Từ đầu làng, du khách đã thấy tấm biển lớn “Hiệp hội làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ”, đây là một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch làng nghề Hà Tây cũ, và Hà Nội ngày nay. Hỏi thăm bà con ai cũng nhiệt tình chỉ đường đến nhà nghệ nhân Trần Bá Dinh. Bên thềm nhà gỗ cổ kính, ông Trần Bá Dinh đang tỉa nét bức tranh hình tháp rùa Hồ Gươm, có cành phượng rủ bóng, bên cạnh là một thiếu nữ đang làm duyên trong bộ áo dài thướt tha. Đó là sản phẩm chiếc hộp nữ trang lấp lánh ánh trai, thật phù hợp với các chị em dùng để đựng đồ nữ trang. Nhìn ông làm, tôi mới thấy được sự kỳ công, tinh xảo, tài hoa lãng mạn của người thợ làng nghề khảm trai. Dừng tay, ông Dinh vào nhà pha ấm trà mời chúng tôi, rồi thong thả giới thiệu về lịch sử của làng nghề, cũng như cái nghiệp mà ông theo đuổi suốt 50 năm qua. Người xưa kể lại: Cụ Trương Công Thành, vị Phó tướng của Lý Thường Kiệt, thời Lý khi đi du ngoạn trên các sông suối thấy vỏ trai ốc có màu sắc lóng lánh, cụ mang về ghép thành hình chữ trên hoành phi câu đối đẹp, từ đó cụ dạy dân làm theo. Sau bao thăng trầm của thời gian, nhiều thế hệ người dân trong làng vẫn giữ gìn và phát huy truyền thống, từ đời này sang đời khác. Ông Dinh là đời thứ 3 tiếp nối  nghề khảm trai, từ năm lên 9-10 tuổi, ông đã tập tành theo bố và ông nội làm tranh, đến năm 20 tuổi ông đã trở thành “thợ cứng” của làng, từng có 16 năm gắn bó với HTX thủ công Mỹ Thịnh và 10 năm làm Phó chủ nhiệm HTX. Sau khi HTX giải thể, ông trở về nhà tiếp tục làm nghề và dạy bảo con trai, con dâu kế tục sự nghiệp của cha ông. Hiện cháu trai của ông hàng ngày vẫn thường cùng ông và bố mài vỏ trai, vẽ tranh...

Trong nhà ông, từ bộ salon, tủ chè đến cuốn thư, câu đối trên bàn thờ đều được khảm trai, với những hoạ tiết cách điệu, mang ý nghĩa vừa cổ kính, vừa có tính giáo dục cao. Bộ salon ở gian giữa nhà, ông đã khảm hơn 10 năm nay, đây là một trong những vật kỷ niệm trong đời làm nghề mà ông dùng để tiếp khách. Trong nhà, ở đâu cũng thấy những bức tranh khảm trai giàu truyền thống, các sản phẩm cao cấp do khách đặt sẵn, hoặc trưng bày đón tiếp các đoàn khách tham quan. Theo ông Dinh, một sản phẩm khảm trai ra đời phải trải qua 7 công đoạn, đầu tiên là chế biến nguyên liệu, vỏ trai, ốc được mài nhẵn, bóng, rồi cưa theo hoạ tiết đã vẽ, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa thợ mộc với thợ khảm trai, rồi đến tỉa nét, đánh vecni... Một sản phẩm có giá trị cao đòi hỏi phải có đôi bàn tay người thợ giỏi, có chất liệu, nguyên liệu quý, làm ra một sản phẩm mất rất nhiều thời gian. Một số sản phẩm được các quý bà ưa thích như hộp nữ trang, khay, gương, tráp, với các hoạ tiết tinh xảo, hoa văn cách điệu, cầu kỳ. Hộp tráp có thể dùng để đựng trầu hoặc đựng bánh kẹo, hạt dưa trong ngày Tết. Xung  quanh hộp tráp là các hoạ tiết hình “lê, lựu, đào, thủ” và 4 câu thơ cổ. Bên cạnh đó, nhiều khách còn thích các bức tranh đồng quê, thần tài, câu đối... Đặc biệt, trong ngày Lễ, Tết khách thường thích các bức tranh để mừng thọ như “Phúc, Lộc, Thọ”, và tranh “Vinh quy bái tổ” để cầu mong con cháu thành đạt. Chỉ tay lên tường nhà, ông Dinh giải nghĩa của hai câu đối mà ông rất tâm đắc: “Thiên quy mạt nhược tử tôn hiền” (có nghìn vàng cũng không quý bằng có con cháu hiền thảo), “Bách kế bất như nhân đức thiện” (dù có trăm kế cũng không bằng việc làm nhân đức). Ông vẫn thường dạy con cháu nên làm điều thiện, bản thân ông cũng luôn tích đức cho hậu thế, có vậy, con cháu mới làm theo.

Nửa đời người gắn bó với nghề, ông Dinh vinh dự được giao làm nhiều bức tranh quan trọng về Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đến nay, ông vẫn nhớ kỷ niệm về những lần được phục vụ Bác Hồ. Nhân dịp ra mắt HTX thủ công Mỹ Thịnh, ông Dinh được HTX giao làm 2 ảnh chân dung Bác, một bức để biếu văn phòng của Bác Hồ, một bức kính tặng văn phòng Tỉnh uỷ Hà Tây cũ. Một kỷ niệm đáng nhớ nữa là năm 1968, Bác Hồ chuẩn bị sang thăm Cu Ba nên các đồng chí văn phòng của Bác đặt ông làm bức ảnh Chủ tịch Fidel Castro. Trong lúc ông đang làm thì bị ốm,  một đồng chí ở văn phòng về nhắc sắp đến ngày Bác sang thăm Cu Ba, nhưng ông xin khất mấy ngày nữa khoẻ sẽ làm tiếp. Được tin này, Bác cử một đồng chí mang tới 1kg đường và 10 gói chè để động viên ông, nhận được quà của Bác, ông Dinh thấy người khoẻ hẳn lên, như khỏi hết bệnh tật và đã hoàn thành bức ảnh chân dung Chủ tịch Fidel Castro, kịp thời gian Bác đi thăm Cu Ba. Nhiều lần, ông vinh dự được làm ảnh chân dung của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười,... Mặc dù không qua trường lớp về hội hoạ nhưng nhờ cách nghĩ “học thầy không tày học bạn” nên ông Dinh đã học ở mọi chỗ, mọi nơi, học qua bạn bè, đi đâu thấy bức tranh đẹp là ông về vận dụng ngay, chiêm ngưỡng các bức hoạ đẹp, rồi tích cực đọc sách báo, tranh, ảnh, mua sách hội hoạ... Nhờ vậy, ông đã tích luỹ được nhiều kiến thức về hội hoạ và cho ra đời nhiều bức tranh nghệ thuật tôn vinh nghề khảm trai của làng mình. Một đời tự học, tu luyện tay nghề, ông đã trở thành nghệ nhân và truyền nghề cho nhiều thế hệ con cháu trong làng. Đến nay, nhiều học trò của ông đã trở thành thợ giỏi, trong đó đáng kể như anh Nguyễn Phú Huynh hiện rất thành đạt ở TP. HCM, anh Nguyễn Đình Vịnh hiện là chủ cơ sở khảm ở Bắc Ninh... Ông từng đoạt nhiều giải  thưởng tại các hội chợ, triển lãm, 2 lần được tặng danh hiệu “Bàn tay Vàng”, với tác phẩm Bộ tứ bình, và Quan Thế Âm Bồ Tát, ông được công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam 2005, Huy chương vì sự nghiệp văn nghệ dân gian...