Tiêu dùng thịt, trứng: Từ “quầy sập” sang “kệ hàng, dán nhãn” - Con đường có còn xa?
Cùng với sự cải thiện của thu nhập và nguồn cung thịt, tiêu thụ thịt và trứng của người Việt Nam đã gia tăng rõ nét trong những năm gần đây (Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mức tiêu thụ ở nông thôn tăng khoảng 0,6 kg/người/tháng còn tại thành thị tăng khoảng 0,2 kg/người/tháng so với 10 năm trước). Tuy nhiên, mức tiêu thụ thịt ở Việt Nam hiện vào khoảng 34 kg thịt xẻ/người, xếp vị trí thứ tư trong khu vực ASEAN nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới (42 kg/người/năm), cho thấy tiềm năng thị trường này vẫn còn rộng mở.
Hai khu vực tiêu thụ thịt và trứng nhiều nhất cả nước đó là Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ, do đây là những khu vực có thành phố lớn, lân cận với hai trung tâm kinh tế là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là nơi có lực lượng lao động trẻ, hiện đại, năng động, dễ thích nghi với những xu hướng tiêu dùng mới khi hội nhập.
Theo truyền thống, người tiêu dùng thịt của Việt Nam ưa thích thịt tươi, nóng không qua chế biến, được chuyển thẳng từ các lò mổ ra chợ. Những sản phẩm này không dự trữ trong thời gian dài hoặc đông lạnh và không có bao gói, nhãn mác hay kiểm dịch.
Phần lớn người tiêu dùng vẫn mua thịt, trứng từ các chợ truyền thống (khoảng 80% tổng lượng thịt giết mổ được tiêu thụ theo kênh phân phối này). Khảo sát của Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, có khoảng 90% người tiêu dùng vẫn mua thịt tại các chợ truyền thống (trong đó có chợ cóc, chợ tạm) và chỉ một tỷ lệ rất nhỏ có thói quen kiểm tra xem sản phẩm thịt có được đóng dấu kiểm dịch không. Trong ngắn hạn, đây có thể được coi là hàng rào bảo hộ tự nhiên đối với sản phẩm đông lạnh từ các nước chăn nuôi lợn phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, cùng với sự thâm nhập ngày càng mạnh mẽ của các sản phẩm nước ngoài, dự báo xu hướng tiêu thụ thịt nhập khẩu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, đối với người có thu nhập cao sẽ tập trung vào các nhóm thịt cao cấp như thịt bò Úc, Nhật Bản, đối với người tiêu dùng thấp hoặc bình dân sẽ tập trung vào nhóm thịt đông lạnh nhập khẩu từ các nước thành viên TPP.
Trong khi đó, thịt nhập khẩu qua đường tiểu ngạch hoặc nhập lậu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn được đưa vào Việt Nam để phục vụ các quán ăn và những người tiêu dùng có thu nhập thấp. Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng vệ sinh an toàn thực phẩm được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đang gây ra tâm lý lo ngại trong người tiêu dùng.
Cùng với sự tham gia tích cực của truyền thông, đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn người tiêu dùng chuyển từ thói quen mua bán tạm bợ sang những yêu cầu cao hơn về nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tiêu dùng gạo: Sắp qua thời “đong bơ”, “trộn lẫn”?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tiêu dùng gạo bình quân tại Việt Nam hiện vào 9 kg/người/tháng. Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng lựa chọn các loại gạo chất lượng cao, có thương hiệu và an toàn. Theo cuộc điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tiến hành vào năm 2014, trên địa bàn Hà Nội, loại gạo được ưa thích sử dụng nhất là gạo Bắc Hương (chiếm 29,2% tổng số người được phỏng vấn), theo sau là gạo Tám Hải Hậu (18,8%), gạo Tám Điện Biên (14%), gạo Tám Thái (11,8%), gạo Thái Lan (9,03%). Tuy nhiên, loại gạo được ưa chuộng sử dụng trong TP. Hồ Chí Minh lại khác hoàn toàn so với Hà Nội với gạo Tài Nguyên (chiếm tỷ lệ cao nhất là 43,6%), tiếp theo là Lài Sữa (14,8%), gạo Đài Loan (8,72%), gạo Thái Lan (6,04%), Nàng Xoan (5,4%).
Nhận thức ngày càng cao hơn của người tiêu dùng về chủng loại gạo mà họ tiêu thụ, với những nhãn hiệu và đặc tính riêng, cho thấy có lẽ đã sắp qua thời hàng sáo có thể ngang nhiên trộn lẫn các loại gạo giá cao và giá thấp để trục lợi. Nhu cầu mua các loại gạo có thương hiệu, đóng bao gói tăng lên cùng với khả năng sẵn sàng chi trả giá cao hơn cho các sản phẩm chất lượng. Theo kết quả điều tra, hầu hết người tiêu dùng gạo, được điều tra trên hai địa bàn, đều sử dụng cả hai loại gạo đóng gói có thương hiệu và không có thương hiệu với tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng gạo có đóng gói thương hiệu trong TP. Hồ Chí Minh cao hơn Hà Nội. Điều này cũng một phần được giải thích bởi tính thương mại hóa cao và sự phát triển của các kênh phân phối hiện đại trong TP. Hồ Chí Minh.
Về địa điểm mua gạo, phần lớn người tiêu dùng mua gạo tại các cửa hàng chuyên bán gạo (71%), đứng thứ hai là siêu thị (12,6%). Lý do chủ yếu khiến người tiêu dùng lựa chọn các địa điểm bán hàng này là địa điểm đáng tin cậy, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo, theo sau là có dịch vụ vận chuyển tận nhà, thuận tiện về giao thông và có nhiều chủng loại gạo để lựa chọn.

Người tiêu dùng và hành trình “di chuyển từ chợ cóc vào siêu thị”
Mặc dù đa phần người dân vẫn giữ thói quen mua thực phẩm tại các chợ truyền thống nhưng xu hướng di chuyển từ các chợ cóc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vào các hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại đang ngày càng rõ nét tại Việt Nam, đặc biệt khi có sự tham gia mạnh mẽ của các nhà phân phối lớn vào phân khúc bán lẻ hiện đại.
Theo số liệu của Tổng cục Thống
kê, tính đến cuối năm 2014, cả nước có 8.568 chợ, trong đó có 236 chợ hạng 1,
932 chợ hạng 2 và 7.400 chợ hạng 3. Trong đó riêng Hà Nội đã có 426 chợ, TP. Hồ
Chí Minh có 240 chợ. Cả nước hiện có gần 770 siêu thị, trong đó Hà Nội có trên
100 siêu thị, Hải Phòng gần 20 siêu thị và TP. Hồ Chí Minh có gần 200 siêu thị đang
hoạt động.

Theo kết quả khảo sát của Nielsen đối với hành vi người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị, cho thấy thị trường Việt Nam có nhiều lợi thế tiềm năng để phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi, như: có 73% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Dân số Việt Nam dưới 35 tuổi chiếm 57%. Tỉ lệ đô thị hóa ở Việt Nam khoảng 30% với mức tăng trưởng 3,4%/năm. Nhận thức của người tiêu dùng về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm, cũng như khả năng thích nghi với những kênh phân phối, thanh toán hiện đại cũng là những nhân tố sẽ thúc đẩy xu hướng bán lẻ mới trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, “hành trình di chuyển từ chợ cóc lên siêu thị” của người tiêu dùng thực phẩm Việt Nam vẫn còn rất gian nan. Trước hết, do tâm lý quan ngại chất lượng thực sự của hàng hóa bày bán tại siêu thị. Sự thiếu minh bạch trong việc truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm của siêu thị với người tiêu dùng chính là nhân tố cản trở lớn nhất đối với những người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn để được tiêu thụ những sản phẩm an toàn hơn. Sự bố trí chưa hợp lý và mật độ của các siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm an toàn chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm tiện lợi của người tiêu dùng. Để các kênh bán lẻ hiện đại thực sự mang lại lợi ích bền vững cho người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt về phương diện an toàn vệ sinh thực phẩm và minh bạch thông tin, giá cả, cần đến sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan chức năng và các tác nhân trong chuỗi cung ứng thực phẩm, để khắc phục triệt để những hạn chế trên và phát huy những lợi thế của một thị trường rộng lớn, hội nhập trong thời gian tới…