Nghề dệt lụa truyền thống của làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây đã xuất hiện cách đây hàng trăm năm. Sản phẩm chính của làng nghề này là lụa tơ tằm, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tương truyền rằng, Tổ nghề dệt của làng Vạn Phúc là một người con gái họ Lã - người có công đem những bí quyết dệt lụa của Trung Quốc về truyền dạy nghề cho những người dân ở quê. Chính vì vậy, lụa Vạn Phúc không giống bất kỳ một loại lụa nào được dệt ở các làng khác, bởi chất liệu mềm mại và độ tinh xảo trong từng đường tơ, từng họa tiết trang trí. Lụa Vạn Phúc không chỉ là sản vật quý của làng Vạn Phúc, mà còn là mặt hàng truyền thống của người Việt Nam. Chính vì lẽ đó, lụa Vạn Phúc đã có mặt rộng rãi trong cả nước và vươn ra thị trường các quốc gia châu Âu, châu á, Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác trên thế giới...
Làng Vạn Phúc hiện có hơn 1.276 hộ dân sinh sống, thì có hơn 1.092 hộ sản xuất và kinh doanh các mặt hàng dệt lụa tơ tằm, thu hút hơn 1.400 lao động trên tổng số hơn 2.700 lao động trên địa bàn. Trong làng nghề, đã hình thành nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng dệt lụa với vốn đầu tư lớn; nhiều công nghệ và máy móc tiên tiến đã được ứng dụng để đa dạng hoá mẫu mã, chủng loại và tăng giá trị sản phẩm.
Thương hiệu lụa Vạn Phúc đã được bạn bè gần xa mến mộ, nhất là những bạn bè quốc tế đến thăm quan và mua sắm hàng hoá, đã góp phần tiêu thụ một lượng lớn sản phẩm của địa phương, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều lao động trong các hộ kinh doanh dịch vụ. Hàng năm, giá trị sản xuất kinh doanh của cả Làng đạt hơn 100 tỷ đồng, sản lượng lụa đạt hơn 2 triệu mét/năm, cho thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 1,4 triệu đồng/người/ tháng.
Với đặc thù nằm gần quốc lộ 6 và gần Hà Nội, thuận tiện trong việc giao thông, đi lại, việc sản xuất ở Vạn Phúc rất có điều kiện để phát triển gắn với du lịch làng nghề, góp phần đáng kể cho việc phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, để góp phần thúc đẩy phát triển làng nghề bền vững, làng lụa Vạn Phúc rất cần sự quan tâm, đầu tư hơn nữa của chính quyền địa phương. Cụ thể là Sở Công nghiệp, Trung tâm Khuyến công Tỉnh cần giúp làng lụa Vạn Phúc hình thành các doanh nghiệp trong làng nghề, đồng thời tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong làng nghề theo mô hình liên kết cụm công nghiệp.