Tỉnh Nghệ An có diện tích tự nhiên 16.478km2, trong đó bao gồm đất nông nghiệp, đất bazan; đất đồi núi trọc, đất rừng. Với điều kiện tự nhiên ấy, Nghệ An có thuận lợi để phát triển cây nguyên liệu cho công nghiệp chế biến các loại như cây lâu năm, cây hàng năm, cây ăn quả, cây thảo mộc, cây rừng... Rừng Nghệ An có tổng cộng trữ lượng về gỗ là 50 triệu m3, khoảng 1.049 triệu cây tre. Nghệ An có hai khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia là Pù Mát với diện tích khoảng 94.000 ha và Pù Hương khoảng 49.800 ha, đã được quy hoạch bảo tồn cho hệ sinh thái đa dạng nhiệt đới, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái rừng.
Diện tích biển Nghệ An khoảng 10.000 km2 vuông, có 6 cửa sông, hơn 3.000 ha diện tích mặt nước ngọt và mặn. Đó là điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản (nuôi tôm, cá, trai, cua...) và công nghiệp chế biến thuỷ hải sản. Sản phẩm từ biển với trữ lượng hàng năm khoảng 80.000 tấn. Hiện tại, khai thác hải sản mới khoảng 55.000 tấn. Riêng nuôi trồng hải sản mới đạt 25.000 tấn. Nghệ An có rất nhiều bãi biển đẹp, rất nổi tiếng, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái biển.
Khoáng sản Nghệ An có rất nhiều loại, trữ lượng đất sét xi măng khoảng 300 triệu tấn, đất bazan 260 triệu m3, 982 triệu tấn đá trắng, 1 tỷ tấn đá vôi, hơn 160 triệu tấn đá granite, 54 triệu tấn đá đen, 300 triệu tấn đất sét cho đồ gốm và gạch ceramics chất lượng cao, 1 tỷ tấn đá xây dựng. Trong lòng đất Nghệ An còn có vàng, thiếc, than... đã được thăm dò và khai thác .
Dân số Nghệ An khoảng 3 triệu người, trong đó có khoảng 1,5 triệu người lao động, lao động lành nghề chiếm 18,75%. Hàng năm, khoảng 300 ngàn lao động trẻ và có đào tạo bổ sung thêm vào nguồn lao động của tỉnh. Nghệ An là mảnh đất có truyền thống văn hoá và giáo dục. Người Nghệ An được biết đến với sự ham học, cấn cù, tốt bụng, đoàn kết và cẩn thận. Nghệ An là vùng đất đậm đặc văn hoá với những làn điệu dân ca nổi tiếng như hát phường vải, đò đưa, ví dặm. Nơi đây cũng là quê hương của rất nhiều nhân tài như Mai Hắc Đế, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Xí, Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai… Làng Kim Liên (Nam Đàn ) là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh- người anh hùng giải phóng dân tộc- danh nhân văn hoá thế giới.
Nghệ An có hai con đường huyết mạch quan trọng của quốc gia chạy qua, đó là quốc lộ số 1 và đường Hồ Chí Minh với tổng chiều dài 300km. Ngoài ra, Nghệ An còn có các đường quốc lộ số 7, 46, 48, nối liền nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào qua các cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Thanh Thuỷ, Thông Thụ. Hệ thống đường liên huyện, liên xã đã được phát triển đáng kể, dễ dàng cho đi lại.
Nghệ An có đường sắt xuyên Vịêt đi qua, từ ga Hoàng Mai chạy hết cầu Bến Thuỷ. Đương sắt nội tỉnh từ ga Yên Lý chạy lên đến huyện Nghĩa Đàn (trung tâm cây công nghiệp của tỉnh Nghệ An ) rất tiện cho thông thương đi lại.
Sân bay Vinh có từ thời Pháp thuộc, gần đây, đã dươc nâng cấp và mở rộng, hiện đang được khai thác có hiệu quả. Dự kiến, thời gian tới sẽ đón máy bay Airbus 320, đáp ứng nhu cầu mở thêm các đường bay đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cảng biển Cửa Lò của Nghệ An có thể đón nhận tầu có trọng tải 100 ngàn tấn. Cảng đang được cải tạo để có được sức chứa 1 triệu đến 3,5 triệu tấn/ năm, nơi đây cũng là điểm du lịch nổi tiếng của Nghệ An.
Nghệ An có mạng lưới điện quốc gia đã đến được 100% các huyện thị trong tỉnh. Hiện tại, 95% các gia đình đã có điện. Tổng công suất khoảng 200MW, đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Rất nhiều dự án năng lượng như Bản La, Bản Cốc, Nhân Hoạt và Thác Muội đang được xây dựng.
Dự án nhà máy nước Thành phố Vinh đang được mở rộng và nâng cấp, từ 70.000m3/ngày đêm, sẽ nâng công suất lên 100.000m3 nước/ngày đêm, cung cấp cho người dân trong thành phố và các khu vực lân cận, các khu công nghiệp.
Đại học Vinh đã trở thành một trường đại học lớn ở khu vực Bắc miền Trung, với quy mô đào tạo 15.000 sinh viên ( dự kiến đến năm 2020 sẽ đào tạo 30.000 sinh viên/năm). Trường có những ngành đặc biệt như sư phạm, kinh tế, công nghệ thông tin, nông nghiệp, công nghiệp, Ngoài Đại học Vinh, Nghệ An còn có 3 trường cao đẳng là: Công nghệ, Y dược, Sư phạm. với quy mô đào tạo mỗi năm 2.500 sinh viên được đào tạo ra trường. Nghệ An còn có một trường công nghệ-kinh tế, một trường văn hoá, 3 trường dạy nghề và rất nhiều trung tâm dạy nghề ở các khu vực khác, hàng năm đào tạo được 22.000 đến 25.000 công nhân lành nghề.
Hệ thống truyền thông hiện đại của Nghệ An không chỉ bắt kịp trong nước mà còn kết nối với quốc tế thông qua các dịch vụ khác như điện thoại, telex, fax, internet. Bưu điện Nghệ An là đơn vị Anh hùng lao động, ngọn cờ tiêu biểu của ngành Bưu điện của cả nước.
Nghệ An là một tỉnh nghèo, xuất phát điểm phát triển thấp, lại trải qua hai cuộc chiến tranh bị tàn phá nặng nề, nhất là thành phố Vinh gần như bị san phẳng. Nhưng Nghệ An hiện nay đã tạo được đà phát triển sau gần 30 năm đổi mới, đó là sản lượng lương thực đạt gần 1 triệu tấn, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 9,7%/năm, sản lượng công nghiệp chiếm tỷ trọng 27% trong cơ cấu GDP của Tỉnh, thu ngân sách đạt 1 ngàn tỷ đồng, an ninh tốt và ổn định. điều đó nói lên sự hợp tác đầu tư phát triển công nghiệp là rất thuận lợi./.