Gần đây, phương pháp diệt chồi thuốc lá bằng hoá chất bắt đầu phát triển ở Việt Nam với sản phẩm chủ yếu là thuốc Accotab - Chất diệt chồi tác động theo cơ chế tiếp xúc - lưu dẫn cục bộ. Hiệu quả diệt chồi của Accotab khá tốt và hiệu quả, tăng năng suất là 10 - 15 % so với diệt chồi thủ công (tỉa bỏ chồi bằng tay) (Bảng 1). Vụ mùa 2004 - 2005, diện tích thuốc lá sử dụng Accotab ở các tỉnh miền Trung và miền Nam đạt xấp xỉ 1.500 ha trong tổng số khoảng 8.000 ha thuốc lá của hai khu vực này. Vụ Xuân 2002, Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá bắt đầu tiến hành nghiên cứu sử dụng chất diệt chồi thuốc lá cho các vùng trồng phía Bắc. Kết quả nghiên cứu đã xây dựng được những nội dung chính của qui trình sử dụng chất diệt chồi thuốc lá trong điều kiện mùa vụ của các vùng trồng phía Bắc và cải tiến dụng cụ xử lý. Hiện nay, thuốc diệt chồi Accotab không chỉ được sử dụng trên cây thuốc lá, mà còn được dùng để xử lý chồi nách cho cây thuốc lào. Tổng diện tích thuốc lá và thuốc lào ở các tỉnh phía Bắc hiện nay khoảng 10.000 ha. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân chính, đó là người trồng ở phía Bắc chưa nhận thức rõ hiệu quả của việc sử dụng chất diệt chồi, thứ hai là do nguồn cung cấp không ổn định nên diện tích thuốc lá, thuốc lào dùng thuốc Accotab còn thấp (5 - 7 %).

Hiệu quả của việc sử dụng các hoá chất diệt chồi trong sản xuất thuốc lá nguyên liệu đã khá rõ, song mặt trái của nó là để lại dư lượng trong đất và trong sản phẩm thuốc lá, nhất là khi chúng ta sử dụng thái quá hoá chất diệt chồi. Bằng chứng là sức sản xuất của hàng ngàn hécta đất trồng thuốc lá ở Mỹ, Zimbabwe... đã bị suy giảm rõ rệt sau nhiều năm sử dụng hoá chất diệt chồi. Gần đây, việc nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá của các nước thuộc châu Mỹ tới các thị trường khó tính như Tây Âu, Nhật Bản gặp khó khăn hơn do có dư lượng hoá chất diệt chồi MH (Maleic Hydrazid) vượt quá ngưỡng 80 ppm. (Bảng 2, 3)

Từ năm 2003, Viện Kinh tế Kỹ thuật Thuốc lá tiến hành nghiên cứu tạo và sử dụng chế phẩm diệt chồi từ dầu thực vật - Diệt chồi theo cơ chế tiếp xúc. Kết quả bước đầu cho thấy, các chế phẩm này có hiệu quả diệt chồi cao hơn so với sử dụng trực tiếp dầu dừa hoặc dầu lạc (Bảng 2). Các chế phẩm dầu thực vật khi sử dụng làm chất diệt chồi thuốc lá sẽ đảm bảo an toàn hơn cho người sử dụng và môi trường sinh thái. Nguồn nguyên liệu trong nước để tạo chế phẩm diệt chồi khá dồi dào. Hy vọng rằng, chế phẩm diệt chồi từ dầu thực vật sẽ là sản phẩm được lựa chọn để góp phần hình thành phương thức sản xuất nguyên liệu thuốc lá, thuốc lào ít độc hại hơn cho người hút và thân thiện với môi trường sinh thái trong thời gian tới.