Nhiều làng nghề đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở nhiều vùng thôn quê Việt Nam; đóng góp khối lượng hàng hóa rất đa dạng, phong phú, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, tạo thêm nhiều việc làm và từng bước xóa sự chênh lệch về thu nhập giữa nông thôn và thành thị; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn và gia tăng khả năng hội nhập kinh tế quốc tế.

Đất nước ta, từ Bắc đến Nam không có vùng nào là không có các làng nghề truyền thống và làng nghề mới. Theo một điều tra của Liên minh HTX Việt Nam, cả nước có 1.451 làng nghề. Các làng nghề tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng sông Hồng với 821 làng nghề, khu vực Bắc trung bộ có 154 làng nghề; khu vực duyên hải Nam Trung Bộ có 116 làng nghề, Đông Nam bộ có 79 làng nghề; Đồng bằng sông Cửu Long có 188 làng nghề. Nếu phân theo ngành kinh tế, có 276 làng nghề mây tre, giang đan, tăm hương, 131 làng nghề chiếu cói, 123 làng nghề gỗ mỹ nghệ và các sản phẩm từ gỗ, 68 làng làm nón, 113 làng chế biến thực phẩm, 79 làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng…

Trong điều kiện hội nhập hiện nay, phát triển làng nghề là một trong những giải pháp quan trọng, có ý nghĩa trên nhiều mặt, nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân nước ta, cụ thể là:

Các làng nghề truyền thống và làng nghề mới đã và đang trở thành động lực thúc đẩy ngành nghề tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp phát triển, tăng sản xuất hàng hóa… Với sự khôi phục và ra đời nhiều làng nghề mới đã góp phần sản xuất nhiều sản phẩm đa dạng (ước tính có trên 200 loại sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ và nhiều loại sản phẩm thực phẩm chế biến, VLXD…) đáp ứng nhu cầu của thị trường cả trong nước và xuất khẩu. Nhiều sản phẩm có uy tín đã xuất hiện ở những thị trường nước ngoài như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ… Các làng nghề phát triển sản xuất hàng hóa có vai trò điều tiết và bổ sung quan trọng cho nền sản xuất nông nghiệp. Việt Nam tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong bước chuyển đổi này vai trò của các làng nghề càng được khẳng định rõ nét hơn.

Phát triển làng nghề tạo ra nhiều việc làm, giải quyết vấn đề dư thừa lao động, giảm nhẹ áp lực dân số xã hội.

Tiểu thủ công nghiệp là bộ phận cơ bản trong hộ kinh tế cá thể. Hiện nay, trong các làng nghề, số lượng hộ kinh tế cá thể rất lớn, mỗi hộ sản xuất thường xuyên thuê mướn từ 3-5 lao động hoặc nhiều hơn nữa theo thời vụ, có nơi cả làng làm nghề. Vì thế, khu vực này tạo việc làm và thu nhập cho một lực lượng lao động rất lớn, đồng thời cũng là biện pháp giảm áp lực di chuyển nhân lực từ nông thôn ra thành thị theo xu hướng đô thị hóa tập trung. Phát triển làng nghề, ngoài vai trò kinh tế, còn có ý nghĩa xã hội rất quan trọng.

Phát triển làng nghề truyền thống và làng nghề mới là con đường để huy động vốn trong nhân dân và gia tăng nguồn ngân sách nhà nước.

Do lợi thế, trong làng nghề là kinh tế gia đình nên suất đầu tư rất thấp, do đó có rất nhiều điều kiện thuận lợi về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chúng ta có thể thu hút một số lượng lớn các hộ cá thể tham gia bỏ vốn tổ chức sản xuất TTCN. Đây là khả năng hiện thực để huy động vốn trong nhân dân mà các nhà nghiên cứu ước tính vào khoảng từ 40 đến 50 nghìn tỷ đồng. Nhờ sản xuất phát triển, Nhà nước có thêm nguồn thu theo quy định để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Phát triển làng nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Vấn đề này có ảnh hưởng quan trọng ở nông thôn nước ta, để phá bỏ thế độc canh hóa, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho khu vực nông thôn. Phát triển làng nghề là con đường cơ bản nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống nhân dân và qua đó rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị; đối với nước ta hiện nay, đó còn là bước đi quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

Phát triển làng nghề tạo điều kiện cho du lịch làng nghề phát triển. Thông qua thăm quan, du lịch các làng nghề, bạn bè khách quốc tế hiểu rõ hơn bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, thấy được sức mạnh của các làng nghề, các mặt hàng thủ công truyền thống của Việt Nam như: gốm sứ, sơn mài, khảm trai, mây tre đan mỹ nghệ…

Như vậy, làng nghề có vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, góp phần thiết thực giải quyết những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân, cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập, tôn vinh đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam. Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh kinh tế – thương mại diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu như hiện nay, để các làng nghề có thể đứng vững và phát triển, Nhà nước cần có những chính sách đúng đắn và thỏa đáng đối với người sản xuất, đối với các nghệ nhân và đối với các cơ sở sản xuất trong các làng nghề.