Riêng quý I năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút 22 dự án đầu tư từ Hàn Quốc, với tổng vốn đăng ký đạt 257,13 triệu USD, chiếm khoảng 49% tổng vốn FDI vào tỉnh trong cùng kỳ.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Vĩnh Phúc chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực: Sản xuất linh kiện điện tử, bảng mạch, camera, ống kính, chất bán dẫn; Công nghiệp hỗ trợ ô tô, phụ tùng ô tô; Dệt may và gia công cơ khí; Sản xuất thiết bị điện tử và các sản phẩm công nghệ cao.

Hàn Quốc
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông trao Giấy chứng nhận mở rộng đầu tư cho Công ty ISC Vina​.

Trong đó, Công ty TNHH Partron Vina là doanh nghiệp Hàn Quốc có vốn đầu tư lớn nhất tại tỉnh Vĩnh Phúc. Được thành lập vào năm 2008 tại Khu công nghiệp Khai Quang, công ty đã tăng vốn đầu tư từ 4 triệu USD lên 269,4 triệu USD vào tháng 7 năm 2024 để mở rộng sản xuất các sản phẩm như bảng mạch điện tử, bộ điều khiển xe điện và ăng-ten cho thiết bị di động. Hiện nay, công suất sản xuất hàng năm của công ty đạt khoảng 1,57 tỷ sản phẩm.

Công ty TNHH Heasung Vina cũng là một trong những doanh nghiệp Hàn Quốc lớn tại Vĩnh Phúc, chuyên sản xuất linh kiện cho camera điện thoại thông minh. Công ty đã tăng vốn đầu tư từ 13 triệu USD lên 165 triệu USD và tạo việc làm ổn định cho hơn 4.000 lao động.

Hàn Quốc
Hàn Quốc hiện là quốc gia đứng đầu về số lượng dự án và tổng vốn đầu tư FDI tại Vĩnh Phúc

Mới đây, Công ty TNHH Uti Vĩnh Phúc (doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư Hàn Quốc) và Tập đoàn CNCTech đã ký thoả thuận hợp tác về xây dựng nhà máy sản xuất điện tử có quy mô khoảng 04ha tại KCN Thăng Long, Vĩnh Phúc. Dự án có vốn đầu tư 105 triệu USD. Dự kiến, sau khi hoàn thiện xong các thủ tục pháp lý về đầu tư, xây dựng, Công ty sẽ triển khai xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động sản xuất vào đầu năm 2026. Dự án được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư Hàn Quốc vào tỉnh Vĩnh Phúc.

Xác định Hàn Quốc là thị trường trọng điểm để đẩy mạnh hợp tác đầu tư trong thời gian tới, Vĩnh Phúc đang triển khai nhiều chính sách và giải pháp cụ thể để tiếp tục thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Hàn Quốc:

Về cải cách hành chính và tạo môi trường đầu tư thuận lợi: Vĩnh Phúc cam kết “4 tốt”: Hạ tầng tốt, chính sách tốt, nguồn nhân lực tốt, dịch vụ hành chính công tốt; Thực hiên mô hình “một cửa, tại chỗ”, cam kết hỗ trợ thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng, thuế, hải quan, môi trường… nhanh chóng, minh bạch; Thành lập tổ hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp FDI, đặc biệt là doanh nghiệp Hàn Quốc, giải quyết nhanh vướng mắc khi triển khai dự án.

Hàn Quốc
Vĩnh Phúc ưu tiên mở rộng và nâng cấp các khu công nghiệp

Về Phát triển hạ tầng khu công nghiệp: Vĩnh Phúc ưu tiên mở rộng và nâng cấp các khu công nghiệp như: Bá Thiện, Thăng Long Vĩnh Phúc, Tam Dương II…; Cải thiện hạ tầng kết nối: Đầu tư các tuyến giao thông chiến lược kết nối với Hà Nội, sân bay Nội Bài, cảng biển Hải Phòng; Triển khai quy hoạch “Khu công nghiệp thông minh”, khu công nghệ cao, hướng tới thu hút đầu tư công nghệ sạch, điện tử, và tự động hóa.

Về Chính sách ưu đãi đầu tư: Miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất trong thời gian ưu đãi; Hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo lao động: Phối hợp với các trường nghề để đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp Hàn Quốc; Cam kết không thanh – kiểm tra chồng chéo, tạo môi trường đầu tư ổn định.

Về Hợp tác ngoại giao và xúc tiến đầu tư trực tiếp: Duy trì các chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc để kêu gọi đầu tư; Hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM); Mở rộng Văn phòng Xúc tiến Đầu tư Vĩnh Phúc tại Hàn Quốc (dự kiến triển khai).

Hàn Quốc
Đoàn công tác tỉnh Vĩnh Phúc tham quan dây chuyền sản xuất tại Công ty JAHWA Hàn Quốc.

Về Chính sách ổn định và thân thiện với nhà đầu tư Hàn Quốc: Lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp Hàn Quốc để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn; Hỗ trợ giải quyết các vấn đề về nhà ở, trường học, y tế cho chuyên gia và lao động người Hàn.