Vượt qua khó khăn, kết quả sản xuất kinh doanh của VEAM đạt kết quả khả quan
Ngày 13/1, VEAM tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023. Báo cáo tại hội nghị cho thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh do người lao động phải nghỉ việc do đại dịch Covid-19, đã dẫn đến tình trạng thiếu lao động tạm thời. Bên cạnh đó, giá cả vật tư, giá xăng dầu tiếp tục tăng cao khiến chi phí đầu vào của nhiều đơn vị tăng mạnh, gây khó khăn cũng như giảm hiệu quả hoạt động.
Trước những khó khăn, thách thức trên, Ban lãnh đạo VEAM đã đoàn kết, nhất trí, thống nhất quan điểm phải đảm bảo duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư có hiệu quả bền vững. Bên cạnh đó, từng bước cải thiện các chỉ tiêu tồn kho, nâng cao hiệu quả các khoản đầu tư tài chính ngắn và dài hạn, nâng cao công tác quản trị, đặc biệt là về quản trị nhân sự, kết nối các đơn vị thành viên của VEAM trong việc hợp tác sản xuất giữa các đơn vị dựa trên cơ sở đánh giá năng lực thiết bị, lợi thế cạnh tranh của từng đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo toàn, phát triển và sử dụng vốn VEAM một cách hiệu quả; nâng cao năng lực sản xuất và tối đa hóa lợi nhuận...
Đo đó, mặc dù gặp nhiều khó khăn và thách thức, tuy nhiên với các giải pháp linh hoạt, sự đoàn kết, thống nhất trong Ban lãnh đạo tổng công ty, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 của VEAM đã đạt hiệu quả cao.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 4.050 tỷ đồng tăng 20% so với 2021 và vượt 12% kế hoạch năm; doanh thu ước đạt 5.179 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2021 và vượt 2% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế ước đạt 6.120 tỷ đồng vượt 31% kế hoạch năm”. Trong đó, nhiều đơn vị đã có những thành tích nổi bật như: công ty mẹ VEAM doanh thu tài chính ước đạt 5.904 tỷ đồng vượt 11% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế ước đạt 5.645 tỷ đồng, vượt 26% kế hoạch năm…
Ngoài ra các đơn vị liên doanh như Toyota Việt Nam, Ford và Honda đều có mức tăng trưởng đáng kể trong tiêu thụ sản phẩm so với năm 2021, trong đó Toyota tăng 42%, Ford là 22% và Honda là 40%.
Đóng góp vào kết quả chung đó có sự bứt phá, năng động, sáng tạo và linh hoạt trong hoạt động của một số công ty con. Điển hình DISOCO, FUTU1, FOMECO. Nhờ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, nhiều đơn vị thành viên của VEAM như: DISOCO, FUTU1, FOMECO… đã nhận được thêm các đơn hàng từ các khách hàng cũ và mới ở Nhật Bản, Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, nhờ công tác quản trị được tăng cường một số đơn vị như Cơ khí chính xác 1, Vietranco, Cơ khí Cổ Loa có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận, TAMAC từ 1 đơn vị từ lỗ liên tục nhiều năm trở thành có lãi.
Tổng lãi các công ty con của VEAM được đạt 484,8 tỷ đồng vượt 155% kế hoạch năm và tăng 153% so với năm 2021. Nhóm 4 công ty DISOCO, FUTU1, FOMECO, SVEAM tiếp tục là những công ty có doanh thu lớn, đóng góp gần 80% doanh thu sản xuất công nghiệp của VEAM.
Với tỷ lệ vốn sở hữu nhà nước tại VEAM hiện 88,74%, do đó, lợi nhuận của VEAM đạt được trong năm 2022 đã mang lại cho nguồn thu cho nhà nước khoảng 5.000 tỷ đồng. Đây là kết quả hết sức đáng khích lệ trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.
Nhờ đẩy mạnh phát triển thị trường, xuất khẩu năm 2022 tăng trưởng 15% so với năm 2021 và vượt 14% kế hoạch năm với kim ngạch xuất khẩu dước đạt 49,1 triệu USD. Trong đó các đơn vị đóng góp nhiều cho giá trị xuất khẩu như: FOMECO (21,9 triệu USD), SVEAM (8,8 triệu USD), DISOCO (8,3 triệu USD), Cơ khí Trần Hưng Đạo, Cơ khí An Giang, FUTU1,…
“Kết quả trên có được một phần là nhờ những chính sách của Chính phủ trong giai đoạn bình thường mới của dịch bệnh Covid-19. Tận dụng cơ hội này, các hoạt động thương mại và xúc tiến thị trường đã được VEAM chú trọng triển khai như: Đàm phán với Tập đoàn Generac của Mỹ về lĩnh vực sản xuất máy phát điện, khí nén, máy làm vườn; đàm phán với Tập đoàn ZF của Đức về lĩnh vực sản xuất hộp số ô tô và hệ thống gầm ô tô; tìm kiếm khách hàng có sản lượng lớn để hợp tác sản xuất bán thành phẩm cho thị trường trong và ngoài nước; tham gia các triển lãm VIMEXPO 2022, Autotech 2022, Motor Show…” Ông Phan Phạm Hà – Tổng Giám đốc VEAM khẳng định.
Năm 2023 tiếp tục tiêu thụ xe tồn kho
Ông Nguyễn Khắc Hải - Chủ tịch HĐQT VEAM khẳng định, từ những kết quả năm 2022, “Năm 2023, VEAM tiếp tục đặt mục tiêu tìm các giải pháp về pháp lý, về thị trường, tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh tiêu thụ lượng xe tồn tại nhà máy Ô tô VEAM cũng như xe Changan và máy kéo ISEKI…”. Tổng công ty phấn đấu năm 2023 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.853 tỷ đồng bằng 95% năm 2022, tổng doanh thu tăng 10% so với năm 2022, giá trị xuất khẩu tương đương với năm 2022.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện đề án tái cơ cấu VEAM với mục tiêu cổ phần hóa một số công ty TNHH, thoái vốn ở các đơn vị có vốn góp của VEAM nhưng đang hoạt động không hiệu quả và không đóng góp nhiều và định hướng phát triển của VEAM trong tương lai.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đánh giá cao những nỗ lực của Hội đồng quản trị và tập thể cán bộ công nhân viên VEAM trong năm vừa qua đã vượt qua những khó khăn, thách thức để đạt được kết quả trên.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cơ bản nhất trí với các chỉ tiêu, phương hướng, kế hoạch mà tổng công ty đề ra trong năm 2023. Đồng thời đề nghị trong năm 2023, VEAM tiếp tục hoàn thiện công tác quản trị doanh nghiệp; đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của công ty mẹ và các công ty con có hiệu quả bền vững; kết nối các đơn vị thành viên của VEAM trong việc hợp tác sản xuất; khẩn trương quyết liệt giải quyết các vấn đề tồn tại, sai sót và vướng mắc của VEAM trong thời gian trước đây bao gồm hàng tồn kho, công nợ phải thu quá hạn... Đặc biệt, hoạt động sản xuất kinh doanh phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, ông Nguyễn Khắc Hải phát biểu: “Sau hội nghị sẽ đưa các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng vào kế hoạch hoạt động năm 2023, thực hiện các giải pháp đa dạng và đồng bộ, giải quyết các vấn đề nội tại còn tồn đọng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh cũng như tạo ra chuyến biến tích cực có hiệu quả hơn nữa trong hoạt động và phát triển bền vững của VEAM”.
Với sự nỗ lực và thành tích của các công ty con, tại Hội nghị, VEAM đã khen thưởng cho 10 đơn vị có thành tích trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020 gồm Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công, Công ty TNHH MTV Động cơ và Máy nông nghiệp Miền Nam, Công ty TNHH MTV Máy kéo và Máy nông nghiệp; Công ty CP Phụ tùng máy số 1, Công ty CP Cơ khí Phổ Yên, Công ty CP Cơ khí Chính xác số 1, Công ty CP Cơ khí Cổ Loa, Công ty CP Vận tải và Thương mại VEAM, Công ty CP Cơ khí An Giang, Công ty CP Đầu tư VEAM Tây Hồ với mức thưởng 30 triệu đồng/công ty.