Tại Lễ kỷ niệm, PGS.TS. Viện trưởng Lê Đức Mạnh thay mặt toàn thể CBCNV đã điểm lại chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển của Viện. Nhận thức tầm quan trọng của ngành Công nghiệp Thực phẩm, ngày 21/7/1967, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 112/CP thành lập Viện Công nghiệp Thực phẩm, với nhiệm vụ chính là nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và ứng dụng vi sinh vật trong bảo quản, chế biến thực phẩm. 

Giai đoạn từ năm 1967 - 1975: Viện tập trung nghiên cứu và tổ chức sản xuất nước chấm lên men, tương chao đậu phụ, sản xuất mỳ chính theo phương pháp lên men, sản xuất các loại nước uống theo phương pháp lên men từ các loại quả. Giai đoạn từ năm 1976 - 1985: Các công nghệ mới, tiên tiến đã được nghiên cứu và triển khai thành công trong thực tiễn như sản xuất và ứng dụng enzym vi sinh vật trong công nghiệp rượu, bia, dệt, sinh tổng hợp lysin và ứng dụng trong chăn nuôi, sản xuất axít citric và mỳ chính bằng phương pháp lên men... Giai đoạn 1986 - 2007: Ứng dụng được nhiều hơn các dự án, đề tài trong thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Sản xuất bia, rượu theo công nghệ mới. Đề tài này đã tạo việc làm cho nhiều người lao động, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và đẩy lùi sản phẩm bia Trung Quốc khỏi thị trường Việt Nam, và trong giai đoạn này, Phòng Phân tích và Giám định thực phẩm đã được công nhận hợp chuẩn theo ISO/IEC 17025 - 2005. Giai đoạn từ năm 2007 đến nay: Viện chủ trì thực hiện nhiều đề tài, dự án thuộc các Chương trình Khoa học - công nghệ trọng điểm cấp nhà nước như: Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, Chương trình Hóa dược... Nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng chứa các chất có hoạt tính sinh học từ vi sinh vật, động, thực, vật đã được nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất và thương mại hóa trên thị trường. Đặc biệt, trong giai đoạn này, Dự án đầu tư Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ vi sinh đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt. Dự kiến, Dự án này sẽ thực hiện chức năng phân tích các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh vật, đáp ứng nhu cầu kiểm soát, kiểm nghiệm. Tính đến nay, số lượng các chủng loại vi sinh của Viện có 1.375 chủng, gồm: Vi khuẩn, nấm men và nấm mốc. 

Để các công trình nghiên cứu mang tính tầm cỡ khu vực và trên thế giới, Viện đã tăng cường thúc đẩy các mối quan hệ, hợp tác với nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, CHLB Đức, LB Nga... và các tổ chức quốc tế. Sự hợp tác này đã giúp các cán bộ của Viện trau dồi được nhiều kiến thức, tích lũy được nhiều kinh nghiệm hữu ích, qua đó, chất lượng các đề tài nghiên cứu đã đem lại hiệu quả rõ rệt. 

Hiện nay, Viện Công nghiệp Thực phẩm là đơn vị đầu ngành về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và ứng dụng vi sinh vật trong bảo quản, chế biến thực phẩm vào thực tiễn. Với những nỗ lực không ngừng của tập thể CBCNV trong những năm qua, Viện đã vinh dự được nhận Huân chương Độc lập hạng Ba của Chủ tịch Nước, PGS.TS. Viện trưởng Lê Đức Mạnh vinh dự được nhận danh hiệu Chiến sỹ Thi đua toàn quốc. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trao danh hiệu 
Chiến sỹ Thi đua toàn quốc cho PGS.TS. Viện trưởng Lê Đức Mạnh


Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã ghi nhận những nỗ lực của tập thể CBCNV của Viện những năm qua đã không ngừng phấn đấu, nghiên cứu các đề tài KHCN hữu ích phục vụ đất nước, với các sản phẩm rất đa dạng và phong phú. Bộ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Viện cần tập trung vào các vấn đề như: Xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu KHCN phải dựa vào tính thực tế, để vừa đưa ra được những chương trình mang tính chiến lược, đáp ứng được nhu cầu trước mắt. Đồng thời, Viện cần bám sát Chiến lược quốc gia về Ngành và nhanh chóng đưa Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Vi sinh vào thực tiễn; Tập trung hơn nữa để nâng cao năng lực cho Viện, đầu tư xây dựng đội ngũ chuyên gia tốt; Thực hiện hiệu quả các đề tài, dự án; Tăng cường phát triển hợp tác quốc tế..../.