Theo Michael Porter, năng lực cạnh tranh phụ thuộc vào khả năng khai thác các năng lực độc đáo của mình để tạo ra sản phẩm có chi phí thấp và tính dị biệt của sản phẩm. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp cần xác định được lợi thế của mình mới có thể giành thắng lợi. Có hai nhóm lợi thế cạnh tranh:

- Lợi thế về chi phí: Tạo ra sản phẩm có chi phí thấp hơn đối thủ cạnh tranh. Các yếu tố sản xuất như đất đai, vốn và lao động, thường được xem là nguồn lực để tạo lợi thế cạnh tranh.

- Lợi thế về sự khác biệt: Dựa vào sự khác biệt của sản phẩm làm tăng giá trị cho người tiêu dùng hoặc giảm chi phí sử dụng sản phẩm hoặc nâng cao tính hoàn thiện khi sử dụng sản phẩm. Lợi thế này cho phép thị trường chấp nhận mức giá thậm chí cao hơn đối thủ.

Cùng với việc nhìn nhận tổng thể tính cạnh tranh quốc gia, trước khi đi vào phân tích khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp, có thể xem xét một số tiêu chí thường sử dụng để xác định khả năng cạnh tranh của sản phẩm như sau:

- Tính cạnh tranh về chất lượng và mức độ đa dạng hóa sản phẩm.

- Tính cạnh tranh về giá cả.

- Khả năng thâm nhập thị trường mới.

- Khả năng khuyến mãi, lôi kéo khách hàng và phương thức kinh doanh ngày càng phong phú hơn.

Khả năng cạnh tranh có thể được đánh giá bằng các chỉ số định lượng như: Tỷ lệ bảo hộ hữu hiệu (Effective rates of protection - ERP) và lợi thế so sánh biểu hiện (Revealed comparative advantage - RCA). Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, chỉ số ERP giúp chúng ta xác định được các ngành nào sẽ có lợi thế và bất lợi thế do những thay đổi chính sách liên quan đến tự do hoá thương mại. Chỉ số RCA càng cao thì mặt hàng càng có lợi thế cạnh tranh; nếu RCA <1 thì mặt hàng không có lợi thế so sánh; nếu 1 < RCA < 2,5 thì mặt hàng có lợi thế so sánh và RCA > 2,5 thì mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao. Kết quả nghiên cứu của nhóm kỹ thuật, Dự án “MUTRAP” do UNDP tài trợ đã tính toán các chỉ số ERP và RCA cho các ngành công nghiệp Việt Nam như sau:

Biểu số 1: Tổng hợp giá trị chỉ số lợi thế so sánh biểu hiện (RCA) và mức độ bảo hộ hữu hiệu (ERP), xếp theo thứ tự từ lớn đến nhỏ chỉ số lợi thế so sánh biểu hiện.

Biểu số 1

TT

Ngành công nghiệp

RCA

ERP

1

Xe máy, xe đạp và phụ tùng

6,73

63,3

2

May mặc

4,54

86,0

3

Sản phẩm thuỷ tinh

2,68

60,0

4

Thiết bị điện

1,05

45,3

5

Sản phẩm nhựa

0,74

147,0

6

Hàng dệt

0,64

106,4

7

Thiết bị văn phòng, máy tính

0,32

11,7

8

Thiết bị y tế

0,17

1,00

9

Da

0,17

4,00

10

Kim loại mầu và sản phẩm

0,15

13,2

(Nguồn: Data from MOI, MOT General Customs Authority, International Trade Centre, Geneva)

Qua biểu số 1 cho thấy, trong số 10 nhóm hàng công nghiệp xem xét, chỉ có 3 nhóm hàng có lợi thế cạnh tranh cao là xe máy, xe đạp và phụ tùng, may mặc và sản phẩm thuỷ tinh. Nhưng 3 nhóm hàng này đều thuộc loại được bảo hộ rất cao (>50%). Nhóm thiết bị điện có chỉ số lợi thế so sánh trung bình và mức bảo hộ cũng trung bình. Còn lại 6 nhóm hàng hoá khác đều có chỉ số lợi thế canh tranh thấp.

Hội nghị kinh tế quốc tế về khả năng cạnh tranh toàn cầu đã đánh giá khả năng canh tranh của nhiều nước, trong đó một số sản phẩm công nghiệp Việt Nam được xếp hạng về khả năng cạnh tranh (tính theo thang điểm 100) như sau:

Biểu số 2

TT

Tên nhóm sản phẩm công nghiệp

Xếp thứ tự khả năng cạnh tranh

1

Sản phẩm từ da

7,00

2

Nhu yếu phẩm thô

21,0

3

Quần áo

30,0

4

Sản phẩm công nghiệp chế biến khác

33,0

5

Nhiên liệu khoáng

51,0

6

Sản phẩm dệt

54,0

7

Hoá chất

74,0

8

Máy và thiết bị phi điện tử

74,0

9

Thiết bị tin học

74,0

10

Linh kiện điện tử

74,0

(Nguồn: BIKI 10/2002)

Qua biểu số 2 cho thấy, trong số 10 nhóm sản phẩm công nghiệp được xem xét, chỉ có 4 nhóm hàng xếp hạng canh tranh trên trung bình, 2 nhóm thuộc loại yếu, còn lại 4 nhóm thuộc loại kém.

Từ những phân tích định tính và định lượng về khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp Việt Nam có thể đi tới một số nhận định sơ bộ như sau:

- Sản phẩm công nghiệp Việt nam có khả năng cạnh tranh yếu so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

- Một số nhóm hàng hướng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh khá như xe máy, xe đạp và phụ tùng, may mặc và sản phẩm thuỷ tinh…lại có mức bảo hộ ở thị trường nội địa cao.

- Yếu tố lao động là lợi thế so sánh của sản phẩm công nghiệp Việt Nam. Nhưng ở Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu là lao động giản đơn, nhưng tổng thu nhập của người lao động không phải là thấp.

- Về chất lượng sản phẩm, chưa có sản phẩm nào thực sự có ưu thế trên thị trường thế giới nhờ vào yếu tố chất lượng.

Do vậy, xây dựng năng lực cạnh tranh cho ngành Công nghiệp nói chung và sản phẩm công nghiệp nói riêng theo hướng phát huy khả năng sáng tạo của nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ cấp bách.

Đối với các doanh nghiệp, cần nâng cao năng lực nắm bắt thông tin, tiếp cận khai thác thị trường, chủ động xây dựng chiến lược phát triển thị trường với mục tiêu và lộ trình cụ thể đảm bảo cho sản xuất - kinh doanh ổn định.

Nhanh chóng xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, phát huy lợi thế của mình, tích cực tham gia hội chợ trong và ngoài nước, đặt các đại lý bán hàng, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thiết lập các chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài để bán sản phẩm, Có kế hoạch đào tạo đội ngũ tiếp thị đạt trình độ quốc tế.

Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, gắn khoa học với thực tiễn sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm mới có tính dị biệt để tăng sức cạnh tranh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Chú trọng bồi dưỡng và đào tạo cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ cao…/.