TÓM TẮT:

Đứng trước thời cơ và thách thức về nhu cầu nguồn nhân lực đến năm 2025 dưới tác động cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ sở giáo dục đại học phải tạo bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng chuyển đổi số quốc gia. Nhà trường thông minh sẽ cung cấp cho sinh viên những kỹ năng cốt lõi của thế kỷ XXI. Bài viết đề xuất 10 giải pháp nhằm xây dựng đại học thông minh dựa trên các nguyên tắc và đảm bảo các đặc trưng cơ bản trường học 4.0.

Từ khóa: cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, nhà trường thông minh, giáo dục 4.0, ICT.

1. Đặt vấn đề

Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 04 tháng 5 năm 2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã chỉ định giáo dục và đào tạo cần có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, kết nối cộng đồng khoa học và công nghệ, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, thúc đẩy sự thay đổi căn bản và toàn diện trong giáo dục nghề nghiệp theo định hướng ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số và đô thị thông minh.

Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 mang lại, ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản.

Với thời cơ và thách thức đó, các cơ sở giáo dục đại học cần tạo bước nhảy vọt nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh quốc gia chuyển đổi số. Các đặc trưng cơ bản, các nguyên tắc xây dựng nhà trường thông minh được xây dựng trên mô hình ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông sẽ làm cơ sở cho các giải pháp khả thi nhằm giúp cho các cơ sở giáo dục phát triển thành nhà trường 4.0.

2. Nội dung

2.1. Sự phát triển các ngành nghề và nhu cầu nhân lực trong bối cảnh quốc gia chuyển đổi số

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2025, nước ta có 78,07 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó ở nông thôn là 46,56 triệu người, chiếm 59,64% so với tổng số. Về quy hoạch nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, cùng số liệu điều tra lao động việc làm và kết quả dự báo của Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm thì: lực lượng lao động làm việc trong nền kinh tế gần 63 triệu người, số lao động trong độ tuổi là 52,8 triệu người; nhân lực trong nông nghiệp chiếm 35-38% (năm 2020) và 28,3% (năm 2025), trong công nghiệp - xây dựng chiếm 31% (năm 2020) và 25,1% (năm 2025), trong dịch vụ chiếm 27,0% - 29% (năm 2020) và 46,6% (năm 2025%) tổng nhân lực trong nền kinh tế.

Dự báo đến năm 2025, số lao động giản đơn là khoảng 12,42 triệu người, chiếm 20,1% trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế; số lao động có kỹ năng trong nông, lâm, ngư nghiệp là 9,21 triệu người, chiếm 14,9%; số công nhân kỹ thuật vận hành máy và thợ lắp ráp là 7,7 triệu người, chiếm 12,46% và số lao động thủ công là 7,50 triệu người, chiếm 12,13%, lao động chuyên môn bậc trung là 1,82 triệu người, chiếm 2,94%.

Tổng số nhân lực qua đào tạo năm 2020 khoảng gần 44 triệu người, chiếm khoảng 70,0% trong tổng số gần 63 triệu người làm việc trong nền kinh tế. Trong đó, số nhân lực qua đào tạo GDNN (giáo dục nghề nghiệp) năm 2020 khoảng 39 triệu, gồm: bậc sơ cấp nghề gần 24 triệu người, chiếm khoảng 54,0%; bậc trung cấp là gần 12 triệu người (khoảng 27,0%); bậc cao đẳng là hơn 3 triệu người (khoảng 7,0%).

Kết quả dự báo cho thấy:

(1) Tỷ trọng lao động trong ngành Nông nghiệp giảm mạnh từ 44,7 % (năm 2015) xuống còn 28,3% (năm 2025); ngành Công nghiệp tăng nhẹ từ 22,1% (năm 2015) lên 25,1% (năm 2025); ngành Dịch vụ tăng nhanh từ 33,2% (năm 2015) lên 46,6% (năm 2025). Như vậy, đến năm 2025, lao động dịch chuyển từ ngành Nông nghiệp sang ngành Công nghiệp và Dịch vụ, trong đó chủ yếu chuyển sang ngành Dịch vụ. Nhu cầu xuất khẩu lao động đến năm 2020 là rất lớn, chỉ tính riêng các huyện nghèo trong giai đoạn 2016-2020 dự kiến đưa khoảng 58 ngàn người đi làm việc ở nước ngoài, trong đó khoảng 80% lao động qua đào tạo nghề.

(2) Tỷ lệ lao động qua GDNN trong tổng số lao động của từng lĩnh vực: trong nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 35%; trong công nghiệp - xây dựng 63% và trong dịch vụ 50%, cụ thể:

+ Nhân lực khối ngành Nông, Lâm, Ngư nghiệp: Dự báo đến năm 2020, số lao động qua đào tạo các trình độ của khối ngành Nông, Lâm, Ngư nghiệp sẽ gần 13 triệu người đến năm 2020, trong đó, trình độ sơ cấp chiếm 69,5%; trình độ trung cấp chiếm 22,5%; trình độ cao đẳng chiếm khoảng 6,0%.

+ Nhân lực khối ngành Công nghiệp - Xây dựng: Dự báo đến năm 2020, số lao động qua đào tạo các trình độ của khối ngành Công nghiệp - Xây dựng là 16 triệu. Trong đó, trình độ sơ cấp chiếm khoảng 56,0%; trình độ trung cấp chiếm 33,5%; trình độ cao đẳng chiếm 4,0%.

+ Nhân lực khối ngành Dịch vụ (Bao gồm lĩnh vực y tế, du lịch, văn hóa, giao thông vận tải): Dự báo đến năm 2020, số nhân lực qua đào tạo của khối ngành Dịch vụ gần 15 triệu người. Trong đó, trình độ sơ cấp chiếm khoảng 37,0%; trình độ trung cấp chiếm khoảng 23,0%; trình độ cao đẳng chiếm khoảng 12,0%.

- Giai đoạn 2016-2020, cần đào tạo GDNN cho khoảng 12 triệu người, trong đó: trình độ cao đẳng là 1.440.000 người (chiếm khoảng 12%), trình độ trung cấp là 1.760.000 người (chiếm khoảng 14,5%), trình độ sơ cấp là 8.800.000 người (chiếm khoảng 73%).

2.2. Các nguyên tắc phát triển nhà trường thông minh 4.0

Qua dự báo tác động dự báo về ngành nghề và nhu cầu nguồn nhân lực đến năm 2025, các nguyên tắc phát triển nhà trường thông minh theo định hướng 4.0 trong bối cảnh quốc gia chuyển đổi số cần phải:

(1) Tạo sự đột phá về chất lượng đào tạo, phát triển quy mô tương ứng với các điều kiện đảm bảo chất lượng, phát triển nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và quốc tế.

(2) Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường theo hướng gắn chặt chẽ với thị trường lao động và xã hội, chuyển mạnh đào tạo gắn kết với việc làm và tạo việc làm bền vững.

(3) Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường phải mang tính đồng bộ và kế thừa, đảm bảo nguyên tắc chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế và có lộ trình phù hợp trong từng giai đoạn.

(4) Tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc nền giáo dục tiên tiến hiện đại, áp dụng vào thực tiễn Việt Nam về chuẩn nghề, công nghệ trong giảng dạy, công nhận bằng cấp giữa các quốc gia.

(5) Tạo điều kiện để thu hút mọi nguồn lực của xã hội để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo.

2.3. Đặc trưng của nhà trường thông minh 4.0

Chất lượng học tập của người học được nâng cao

Trường học thông minh hoạt động trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong việc quản lý điều hành, tổ chức các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đồng thời xây dựng môi trường học tương tác trên không gian mạng của nhà trường, gia đình và xã hội lấy sinh viên làm trọng tâm. Lớp học thông minh gồm bảng tương tác thông minh, các thiết bị đào tạo thông minh, các hoạt động dạy học thực hiện linh hoạt, có khả năng di động và thông minh làm mở rộng ranh giới học tập do không giới hạn số lượng học viên, thời gian và không gian. Giáo dục thông minh cho phép học ở mọi nơi và mọi lúc, qua đó giúp cho sinh viên và giảng viên được tự do lựa chọn chủ đề và phát triển năng lực tự lực, tư duy sáng tạo cho sinh viên.

Nhà trường 4.0 hướng đến đầu tư phát triển nhân lực, cung cấp cho sinh viên những kỹ năng cốt lõi của thế kỷ XXI, đó là:

  • Công nghệ và phương tiện truyền thông
  • Kỹ năng học tập và sáng tạo
  • Sáng tạo và đổi mới
  • Tư duy phản biện và giải quyết vấn đề
  • Giao tiếp và hợp tác
  • Kỹ năng sống và nghề nghiệp

Quản lý nhà trường tinh gọn và hiệu quả

Các hệ thống thông tin quản lý những lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ của nhà trường được số hóa, liên thông và chia sẻ dữ liệu giữa các ngành; tăng cường sự tham gia của người học nhằm nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý của nhà trường. Mặt khác, hệ thống được hội nhập giáo dục toàn cầu, ứng dụng nền tảng học trực tuyến, học trên thiết bị di động ở bất cứ nơi đâu; đồng thời việc áp dụng mô hình quản lý người học cũng theo phương thức hiện đại. Các cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) được kết nối để đánh giá kết quả đầu ra.

Môi trường học tập hiệu quả

Với hệ thống giám sát, cảnh báo trực tuyến về môi trường được xây dựng và các ứng dụng công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề được người học quan tâm, nâng cao sự hài lòng của mọi người. Môi trường học tập tương tác với nội dung học tập từ khắp nơi trên thế giới với mục đích là làm cho quá trình học tập hiệu quả hơn trong môi trường ứng dụng công nghệ 4.0. Với công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR) giúp sinh viên cảm nhận không gian mô phỏng một cách chân thực nhờ kính nhìn 3 chiều (kính thực tế ảo). Giáo viên ứng dụng phần mềm mô phỏng, phần mềm thực hành, thí nghiệm ảo trong dạy học; sinh viên kiểm tra, làm bài thi trực tiếp trên máy tính...

Dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện

Đảm bảo các dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện. Theo đó, các nội dung được Trường ưu tiên lựa chọn là: Công cụ quản lý thông minh; Lớp học thông minh, phòng học trực tuyến; Phần mềm dạy học, ôn tập, đánh giá, thi trực tuyến; Các phần mềm tự học cho giáo viên và học sinh; Trung tâm học liệu thông minh, thư viện điện tử.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Xây dựng hạ tầng thông tin số an toàn, khuyến khích cung cấp dữ liệu mở để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh trong nền kinh tế số.

Tăng cường việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm.

2.4. Xây dựng mô hình ứng dụng ICT trong nhà trường thông minh 4.0

ICT là viết tắt của thuật ngữ Information and Communication Technologies có nghĩa là Công nghệ thông tin và Truyền thông, là tất cả các phương tiện kỹ thuật dùng xử lý thông tin, trợ giúp liên lạc, hệ thống quản lý tòa nhà thông minh, hệ thống nghe - nhìn hiện đại,... Nghiên cứu các nguyên tắc định hướng về Công nghệ thông tin và Truyền thông trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành năm 2011, việc xây dựng mô hình ứng dụng ICT trong Nhà trường đảm bảo với các đặc trưng của tòa nhà thông minh như sau: (1) Dễ triển khai; (2) Tăng hiệu quả sử dụng năng lượng; (3) Vận hành các phòng học, xưởng... tối ưu hơn; (4) Tăng hiệu suất làm việc nhờ vào hệ thống điều hòa năng lượng.

2.4.1. Các tầng trong mô hình tham chiếu

Tầng cảm biến: Tầng này bao gồm những nút đầu cuối và các mao mạch (capilary network). Các nút đầu cuối như thiết bị cảm biến, camera, đầu đọc RFID, mã Barcode, QR code, thiết bị định vị GPS,... được sử dụng để cảm nhận môi trường vật lý, cung cấp khả năng thu thập những thông tin phục vụ cho việc theo dõi và điều khiển cơ sở hạ tầng vật lý của trường.

Tầng mạng: Tầng mạng bao gồm các loại hình mạng khác nhau được cung cấp bởi các nhà mạng viễn thông hoặc mạng truyền thông riêng của doanh nghiệp.

Tầng Dữ liệu và Hỗ trợ ứng dụng: Tầng này bao gồm trung tâm dữ liệu của trường và những thành phần được thiết lập để phục vụ cho các quá trình xử lý dữ liệu và hỗ trợ ứng dụng. Tầng này phải đảm bảo khả năng hỗ trợ cho các ứng dụng và dịch vụ đa dạng của trường học ở các mức độ khác nhau.

Tầng ứng dụng: Tầng này bao gồm các ứng dụng khác nhau để quản lý trường và cung cấp các dịch vụ cho người dân.

Khối Vận hành, quản trị và đảm bảo an toàn thông tin: Khối này cung cấp các hoạt động vận hành, quản trị, bảo trì, theo dõi và đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống ICT của trường thông minh.

2.4.2. Các giao diện trong mô hình ứng dụng ICT cho trường học thông minh

Giao diện 1: Là giao diện kết nối giữa cơ sở hạ tầng vật lý trường học với tầng cảm biến. Giao diện này cho phép các thiết bị cảm biến của trường trao đổi dữ liệu và tín hiệu điều khiển giữa các nút đầu cuối trong tầng cảm biến với cơ sở hạ tầng vật lý của trường.

Giao diện 2: Là giao diện kết nối giữa các nút đầu cuối trong tầng cảm biến với tầng mạng trong trường hợp các nút cuối này giao tiếp trực tiếp với tầng mạng mà không qua mạng cảm biến.

Giao diện 3: Là giao diện kết nối giữa mạng cảm biến ở tầng cảm biến với tầng mạng. Trong trường hợp này, mạng cảm biến tập hợp các dữ liệu từ các nút đầu cuối cảm biến và kết nối với mạng truyền thông.

Giao diện 4: Là giao diện kết nối giữa tầng Mạng và tầng Dữ liệu và Hỗ trợ ứng dụng. Giao diện này cho phép truyền thông giữa trung tâm dữ liệu và các tầng thấp hơn để có thể thu thập được dữ liệu qua mạng truyền thông.

Giao diện 5: Là giao diện kết nối giữa tầng Dữ liệu và Hỗ trợ ứng dụng với tầng Ứng dụng, cho phép các ứng dụng nhận được dữ liệu và các thông tin hỗ trợ để thực hiện ứng dụng. Nó cũng cho phép các ứng dụng được tích hợp trao đổi dữ liệu qua tầng Dữ liệu và Hỗ trợ ứng dụng.

Giao diện 6: Là giao diện kết nối giữa Khối vận hành, quản trị và đảm bảo an toàn thông tin với các tầng đã nêu trên. Giao diện này cho phép các module tương ứng trao đổi luồng dữ liệu và luồng thông tin điều khiển để phục vụ cho việc vận hành, quản trị, bảo trì, theo dõi và an toàn thông tin.

Các giao diện kết nối giữa các tầng với nhau cần được xác định để truyền thông và trao đổi thông tin dữ liệu giữa các tầng. (Xem Hình)

3. Giải pháp xây dựng nhà trường 4.0 trong bối cảnh quốc gia chuyển đổi số

Qua bức tranh tổng thể về nhà trường thông minh 4.0  trong quá trình chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục và đào tạo và mô hình ứng dụng ICT, bài viết đề xuất các giải pháp xây dựng nhà trường 4.0 trong bối cảnh quốc gia chuyển đổi số như sau

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong giáo dục cho từng giảng viên, cán bộ quản lý của nhà trường và cùng nhau xây dựng văn hóa số trong giáo dục.

Thứ hai, đánh giá hiện trạng về cơ sở hạ tầng ICT, kết quả ứng dụng ICT ở các cấp quản lý của cơ sở GDĐH, xác định các bên liên quan và các cơ chế thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của nhiều bên, đặc biệt quan tâm đến sự tham gia của sinh viên, từ đó xác định tầm nhìn xây dựng nhà trường thông minh của lãnh đạo.

Thứ ba, xây dựng mô hình ứng dụng ICT, hiện đại hóa hạ tầng ICT phục vụ công tác quản lý và điều hành: Xây dựng Trung tâm quản lý và điều hành dữ liệu trong nhà trường; Đầu tư các thiết bị, hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu; Đầu tư hệ thống thiết bị mô phỏng, thực tế ảo và các thiết bị dạy học hiện đại.

Thứ tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo năng lực công nghệ số, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Thứ năm, ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập: phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa hướng tới đào tạo cá thể hóa; số hóa tài liệu, giáo trình và xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục. 100% cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, thử nghiệm chương trình đào tạo trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình.

Thứ sáu, triển khai mô hình giáo dục STEAM và kỹ năng sử dụng công nghệ số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo các công nghệ số cơ bản như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và Internet vạn vật.

Thứ bảy, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong đào tạo và quản lý đào tạo, các giải pháp công nghệ số và hợp tác với doanh nghiệp. Chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.

Thứ tám, tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; quản trị nhà trường… đồng thời thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và chuyên gia nước ngoài tham gia đào tạo.

Thứ chín, cải cách thủ tục hành chính và triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 trong nhà trường.

Thứ mười, hoàn thiện về hệ thống pháp lý và ứng dụng các phần mềm quản lý: hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp lý đóng vai trò quan trọng trong quản lý giáo dục cũng như đảm bảo quyền lợi cho người học.

4. Kết luận

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến cho nền giáo dục đại học Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức trong đó, vai trò của các cơ sở GDĐH thay đổi từ việc cung cấp kiến ​​thức đại chúng đến việc cung cấp việc học tập cá nhân một cách linh hoạt liên quan đến trình độ và khả năng của người học. Qua bức tranh toàn cảnh về nhu cầu ngành nghề, nguồn nhân lực đến năm 2025 cho thấy tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong giáo dục cần có nhà trường thông minh 4.0, đó là (1) Chất lượng học tập của người học được nâng cao; (2) Quản lý Nhà trường tinh gọn; (3) Môi trường học tập hiệu quả (4) Dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện; (5) Nâng cao năng lực cạnh tranh của Nhà trường. Việc triển khai các giải pháp đề xuất ở trên trên sẽ giúp cơ sở giáo dục đại học phát triển thành nhà trường thông minh 4.0, tạo sự đột phá trong việc nâng cao chất lượng đào tạo cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của đô thị thông minh, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.  

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Thông tin và Truyền thông (2011). Hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về công nghệ thông tin và truyền thông trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam.
  2. Chính phủ (2017). Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng chCnh phủ ngày 04 tháng 5 năm 2017 về việc tăng cường năng lực tiếp tận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
  3. Chính phủ (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg ban hành ngày 03 tháng 6 năm 2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.
  4. Ziboud van veldhoven, jan vanthienen (2021). Digital transformation as an interaction-driven perspective between business, society, and technology. Electronic Markets (2022) 32:629-644. https://doi.org/10.1007/s12525-021-00464-5.
  5. https://quochoi.vn/tintuc/Pages

 Building a smart school in the context of Vietnam’s  national digital transformation

Ph.D Nguyen Ngoc Trang1

Ph.D Nguyen Lan Phuong1

1Interdisciplinary Institute for Social Sciences, Nguyen Tat  Thanh University

Abstract:

Under impacts of the Fourth Industrial Revolution, higher-educational institutions in Vietnam need to make a breakthrough in training quality to meet requirements of human resources for the national digital transformation by 2025. Smart School will provide students with core skills of the 21st century. This paper proposes 10 solutions to build a smart university based on principles and the characteristics of a smart school.

Keywords: the Fourth Industrial Revolution, digital transformation, smart school, 4.0 education, ICT.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23 tháng 10  năm 2022]