tạo cho các đối tác tại Viện) rất có hiệu quả, bởi các cán bộ của Viện được các chuyên gia truyền đạt kiến thức và thực hành ngay trên thiết bị, gắn các nội dung nghiên cứu vào hoạt động Dự án, nên việc chuyển giao công nghệ đạt hiệu quả cao. Với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ cán bộ được đào tạo tại Nhật Bản, cũng như tại Việt Nam, các nội dung của Dự án thực sự đang phục vụ có hiệu quả và gắn kết các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo của Viện với thực tế sản xuất.
PV: Để chuẩn bị cho thời gian tới, Dự án có những kế hoạch như thế nào, thưa Bà?
Bà Vũ Thị Đào: Trong thời gian còn lại, kế hoạch của Dự án là tiếp tục đầu tư bổ sung thiết bị cho phòng thí nghiệm vi sinh, đào tạo đối tác, chuyển giao một số công nghệ chế biến nông sản (sản xuất đường chức năng, axít lactic, nâng cao chất lượng rượu vang quả, vang gạo...)
Nhân dịp này, tôi xin thay mặt Viện Công nghiệp thực phẩm cám ơn sự quan tâm của hai nhà nước Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời cám ơn các chuyên gia dài hạn, ngắn hạn của JICA đã và đang làm việc tại Viện, kể cả các trường, các viện, các cơ quan tại Nhật Bản đã giúp đỡ, đào tạo cán bộ cho Viện chúng tôi.
Với tinh thần hợp tác giữa JICA và Viện Công nghiệp thực phẩm, tôi tin tưởng Dự án sẽ thành công tốt đẹp.
PV: Xin cảm ơn ông Cố vấn trưởng và bà Giám đốc Dự án./.