Trong thời gian qua, Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ đã triển khai ứng dụng sâu rộng, hiệu quả công nghệ thông tin vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ công tác quản lý điều hành đến công tác sản xuất.
Tất cả các mảng đều được tin học hóa từ các phần mềm dùng chung của Tập đoàn phục vụ công tác quản trị điều hành của các cấp lãnh đạo như E-Office 3.0; quản lý nguồn lực doanh nghiệp ERP, quản lý đầu tư xây dựng IMIS, quản lý kỹ thuật PMIS… đến các ứng dụng tự triển khai như phần mềm quản lý công tác bảo dưỡng sửa chữa các Nhà máy điện Phú Mỹ, quản lý tình trạng vật tư đường khí nóng của các tổ máy - MAXIMO; Phần mềm kiểm kê vật tư bằng thiết bị di động;... Nhưng với một đơn vị sản xuất, việc ghi nhật ký thông số vận hành điện là công việc hết sức quan trọng.
Phần mềm nhật ký vận hành điện tử có chức năng ghi nhận, đánh giá thông số vận hành, ghi nhật ký vận hành thay thế cho việc ghi chép bằng tay trên file giấy, giúp cho việc tra cứu thông tin được nhanh chóng, chính xác; kiểm soát được tính xác thực của việc ghi và đánh giá thông số, ghi nhật ký vận hành; Phần mềm được đồng bộ dữ liệu qua chương trình PMIS nên không phải tốn thời gian nhập liệu trên nhiều phần mềm khác nhau.
Phần mềm nhật ký vận hành điện tử được xây dựng trên hệ điều hành Android, được cài đặt trên các máy tính bảng của các cương vị vận hành, có chức năng nhận dạng thiết bị thông qua các thẻ RFID giúp ca vận hành truy xuất bảng ghi thông số để nhập và lưu thông số vào bảng ghi một cách nhanh chóng.
Dữ liệu sau khi được các vận hành viên nhập sẽ được lưu tạm thời vào bộ nhớ của máy tính bảng, sau đó được đồng bộ về máy tính chủ thông qua web service đồng bộ dữ liệu. Web service này được cài đặt trên máy chủ, dùng để đồng bộ dữ liệu từ các máy tính bảng đến máy chủ và ngược lại.
Website quản lý nhật ký vận hành điện tử cho phép các ca vận hành nhập dữ liệu nhật ký vận hành; tổng hợp, tìm kiếm, thống kê và in báo cáo nhật ký vận hành, bảng ghi thông số thiết bị, giúp dễ dàng theo dõi, xử lý và nâng cao hiệu quả điều hành.
Trước khi áp dụng phần mềm này, việc ghi nhật ký vận hành được thực hiện trên 01 quyển sổ, vận hành viên ghi nhận các thao tác và diễn biến trong ca, tình trạng thiết bị khi giao ca, các bất thường, bàn giao thiết bị và ký giao nhận ca. Hàng tháng, ca 3 ngày cuối tháng các cương vị vận hành được cấp sổ nhật ký vận hành mới để ghi cho tháng tiếp theo, sổ nhật ký cũ được lưu trữ.
Đối với việc ghi thông số: Định kỳ 01 giờ hoặc 02 giờ tùy theo hệ thống, thiết bị, vận hành viên thực hiện ghi nhận và đánh giá thông số vào bảng ghi thông số vận hành. Bảng ghi thông số được cấp mới hàng ngày, bảng cũ được lưu trữ theo quy định.
Việc ghi nhật ký vận hành và bảng thông số bằng tay làm cho trưởng ca và lãnh đạo các phân xưởng vận hành khó khăn trong việc kiểm soát việc ghi nhật ký vận hành cũng như bảng ghi thông số của vận hành viên trong ca trực. Đồng thời, việc lưu trữ bảng cứng nhật ký vận hành và bảng ghi thông số, khi cần tra cứu thông tin rất mất thời gian và khó thống kê để làm cơ sở xây dựng chuỗi số liệu dự báo về thiết bị.
Từ thực tế triển khai và sử dụng phần mềm nhật ký vận hành điện tử đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt: Nhật ký vận hành được số hoá giúp cho việc tra cứu thông tin được nhanh chóng; kiểm soát được tính xác thực của việc ghi và đánh giá thông số vận hành; Phần mềm có chức năng cảnh báo khi vận hành viên nhập thông số vượt quá giới hạn (alarm, trip, range) nên giúp phát hiện bất thường thiết bị hoặc sai sót trong việc ghi thông số; Tăng cường khả năng kiểm tra, giám sát, quản lý từ xa; Dữ liệu nhật ký và thông số vận hành được quản lý tập trung và hỗ trợ xuất ra các form mẫu nên dễ dàng in ấn, lưu trữ, báo cáo.
Những hiệu quả đạt được, cùng với phương châm luôn luôn đổi mới, tiếp cận một cách nhanh nhất các thành tựu của khoa học công nghệ để ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, tin rằng, Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.