Theo Sách đỏ của Uỷ ban Năng lượng hạt nhân thuộc Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), nghiên cứu thống kê của Tổ chức này cho thấy, thế giới tiêu thụ 67.000 tấn uranium trong năm 2002. Nhưng chỉ có 36.000 tấn được sản xuất từ khoáng sản nguyên khai, số còn lại từ nguồn thứ hai, đặc biệt là từ nguồn quân sự thải ra như vũ khí hạt nhân được thanh lý.

Năm 2001, EU cho biết, nếu theo mức tiêu thụ uranium như hiện nay thì nguồn tài nguyên uranium đã được thăm dò khảo sát cho phép khai thác được 42 năm nữa. Với nguồn uranium từ quân sự và nguồn khác, thì uranium có thể còn sử dụng được tới 72 năm. Con số này cho thấy, năng lượng hạt nhân cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu năng lượng thế giới. Nếu tiếp tục tăng công suất lên 6 lần, thì nguồn cung cấp uranium 72 năm này sẽ rút xuống còn 12 năm.

Các chuyên gia cho biết, thật không thông minh nếu chúng ta chỉ chấp nhận phương án hạt nhân khi mà chúng ta không có ý tưởng rõ ràng, liệu nguồn tài nguyên uranium còn tồn tại bao lâu nữa. Chúng ta có thể chuyển hướng rất nhanh từ thiếu dầu và than sang thiếu uranium.

Ông Philip Dewhurrst-Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hạt nhân nói: Nhu cầu uranium tăng là một nhân tố, nhưng ngành công nghiệp tin tưởng rằng, năng lượng hạt nhân sẽ đem lại lợi ích cho nước Anh và vì vậy chúng ta cần xem xét thay thế các nhà máy điện hạt nhân cũ, nhưng chúng ta không rõ liệu có cung cấp đủ uranium hay không.

Thủ tướng ấn Độ đề xuất, trong 10 năm nữa ấn Độ sẽ có thêm 40.000 MW điện hạt nhân. Trung Quốc cho biết, sẽ xây dựng 40 nhà máy điện hạt nhân từ nay tới 2020. Tháng qua, Canada khẳng định, Trung Quốc muốn mua uranium của Canada và liên doanh khai thác uranium ở Canada. Hiện nay, Canada là nước sản xuất uranium lớn nhất thế giới. Năm 2001, khai thác uranium đạt tới đỉnh điểm. Các chuyên gia cho rằng, cần phải mất hơn 10 năm để mở mỏ uranium mới. 

Mặc dù đang có xu hướng tái phát triển các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới, Chính phủ Anh vẫn kiên trì ủng hộ Công ty Nhiên liệu hạt nhân Anh bán Westinghouse-một công ty chuyên chế tạo, xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Cho tới nay đã có 15 công ty bày tỏ muốn mua lại Westinghouse.

Australia xuất khẩu uranium sang Trung Quốc

Các nhà môi trường xanh cho rằng, xuất khẩu uranium chẳng bao giờ là vấn đề an toàn khi Chính phủ Australia thông báo đang đàm phán để bán uranium cho Trung Quốc. Ông Alexander Downer-Bộ trưởng Ngoại giao Australia nói rằng: Australia và Trung Quốc đã có nhiều cuộc trao đổi về buôn bán uranium. Một thoả thuận sẽ thiết lập cơ chế bảo vệ để nhằm đảm bảo uranium của Australia cung cấp cho Trung Quốc chỉ được sử dụng cho mục đích hoà bình. Tin từ ngành công nghiệp uranium cho biết, Trung Quốc đã là chủ thể có thể áp đặt các qui tắc quốc tế nghiêm ngặt và thanh sát, nếu phát hiện có vấn đề sẽ dẫn đến sự can thiệp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Nguồn tài nguyên uranium của Australia chiếm tới 45% của cả thế giớI, song Australia mới chiếm được 16% thị phần thế giới. Hiện nay, Australia đã bán uranium sang 20 quốc gia. Để đạt được thoả thuận về cơ chế bảo vệ với Trung Quốc, mà cơ chế này rất cần thiết cho xuất khẩu uranium, thì Trung Quốc phải chứng tỏ được sự rạch ròi về sử dụng cho mục đích quân sự và dân sự. Nói một cách khác là, uranium xuất khẩu đi phải được giám sát.

Tuy nhiên, những người thuộc nhóm môi trường xanh cho rằng, việc xuất khẩu uranium của Australia sang Trung Quốc như vậy là không an toàn bởi vì: Trước tiên, chất thải hạt nhân sẽ được tạo ra; hai là tiềm năng phát triển vũ khí hạt nhân vẫn tồn tại ngay cả khi có cơ chế bảo vệ.

Các chuyên gia cho rằng: Buôn bán hạt nhân không bao giờ an toàn vì sử dụng uranium trong các nhà máy điện hạt nhân sẽ tạo ra plutonium và đây là nguyên liệu chính để sản xuất ra vũ khí hạt nhân.

Tiến sỹ Ron Huisken thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng của Australia cho rằng: Mặc dù trong quá khứ, Trung Quốc đã lỏng lẻo với chương trình hạt nhân, nhưng đất nước này, nay đã thay đổi thái độ đối với những nội dung không phổ biến vũ khí hạt nhân, và Trung Quốc đã thận trọng hơn đối với vấn đề tàng trữ.

Trong khi đó, thái độ của công chúng Australia đối với năng lượng hạt nhân cũng đã thay đổi, do bởi áp lực ngày càng tăng, yêu cầu giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch. Ngày nay nhiều người đã nhận thức được, nếu chúng ta muốn đáp ứng được mục tiêu giảm thiểu hiệu ứng khí nhà kính, thì năng lượng hạt nhân chính là con đường phải đi.

Australia có một cơ hội lớn đáp ứng nhu cầu uranium, và công chúng đã có thái độ tích cực hơn đối với thay đổi khí hậu và Chính phủ Australia đã cho phép mở lại các mỏ uranium mới.