Những bước ngoặt lịch sử
Việt Nam có dầu. Đó là những dòng tin vui loan khắp nước khi tàu Mikhain Mirchin khoan giếng thăm dò đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ, phát hiện ra dòng dầu công nghiệp đầu tiên ngày 24.5.1984. Những kỹ sư, công nhân của hai nước vỡ oà niềm vui, có nhiều người không cầm được nước mắt. Kể từ khi Hiệp định liên Chính phủ VN và Liên Xô về việc thành lập XNLD dầu khí Việt - Xô được ký kết ngày 19.6.1981, chỉ 3 năm sau, ý chí niềm tin và trí tuệ của con người đã biến giấc mơ tìm lửa thành hiện thực.
Thành công đó đáp lại mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh 22 năm trước, khi người thăm khu công nghiệp dầu khí Bacu ngày 23.7.1959 và nói với các nhà lãnh đạo nước Cộng hoà Azerbaizan: “Tôi nghĩ VN chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được, tôi hy vọng và tin tưởng rằng sau khi VN kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu rồi giúp khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp như Bacu”.
Các vị tiền bối của VSP thường nói, lúc đó khó khăn, gian khổ của biển khơi một, thì thách thức của công việc tạo áp lực mười. Chi phí cho một giếng khoan thăm dò chiều sâu 4.000m khoảng 10 triệu USD, trong khi xác suất tìm thấy dầu khí của các giếng khoan thăm dò tại thềm lục địa VN chỉ đạt 26-30%. Vào thời điểm đất nước còn quá nghèo, thiếu thốn lương thực và ngoại tệ, cho nên mỗi mũi khoan bất thành là như có tội với nước, với dân. Những kỹ sư ngày ấy còn nhận thức sâu sắc một điều, khai thác được giọt dầu nào là đất nước có thêm một đồng ngoại tệ để góp phần đưa đất nước qua khỏi đói nghèo.
Trí tuệ, tâm huyết của những người thợ được đặt để vào từng mũi khoan, cho nên có đủ sức mạnh để vượt qua được những thử thách tưởng chừng như không thể. Thậm chí, mặc dù còn rất non trẻ, nhưng VSP đã làm nên những điều kỳ diệu bằng những giải pháp công nghệ đầy sáng tạo để khai thác thành công tại mỏ Bạch Hổ.
Những cán bộ lão thành của VSP không thể quên được hơn 25 năm trước, mặt dù chưa nhất trí về cơ sở khoa học, nhưng một quyết định khó khăn và táo bạo được đưa ra, đó là khoan giếng BH-4 bằng giàn tự nâng Ekhabi. Và thành công đã đến ngoài dự kiến, giàn BH-4 không những gia tăng trữ lượng, mà còn phát hiện thêm hai tầng dầu mới, tổng lưu lượng đạt trên 1.300 tấn dầu ngày. Mùa xuân 1985 cũng là cột mốc quan trọng - VSP tìm ra tầng dầu mới.
Thử thách không có giới hạn và nỗ lực của con người cũng không có điểm dừng. VSP từng đối diện với thách thức rất lớn, đó là sản lượng khai thác dầu tụt giảm nhanh, các giàn khoan mới đưa vào khai thác có nguy cơ phải tháo bỏ làm sắt vụn vì hết dầu khai thác. Vào thời điểm đó, nhiều người thực sự hoang mang và bi quan. Nỗi lo lắng lớn nhất là đất nước giao phó và đặt niềm tin vào VSP, quốc gia còn nghèo nhưng dành dụm để đầu tư những khoản không nhỏ với hy vọng có dầu khí làm cánh cửa thoát nghèo.
Ngay cả phía nước bạn, các chuyên gia là những người thầy cũng rơi vào bế tắc. Nhưng khi bị dồn đến kịch tường, con người lại có sự bùng nổ để tồn tại và chiến thắng. Ngày 9.5.1987, một sự kiện thành công dữ dội lại ập đến khi những “cái đầu” trời phú của VSP phát hiện ra tầng dầu sản lượng cao từ đá móng granite nứt nẻ tại giếng khoan BH-6.
Theo lý thuyết tạo dầu hữu cơ, trong tầng móng không thể có dầu, nhưng giếng khoan BH-6 làm được điều đó với dòng dầu 477m3/ngày. Không bỏ qua cơ hội, VSP triển khai chiến dịch thăm dò và đã tìm ra dầu thô trong đá móng nứt nẻ với tổng trữ lượng địa chất đạt trên 500 triệu tấn và hàng chục tỉ mét khối khí đồng hành. Thành công đó không chỉ mang tính đột phá cho VSP, mà còn làm thay đổi quan điểm tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí của ngành khoa học dầu khí thế giới. Trả lời đại diện Hãng Mobli về sự kiện này, Phó Tổng giám đốc VSP Ngô Thường San khi đó, nói: “Chỉ có VSP kiên nhẫn mới phát hiện ra dầu ở tầng móng”. Đó là cách nói khiêm tốn, bởi vì kiên nhẫn thôi thì chưa đủ.
Từ thành công của Bạch Hổ, nhiều mỏ dầu trong móng khác được phát hiện như Rạng Đông, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Cá Ngừ Vàng, Đông Nam Rồng, Đồi Mồi, Ngọc Bích... Trữ lượng dầu khí của VN không ngừng gia tăng và trữ lượng dầu trong đá móng chiếm 80%, đưa VN trở thành quốc gia khai thác dầu đứng thứ ba Đông Nam Á. Việc phát hiện ra thân dầu trong móng mỏ Bạch Hổ là nền tảng để VSP khai thác thành công trong nhiều năm về sau. Từ 1991 - 1995, sản lượng tăng gấp 6 lần giai đoạn trước, đạt 29,4 triệu tấn dầu thô, năm 1998 đạt mức 10 triệu tấn, năm 1999 lên 12 triệu tấn, đỉnh nhất là 13,5 triệu tấn năm 2003. Nhiều người cho rằng phát hiện này là ngẫu nhiên, nhưng sự ngẫu nhiên đó không thể đến nếu như không có quyết tâm, bản lĩnh và trí tuệ của người đi tìm.
Trong một cuộc trò chuyện, Bí thư Đảng uỷ VSP Đặng Minh Hồng nói với người viết rằng, VSP khai thác nguồn dầu khí góp phần làm giàu cho đất nước, nhưng có một nguồn tài nguyên khác do VSP tạo ra còn quý giá hơn gấp nhiều lần, đó là tài nguyên con người. Điều ông Hồng nói nhắc nhớ đến ngày đầu hoạt động, VSP chỉ có 58 người VN và 110 kỹ sư, công nhân Liên Xô.
Tất cả các chức vụ chủ chốt đều do cán bộ, chuyên gia nước bạn nắm giữ. Nhưng gần 10 năm sau, người VN trong VSP chiếm 79,45%. Đến đầu năm 1011, tổng số lao động của VSP là 6.958 người, trong đó có 6.437 người VN và 521 người Nga. Cán bộ trong nước đảm nhận các chức danh chủ chốt, đội ngũ cán bộ khoa học, công nhân kỹ thuật có thể làm việc tốt, đảm bảo vận hành hiệu quả hoạt động của liên doanh.
Con số thống kê thì lạnh lùng, nhưng có được con số đó là một chặng đường dài đầy cam go và nhiều cảm xúc. Để có được một đội ngũ tự lực, tự chủ trong quản lý điều hành khai thác dầu khí, trước hết cần phải có tầm nhìn chiến lược về con người. Những kỹ sư VN ngày đêm âm thầm trên những giàn khoan, trong phòng kỹ thuật, vừa làm, vừa học chuyên gia phía bạn. Nhằm tạo nguồn chất xám lâu dài, VSP hợp tác với nhiều trường đại học để tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao sau đại học.
Nhiều người được đầu tư học tập ở nước ngoài, trở thành những chuyên gia giỏi, đảm bảo sự phát triển và chuyển giao vững vàng giữa các thế hệ. Tôi có được nhiều dịp làm việc với VSP, được đi tham quan một số giàn khoan. Mỗi lần đi là một lần chứng kiến sự đổi thay về nhân lực. Cụ thể nhất là các giàn trưởng, chánh, phó kỹ sư, giám đốc các xí nghiệp là người VN ngày càng tăng trong những lần gặp sau.
Trưởng thành từ VSP, học tập ở các nước, cộng thêm sự cọ xát với thực tiễn qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ với các đối tác nước ngoài, cán bộ của VSP dày dạn kinh nghiệm, trở thành nguồn nhân lực cao của ngành dầu khí VN. Trong giai đoạn hội nhập kinh tế, mở rộng hợp tác với nhiều quốc gia, VN cần có nguồn vốn chủ lực trong tay, đó là con người. Trong các liên doanh với Mỹ, Malaysia, Anh, Pháp, Canada luôn có những gương mặt xuất thân từ VSP.
Ở các liên doanh này, vị trí tổng giám đốc hầu hết là cán bộ xuất thân từ VSP. VSP không chỉ là cái nôi đào tạo cho người Việt, mà ngay cả những người thầy Liên Xô cũng tự cho rằng họ đã trưởng thành từ đây. Trong bài viết “Vietsovpetro - trường đại học Việt Nam của tôi”, nguyên Tổng Giám đốc VSP - ông V.S Vovk khẳng định: “Trường học về biển là một tổ hợp kiến thức mà bạn không thể có được trong các lớp học, bạn chỉ có học được trên biển mà thôi. Ấy vậy mà có gần 10 nghìn chuyên gia đã kinh qua quá trình công tác tại VSP hiện đang làm việc cho các dự án mới nhất trong thăm dò, khai thác thềm lục địa VN và Liên bang Nga.

Ở VN, hầu như các cán bộ lãnh đạo của PetroVN, cựu cũng như tân, đều đã trải qua trường học VSP”. Tại buổi tiếp xúc báo chí nhân lễ ký kết gia hạn Hiệp định liên Chính phủ Việt - Nga về tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ liên doanh VSP ngày 27.12.2010, Tổng Giám đốc VSP Nguyễn Hữu Tuyến nhấn mạnh đến việc đầu tư nguồn nhân lực, đào tạo ra một lực lượng cán bộ kỹ sư giỏi, công nhân kỹ thuật lành nghề, thông thạo ngoại ngữ. VSP xem đây là chiến lược con người không chỉ riêng cho đơn vị.
***
VSP là biểu tượng sinh động của tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác quốc tế giữa VN và Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay. Thủ tướng Nga Putin từng đánh giá VSP là đơn vị liên doanh với nước ngoài hiệu quả cao nhất của nước Nga. Trí tuệ và sức lao động của con người VSP vẫn dồi dào, triển vọng mở ra ở phía trước, cho nên hai Chính phủ gia hạn hiệp định, tiếp tục hợp tác thăm dò địa chất và khai thác dầu khí cho đến năm 2030. Một giai đoạn lịch sử của VSP được mở ra đầy hứa hẹn.