Thưa ông, để xứng đáng là địa chỉ uy tín đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Dệt May Việt Nam, đặc biệt cho Tập đoàn Dệt May Việt Nam, nhà trường đã có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng đào tạo?

Năm học 2013 - 2014, Nhà trường tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau:

1/ Định hình lại cơ cấu các bộ môn, các khoa đào tạo, tiếp tục mở rộng ngành nghề, tăng quy mô đào tạo để theo kịp sự phát triển của ngành;

2/ Xây dựng bộ máy, cải tạo cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, nguồn nhân lực… để đáp ứng chiến lược phát triển mới của Nhà trường;

3/ Xây dựng và cải tiến nội dung, chương trình giảng dạy phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp và xã hội; đồng thời đổi mới phương pháp dạy và học, với phương châm giảm lý thuyết, tăng thực hành và thực tập doanh nghiệp, nhằm hình thành khả năng tự học, tự nghiên cứu và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên (HSSV);

4/ Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế;

5/ Tạo mối quan hệ gắn kết với doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu thực tế, qua đó xây dựng nội dung, chương trình đào tạo phù hợp, cũng như tạo môi trường thực tập và việc làm cho HSSV sau khi ra trường…

Bên cạnh đó, Trường luôn phát động các phong trào thi đua "Dạy tốt - Học tốt", tổ chức các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, biểu diễn thời trang… nhằm xây dựng văn hóa, thương hiệu của nhà trường để tạo ra lực hút đối với HSSV, cũng như các doanh nghiệp.

Xin ông cho biết tình hình tuyển sinh năm học 2013 - 2014?

Năm học 2013 - 2014, trường tuyển 2.360 Cao đẳng, 700 Cao đẳng nghề và 200 Trung cấp chuyên nghiệp; bước đầu trường đã thông báo nhập học được hơn 1.700 Cao đẳng (trong đó ngành công nghệ may có số lượng đông nhất) và nhập học được hơn 200 Cao đẳng nghề tại các công ty: May Vĩnh Tiến (Vĩnh Long), May An Nhơn (Bình Định), May 28 (Bộ Quốc phòng). Năm 2013, do Quy định mới của Bộ GD&ĐT về đào tạo liên thông Đại học nên việc tuyển sinh của nhà trường có khó khăn hơn.

Năm nay, nhà trường sẽ thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ ở trình độ Cao đẳng. Đặc biệt, trường sẽ mở 3 lớp Cao đẳng chất lượng cao ở 3 ngành: Công nghệ may; Quản trị kinh doanh và Kế toán. Các chương trình chất lượng cao, ngoài các mục tiêu phải đạt được như các chương trình thông thường, sinh viên còn phải đạt được 4 yêu cầu sau: Giao tiếp được bằng tiếng Anh trong hoạt động chuyên môn; có các kỹ năng mềm như: giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo, sử dụng thành thạo các phần mềm tin học trong chuyên môn…; am hiểu kiến thức chuyên môn được cập nhật thực tế;  nói được và làm được thành thạo các kỹ năng nghề nghiệp.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn và Quyết định của Bộ GD&ĐT, ngày 01/10/2013, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex TP. HCM đã khai giảng lớp Cao đẳng công nghệ sợi, dệt hệ chính quy, khóa 2013 - 2016. Đây là khóa đào tạo công nghệ sợi, dệt đầu tiên của trường với 59 học viên, nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn ngành sợi, dệt am hiểu kỹ thuật để đáp ứng sự phát triển ngành sợi, dệt của Tập đoàn  và Ngành trong thời gian tới.

Bước vào năm học mới, xin ông cho biết việc đầu tư cơ sở vật chất của nhà trường?

Nhằm phục vụ tốt cho việc dạy và học, nhà trường đã chú trọng đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học… Tại cơ sở 1: Nhà trường đã quy hoạch lại mặt bằng, cải tạo xưởng sản xuất, phòng học, hội trường, xưởng thực hành, phòng làm việc của cán bộ, giáo viên khang trang hơn. Nhằm giúp sinh viên có cơ hội áp dụng lý thuyết vào thực hành, nhà trường đã đầu tư thêm một số thiết bị hiện đại của ngành may như hệ thống vi tính giác sơ đồ,  một số thiết bị tự động trong ngành may…. Tại Cơ sở 2: đầu tư và cải tạo khu phòng học lý thuyết, sân tập thể dục, xưởng thực tập sản xuất, ký túc xá…

Được biết, Tập đoàn đang triển khai một số dự án, vì vậy nhu cầu đào tạo lao động của Tập đoàn rất lớn, nhà trường đã có những chương trình đào tạo như thế nào để đáp ứng các dự án trên?

Bên cạnh chương trình đào tạo chính quy, nhà trường còn triển khai các chương trình đào tạo tại doanh nghiệp như tại: Việt Tiến, Nhà Bè, Phong Phú, Huế, Hòa Thọ, Tam Quan, An Nhơn, Vĩnh Tiến, Tây Đô, La-gi... giúp giảm chi phí và tiếp cận thực tế doanh nghiệp. Ngoài ra, trường còn mở các lớp công nhân may, cán bộ kỹ thuật, chuyền trưởng…theo các chương trình khuyến công và đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các doanh nghiệp may như: Vinatex Tư Nghĩa, Tây Sơn, Tam Quan, Tây Đô, Đồng Nai, Bình Phước, Trà Vinh,… Từ chương trình đào tạo Đại học, Cao đẳng đến các chương trình đào tạo ngắn hạn, nhà trường đều có các lớp rải khắp từ Huế trở vào phía Nam để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho các dự án.

Nhà trường cũng đã chủ động mở các lớp đào tạo kỹ thuật trồng bông cho hơn 1.000 người tại Công ty CP Bông miền Bắc, Công ty CP bông Tây Nguyên và Công ty CP Bông Việt Nam, cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho dự án phát triển cây nguyên liệu của Tập đoàn.

Với phương châm bám sát chiến lược của Tập đoàn và nhu cầu về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp, nhà trường luôn chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nhằm từng bước tăng cường vị thế, thương hiệu của nhà trường, xứng đáng là địa chỉ uy tín đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Dệt May Việt Nam và nhu cầu của xã hội./.

Xin cám ơn ông!