Tim Hennessy, Giám đốc điều hành Công ty Lowe Ltd: Không chỉ quan tâm đến thương hiệu doanh nghiệp mà còn phải quan tâm đến cả thương hiệu quốc gia
Nói đến CHLB Đức, người ta liên tưởng đến hình ảnh một đất nước làm việc hiệu quả, tính đúng giờ. Nói đến Nhật Bản, người ta nghĩ ngay đến công nghệ và kỹ thuật và nói đến Mỹ, người ta nghĩ đến sự tự mãn…Còn Việt Nam, tuy là nước có bầu không khí chính trị ổn định, song ở một khía cạnh khác, một trong những yếu tố khiến các nhà đầu tư nước ngoài lấy làm khó chịu là hay phải chuyển nhà máy từ nơi này đến nơi khác và thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư còn rườm rà…
Do đó, để thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh đang xảy ra cuộc chạy “maratong” thu hút vốn FDI giữa các quốc gia với nhau, thì Việt Nam cũng cần phải tạo ra “thương hiệu” riêng cho mình, như là một quốc gia không những có môi trường chính trị ổn định, mà còn cả môi trường đầu tư hấp dẫn vào loại Top ten trên thế giới.

Ông Nguyễn Đức Thanh - Trưởng phòng Kỹ thuật, TCty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba)
Thương hiệu có vai trò quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp
Sản phẩm Viantaba là thương hiệu có uy tín của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, có lượng tiêu thụ lớn và được người tiêu dùng ưa chuộng trên thị trường. Nhận thức được uy tín của thương hiệu này, trong nhiều năm qua, Tổng công ty đã nỗ lực tập trung và đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống tiếp thị và xúc tiến thương mại, nhằm giữ vững và mở rộng thị trường; Xây dựng thương hiệu trên trang web theo hướng hiện đại. Đồng thời, Tổng công ty cũng chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng khá chặt chẽ đối với thương hiệu Vinataba, thành lập Ban Kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm Vinataba với các thành viên là các cán bộ kỹ thuật các phòng, ban thuộc Tổng công ty và các đơn vị thành viên. Đến nay, thương hiệu Vinataba của Tổng công ty đều đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO 9001-2000, và được đa dạng hóa, bao gồm Vinataba Premium, Vinataba Menthol… được tiêu thụ trên thị trường, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Trong những năm tới, Tổng công ty sẽ phấn đấu đăng ký thương hiệu Vinataba trở thành thương hiệu nổi tiếng, đồng thời khai thác các cơ hội trong chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia, nhằm giới thiệu thương hiệu Vinataba với thị trường nước ngoài, phát triển Vinataba trở thành nhãn quốc tế.

Bà Hồ Thị Kim Thoa - Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang: Xây dựng thương hiệu trường tồn, cho bây giờ và mai sau.
Nếu sản phẩm của chúng ta tốt mà không xây dựng cho mình một thương hiệu thì dễ bị hàng của các nước chèn ép. Muốn xây dựng thương hiệu thì trước tiên phải nâng cao chất lượng sản phẩm, phải làm sao để sản phẩm của mình, thương hiệu của mình trường tồn cùng năm tháng, cho không chỉ bây giờ mà cho cả mai sau. Để Điện Quang có được sự tín nhiệm của người tiêu dùng như hôm nay là sự vun đắp của nhiều thế hệ, của từng con người trong Công ty. Thương hiệu không chỉ cần tuyên truyền quảng cáo, mà nó là ý thức xây dựng từ văn hóa của Công ty, mỗi người lao động khi làm ra sản phẩm đều luôn nghĩ rằng, làm sao để sản phẩm của Điện Quang được người tiêu dùng tin tưởng. Sản phẩm của chúng tôi không dừng lại, chúng tôi luôn đưa ra những sản phẩm mới và những định hướng mới cho sự phát triển của Công ty để hình ảnh của Công ty luôn mới.
Để tồn tại và phát triển trong cơ chế thị trường và chuẩn bị hội nhập thì rõ ràng, xây dựng thương hiệu là điều kiện bắt buộc. Dù sản phẩm của anh có tốt đến mấy, nhưng người ta chưa biết đến anh, chưa hiểu về anh thì rất khó tiêu thụ, trong khi đó đối với nước ngoài, họ rất coi trọng thương hiệu sản phẩm, dù với bất cứ một mẫu mã hoặc một sản phẩm nào, họ cũng dành một khoản chi phí rất lớn để tuyên truyền quảng cáo. Đây là ý thức giữ gìn thương hiệu và điều kiện bắt buộc để có, phải có, trong cơ chế thị trường hiện nay. Điều tôi mong muốn là, thương hiệu bóng đèn Điện Quang không chỉ quen thuộc với người tiêu dùng trong nước mà còn là thương hiệu được cả những người nước ngoài biết đến.

 Ông Nguyễn Gia Thảo
- Chủ tịch Hiệp hội Da Giầy Việt Nam: “Thương hiệu là rất cần thiết, nhưng riêng đối với ngành Giầy, cần phải có thời gian”.
Thương hiệu thật cần thiết, song cần phải có thời gian để xây dựng. Giầy Việt Nam hiện mới chỉ ở mức độ gia công cho các nước khác, làm sao có thể có được thương hiệu? Tuy nhiên, với ngành Giầy, có được những đơn hàng với những hãng có thương hiệu lớn trên thế giới như Rebook, Nike... cũng đã là thành công lớn rồi. Và vì thế, tôi quan niệm rằng, xây dựng thương hiệu chính là xây dựng tên tuổi của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đã khẳng định được năng lực của mình, tất yếu doanh nghiệp sẽ tìm được chỗ đứng của mình, không chỉ trong nước mà còn trên thế giới.

 Ông Đỗ Khắc Chiến - Cục phó Cục Bản quyền tác giả: Xâm phạm quyền tác giả đang có chiều hướng gia tăng, chưa có biện pháp hữu hiệu để kiềm chế và ngăn chặn.
Trước đây, xâm phạm bản quyền tác giả ít được biết đến và ít được quan tâm. Kể từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, nạn xâm phạm bản quyền tác giả ngày càng có chiều hướng gia tăng, hình thức vi phạm ngày càng tinh vi, vì có sự trợ giúp của các phương tiện kĩ thuật, công nghệ hiện đại. Người ta có thể “vô tư” sao chép băng đĩa hình, mạo danh tác phẩm của người khác, hay làm nhái nhãn hiệu của các sản phẩm đã có danh tiếng... mà không biết rằng, mình đang xâm phạm bản quyền tác giả. Hiện nay, chúng ta đang gặp phải những bất cập trong việc thực thi bảo hộ quyền tác giả. Thực tế cho thấy, các vụ việc tranh chấp, xâm phạm quyền tác giả đang ngày càng gia tăng, nhưng số vụ đã được giải quyết tại các cơ quan có thẩm quyền chỉ chiếm một phần nhỏ. Có thể nêu một số lí do về tình trạng này:
- Quyền tác giả là lĩnh vực còn rất mới ở nước ta nên khi có xâm phạm, người có quyền lợi thường ít hiểu biết về trình tự, thủ tục giải quyết, nên chỉ dừng lại ở mức kêu ca, phàn nàn, trông chờ vào Nhà nước.
- Vai trò của các cơ quan thực thi pháp luật chưa được phát huy. Công tác tuyên truyền giáo dục chưa được đẩy mạnh, dẫn đến người bị xâm phạm bản quyền còn e ngại, sợ phiền phức tốn kém, nên không muốn đưa vụ việc ra các cơ quan pháp luật.
- Ngoài ra, Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật về quyền tác giả hiện hành ở nước ta chưa có các quy định chi tiết, cụ thể về xâm phạm quyền tác giả, làm cho việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

 Ông Lê Thế Bảo - Cục trưởng Cục Quản lí thị trường: Bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát, Cục còn chú trọng nâng cao nhận thức cho người dân.
Trong năm 2003, lực lượng quản lí thị trường của cả nước đã tiến hành xử lí 5808 vụ vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, trong đó bao gồm những vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Với chức năng là đơn vị đấu tranh chống hàng giả, lực lượng quản lí thị trường đã tập trung kiểm tra, ngăn chặn và xử lí các vụ sản xuất, buôn bán và lưu thông hàng giả, trong đó có hành vi vi phạm sở hữu công nghiệp, các loại hàng được in, sao chép trái phép như băng Video, đĩa CD... Bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát, Cục còn chú trọng đến công tác nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là thương nhân về sở hữu trí tuệ, như tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân, các hộ kinh doanh; Tổ chức triển lãm hàng thật, hàng giả, nhằm giúp người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả, kí cam kết với các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất không buôn bán, sản xuất hàng giả; Đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp chủ động áp dụng nhiều biện pháp chống hàng giả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã được xác lập của mình và phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và ngăn chặn hàng giả.

   Tiến sĩ  Lê Xuân Thảo
- Uỷ viên thường vụ Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Công ty Sở hữu trí tuệ INVENCO: Phần lớn doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư số tiền rất lớn cho thiết bị hay công nghệ mới, song còn rất dè dặt khi đầu tư cho bảo hộ thương hiệu của mình.
Đây là vấn đề rất đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp chưa nhận thức được thương hiệu cũng là một tài sản của mình, nên có doanh nghiệp vẫn cho rằng, số tiền thuê tư vấn để cho công tác “xây dựng nhãn hiệu” (Brading) khoảng 1000 đến 2000 USD vẫn là một chi phí quá cao, trong khi đó, có thể đầu tư hàng chục ngàn USD để lập một dây chuyền sản xuất bao bì, đến khi đi đăng ký tên và kiểu dáng thì mới phát hiện ra kiểu dáng đó đã được đăng ký trước đó rồi. Trường hợp của cà phê Trung Nguyên, Petro Việt Nam, thuốc là Vinataba là những ví dụ điển hình do doanh nghiệp “lơ là” đăng ký bảo hộ thương hiệu tại các thị trường nước ngoài, đến khi phát hiện thương hiệu của mình bị “đánh cắp” thì đã muộn. “Mất bò mới lo làm chuồng” đó là tình trạng chung của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
  Luật sư tiến sỹ Nguyễn Hoàn Thành - Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh: Khi có các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, ngoài toà án là cơ quan tố tụng chính, chúng ta có thể thông qua con đường trọng tài hoặc trung gian hoà giải.
Ưu điểm lớn nhất của việc phân xử trọng tài và trung gian hoà giải đó là đảm bảo được yếu tố bí mật, điểm này rất quan trọng, đặc biệt khi vụ kiện liên quan tới các bí mật thương mại và sáng chế. ¦u điểm thứ hai, đó là thủ tục đơn giản và linh hoạt, thời gian xét xử cũng ngắn gọn. Hai ưu điểm này rất có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, họ không phải tốn nhiều thời gian cũng như tiền bạc trong quá trình phân xử. Đa số các quyết định của trọng tài không bị kháng cáo, quyết định của trọng tài đã được sự công nhận quốc tế thông qua một loạt các công ước quốc tế như Công ước NewYork năm 1958 về công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài. Do vậy, trọng tài là thủ tục dựa trên các quyền, còn trung gian hoà giải là thủ tục dựa trên lợi ích. Vai trò của người trung gian hoà giải là cực kỳ quan trọng, giúp các bên hiểu được quan điểm của nhau, đưa ra các cách giải quyết mềm dẻo và gợi ý các giải pháp có lợi cho hai phía.