Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (mã chứng khoán: MPC – sàn: UpCOM) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 với mục tiêu doanh thu năm nay 12.789,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 639,3 tỷ đồng, lần lượt giảm 22% và giảm 23% so với mức thực hiện trong năm 2022.
Kế hoạch kinh doanh thận trọng này được Thuỷ sản Minh Phú đưa ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng được nhận định còn gặp nhiều thách thức trong năm nay, khiến triển vọng nhu cầu về các sản phẩm tôm chưa khởi sắc.
Thuỷ sản Minh Phú hiện là doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam với 10 công ty thành viên, bao gồm 4 nhà máy chế biến tôm và 8 công ty trực thuộc trong chuỗi giá trị tôm khép kín.
Trong quý 1/2023, Thuỷ sản Minh Phú ghi nhận doanh thu thuần 2.122 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đến lỗ hơn 98 tỷ đồng, so với mức lãi 91 tỷ đồng của quý 1/2022. Lần gần nhất Tập đoàn này ghi nhận lỗ là quý 2/2016 với mức lỗ 910 triệu đồng.
Kết quả kinh doanh đáng thất vọng này diễn ra trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam những tháng đầu năm nay sụt giảm mạnh khi kinh tế khó khăn, lạm phát tăng khiến sức mua tại các thị trường chủ chốt suy yếu. Tôm cũng được coi là loại protein cao cấp nên nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này cũng chững hơn so với các sản phẩm thực phẩm thiết yếu khác.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tôm trong tháng 4/2023 của Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm của những tháng trước, chỉ đạt 287 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm cả nước chỉ đạt 887 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện 98% doanh thu của Thuỷ sản Minh Phú đến từ hoạt động xuất khẩu tôm. Trong đó, Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu trọng điểm của Tập đoàn. Tuy nhiên, Thuỷ sản Minh Phú cho biết việc xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ không có lợi nhuận do chi phí xuất khẩu sang thị trường này quá cao, tiêu thụ tại đây cũng không thuận lợi do lượng hàng tồn kho nhiều và giá tôm Việt Nam khó cạnh tranh được với tôm Ecuador.
Ban lãnh đạo Thuỷ sản Minh Phú cho biết nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, Tập đoàn đặt chiến lược trọng tâm phấn đấu đến năm 2030 giá tôm nguyên liệu Việt Nam sẽ bằng với giá của Ấn Độ và đến năm 2035 sẽ bằng với giá của Ecuador.
Cụ thể, Thuỷ sản Minh Phú sẽ gia hoá cải thiện di truyền tôm bố mẹ sú và tôm bố mẹ thẻ chân trứng để tạo ra tôm giống có khả năng chống chịu tốt và thích ứng tốt với dịch bệnh, thời tiết, khí hậu và môi trường của Việt Nam. Tập đoàn đặt mục tiêu sản xuất ra tôm giống chất lượng cao kháng bệnh và thích nghi với thời tiết khí hậu, môi trường Việt Nam đưa tỷ lệ thành công của ngành nuôi tôm Việt Nam đến năm 2030 đạt trên 60% và đến năm 2035 đạt trên 80%.
Bên cạnh đó, Thuỷ sản Minh Phú dự kiến và hoàn thiện các mô hình nuôi tôm sú rừng, tôm sú quảng canh, tôm sú bán thâm canh, tôm sú - lúa, tôm thẻ chân trắng thâm canh và tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao phù hợp với từng vùng miền với giá thành thấp bằng Ấn Độ và Ecuador.
Hiện Thuỷ sản Minh Phú đang thực hiện số hóa chuỗi giá trị tôm của mình; qua đó, cho phép truy xuất nguồn gốc từ trại giống, tới trang trại nuôi, qua nhà máy chế biến và hệ thống phân phối, đến người tiêu dùng cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của chuỗi giá trị.
Thuỷ sản Minh Phú sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên xem xét thông qua phương án chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ chi trả từ 20% - 30% lợi nhuận sau thuế hợp nhất chưa phân phối tại ngày 31/12/2022, tương đương 411 – 617 đồng/cổ phiếu (4,11% - 6,17% trên mệnh giá cổ phần). Đồng thời, Thuỷ sản Minh Phú dự kiến mức chia cổ tức năm 2023 sẽ ở mức từ 50% – 70%. lợi nhuận sau thuế hợp nhất chưa phân phối.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 6/6, giá cổ phiếu MPC của Thuỷ sản Minh Phú đạt 18.200 đồng/cổ phiếu.